Ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin: Lựa chọn lịch sử?

(Baonghean.vn) - Tướng về hưu Lloyd Austin có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ nếu đề cử của ông Biden được Quốc hội phê duyệt.

“Những điểm mạnh của Lloyd Austin và kiến thức sâu rộng của ông ấy về Bộ Quốc phòng và cả bộ máy chính quyền, hoàn toàn phù hợp để được lựa chọn là nhân vật có thể ứng phó với những thách thức và khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt. Ông ấy là người mà nước Mỹ cần trong thời điểm hiện nay”. Ứng cử viên Joe Biden được giới truyền thông xác nhận là Tổng thống đắc cử của nước Mỹ, đã không tiếc lời ca ngợi Tướng quân đội nghỉ hưu Lloyd Austin khi đề cử nhân vật này vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng mới đây. Nếu được chấp nhận, ông Biden sẽ làm nên lịch sử khi lần đầu tiên bổ nhiệm một người da màu gốc Phi là nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Quan điểm tương đồng

Khi Tướng Lloyd J. Austin nghỉ hưu cách đây 4 năm, ông đã suy ngẫm rất nhiều về “sự nghiệp chinh chiến” kéo dài đằng đẵng ở Iraq. Những khoảnh khắc khó khăn và ám ảnh nhất trong ký ức của ông là chứng kiến cảnh những người lính bị giết chết trong các chiến dịch. Và rằng, “mỗi khi bạn mất đi một người lính, điều đó sẽ ảnh hưởng đến bạn sâu sắc”.

Người lính 67 tuổi đã trầm tư kể lại những ký ức chiến tranh bằng những ngôn ngữ và sắc thái mà ông Joe Biden cũng thường dùng khi nhắc tới người con trai đã qua đời năm 2015 vì căn bệnh ung thư. Thời gian chạy đua tranh cử, ông Biden cũng đã dùng chính những cảm giác này để an ủi các gia đình quân nhân có người thân bị mất trong chiến trận.

Tướng quân đội nghỉ hưu Lloyd J. Austin được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Getty
Tướng quân đội nghỉ hưu Lloyd J. Austin được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Getty

Không biết có phải là cái duyên khi Tướng Austin và Beau - con trai ông Joe Biden đã biết nhau trong nhiều năm. Trong những năm 2008 - 2009, Tướng Austin liên tục triển khai các cuộc chiến tại Iraq - những cuộc chiến mà ông Biden đã ủng hộ với lá phiếu của một thượng nghị sỹ. Tướng Austin khi đó nhận nhiệm vụ chỉ huy quân đội ở Iraq, còn con trai ông Biden là quân nhân trong biên chế.

Cá nhân ông Biden khi là Phó Tổng thống cũng đã có nhiều thời gian làm việc cùng Tướng Austin trên thực địa và cả trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Khi ông Biden là Phó Tổng thống thì ông Austin cũng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, nổi bật nhất là vị trí Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ giai đoạn 2013 - 2016. Lúc đó, ông Austin là sỹ quan da màu đầu tiên được giao nhiệm vụ chỉ huy giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm cả việc lên kế hoạch đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Nếu được Quốc hội Mỹ chấp nhận thông qua, ông Austin sẽ trở thành nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc là người da màu đầu tiên. 

Từ những điểm tương đồng và cả mối quan hệ lâu năm, vừa qua, ông Joe Biden đã gặp Tướng Austin mang theo lời đề nghị làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nếu được Quốc hội chấp nhận thông qua, ông Austin sẽ trở thành nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc là người da màu đầu tiên. Trong tuyên bố của mình, ông Biden không tiếc lời ca ngợi rằng, Tướng Austin là một người lính và một nhà lãnh đạo thực sự đã được chứng minh trong thực tế. Và rằng, Austin là một người bản lĩnh, đàng hoàng và là một công dân vô cùng yêu nước.

Quan trọng nhất theo ông Biden, Tướng Austin đáp ứng được yêu cầu khắt khe của một nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc - đó là hiểu rõ cái giá của “chi phí tính mạng binh lính” trong chiến trận. Dana Pittard - Tướng quân đội 2 sao đã nghỉ hưu, từng phục vụ dưới quyền của ông Austin ở Iraq cũng bình luận rằng, “ông Joe Biden là một cá nhân có trình độ độc nhất vô nhị. Ông ấy luôn suy nghĩ thấu đáo, các quyết định của Austin luôn được đưa ra sau khi ghi nhận các ý kiến đóng góp từ rất nhiều người khác chứ không chỉ các cố vấn thân cận của ông ấy”.

Tướng Lloyd J. Austin từng làm việc nhiều năm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP
Tướng Lloyd J. Austin từng làm việc nhiều năm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP

Tranh cãi và thách thức

Lloyd J. Austin suốt thời gian qua là cái tên không hề được chú ý cho đến “thời của Joe Biden”. 

Tướng Lloyd J. Austin sinh ngày 8/8/1953, mang 2 quốc tịch Iraq và Mỹ, đã tốt nghiệp Học viện Quân sự ở West Point. Dù có kinh nghiệm lâu năm, nhưng thực tế, vị tướng về hưu này lại hiếm khi xuất hiện trong các cuộc họp báo hay sự kiện bề nổi giống như một số vị tướng và quan chức khác. Thậm chí, tên tuổi của ông cũng không được nhắc tới trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành. Và rằng, Lloyd J. Austin suốt thời gian qua là cái tên không hề được chú ý cho đến “thời của Joe Biden”. Ngay trước khi được đề cử, Tướng Austin cũng không phải là nhân vật sáng giá giữa các lựa chọn khác như Michele Flournoy hay Jeh Johnson - từng đảm nhận các vai trò cấp cao của Lầu Năm Góc dưới chính quyền Barack Obama.

Một điều đáng chú ý nữa là vị trí của ông Austin hiện nay cần đến sự miễn trừ của Quốc hội Mỹ. Vướng mắc ở chỗ, Luật liên bang quy định một cựu thành viên trong quân đội phải rời quân ngũ ít nhất 7 năm trước khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi Tướng Austin mới nghỉ hưu được 4 năm. Nhìn lại lịch sử, dù việc sử dụng miễn trừ là rất hiếm, nhưng Tướng thủy quân lục chiến nghỉ hưu James Mattis đã nhận được sự miễn trừ của Quốc hội vào năm 2017 để giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trước đó là năm 1950, với nhân vật George Marshall. Chính điều này đang dấy lên những quan điểm phản đối ngay trong đảng Dân chủ. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Jack Reed của tiểu bang Rhode Island cho rằng, không nên để điều này xảy ra một lần nữa. Nhiều tiếng nói của các nhà lập pháp và cả giới chuyên gia cho rằng, nếu miễn trừ và chấp nhận để Tướng Austin đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là một tiền lệ không tốt cho các mối quan hệ dân sự - quân sự sau này.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống gặp gỡ Tướng Lloyd J. Austin trong chuyến thăm Iraq bất ngờ ngày 29/11/2011. Ảnh: AFP
Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống gặp gỡ Tướng Lloyd J. Austin trong chuyến thăm Iraq bất ngờ ngày 29/11/2011. Ảnh: AFP

Đó là chưa kể, nhiều ý kiến lo ngại là nếu được chấp nhận, cũng chưa thể rõ những ưu tiên của Tướng Austin. Trong khi đó, hàng loạt khó khăn và thách thức đang chờ đợi một vị tân Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ. Chẳng hạn, một số nhà phân tích cho rằng, tất cả binh sỹ Mỹ nên rời khỏi chiến trường Afghanistan, mặc dù ông Biden ủng hộ việc giữ lại quân số vài nghìn người để gây áp lực lên các nhóm chiến binh hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Đến nay, Tướng Austin cũng chưa công khai bày tỏ quan điểm của mình. Một số quan điểm khác lại cho rằng, Tướng Austin do đã dành phần lớn sự nghiệp quân sự để tập trung vào khu vực Trung Đông và vì thế sẽ không có kinh nghiệm sâu sắc khi đối đầu với các đối thủ hàng đầu của Mỹ ở các khu vực khác như Nga hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc lựa chọn đề cử Tướng Austin thực tế là một lựa chọn an toàn của ông Joe Biden. Có nghĩa, ông Biden có thể sẽ có một nhiệm kỳ “yên ả” cùng một vị tướng trung thành với các chiến lược đề ra. Quan trọng, đây là một vị Tướng mạnh mẽ nhưng vẫn có độ mềm dẻo và thấu cảm. Đây là điều mà ông Joe Biden luôn ấp ủ và cũng được lòng không ít cử tri. Thế nhưng, đặc điểm này lại đang dấy lên lo ngại rằng, liệu chính sách quân sự - quốc phòng của nước Mỹ sẽ có một nhiệm kỳ “yếu đuối” hơn trong 4 năm tới hay không!.

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.