V-League và chuyện sử dụng nhân tố trẻ
(Baonghean.vn) - Chỉ qua 4 vòng đầu V-League 2023/2024, vị trí cuối bảng xếp hạng tạm thời dành cho LPBank Hoàng Anh Gia Lai và vị trí thứ 9 dành cho Sông Lam Nghệ An là hai đội bóng chủ trương sử dụng nguồn cầu thủ trẻ, “cây nhà lá vườn”.
Nỗi lo lắng về thứ hạng, thậm chí nguy cơ xuống hạng đang hiện rõ sớm sủa hơn bao giờ hết. Bên cạnh niềm vui về việc các tài năng trẻ thường xuyên được rèn luyện ở giải đấu số 1, cung cấp nguồn lực dồi dào cho các đội tuyển quốc gia thì bước đi sắp tới của các đội bóng có truyền thống đào tạo trẻ nói trên cũng đang đứng trước vô vàn thách thức không nhỏ, nếu kết quả thi đấu cứ đì đẹt, chiến thắng cứ …xa vời vợi như đã thấy?
Rõ ràng, với lực lượng như hiện nay ở LPBank Hoàng Anh Gia Lai, những Tuấn Anh hay Minh Vương rất khó để kéo theo những đàn em lần đầu chơi V-League như Quốc Việt, Đức Việt... theo kịp diễn biến khốc liệt, khó lường trước những đội bóng được đầu tư mạnh mẽ để vừa có nội binh cừ cộng với ngoại binh giỏi.
Chấn thương của một số trụ cột như Thanh Bình, như ngoại binh Martin Dzilah càng khiến cho cuộc khủng hoảng lực lượng ở đội bóng phố núi thêm trầm trọng. Bên cạnh việc nhiều người cho rằng bầu Đức lâu nay không thể đưa về những ngoại binh giỏi thực sự thì lối chơi cũ kỹ của Kiatisuk cũng là “điểm trừ” đáng nói khiến cho đội bóng này chật vật đến thế ở V-League.
Trong khi đó, Sông Lam Nghệ An khởi đầu mùa giải với những trận đấu ào ạt khí thế trẻ trung, cống hiến nhưng cũng bộc lộ sự non yếu chưa dễ khắc phục trong ngày một, ngày hai. Một trận thua tâm phục khẩu phục trước Đông Á Thanh Hóa trên sân khách chứng minh điều đó. Ba trận hòa trước Thể Công Viettel, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Quảng Nam trên sân Vinh để lại nhiều điều đáng tiếc, đáng nói và đáng quên.
Đáng tiếc là ít nhất Sông Lam Nghệ An đã để bị gỡ hòa phút cuối trong các trận đấu gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Quảng Nam. Đáng nói là lỗi các bàn thua đều đến từ các cú đánh trung lộ của đối thủ, khi các cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An gần như kiệt sức về cuối trận, không thể đeo bám được đối thủ.
Đáng quên là Sông Lam Nghệ An rất hay để thua từ những tình huống cố định, nhất là phạt góc. Hai bàn thắng của Quảng Nam trong trận hòa 4-4 ở vòng 4 vừa qua đều đến từ những quả phạt góc. Đó là một trong nhiều điểm yếu chết người, một đội bóng có truyền thống chơi phòng ngự nhưng nay phòng ngự hớ hênh không thể tả như nhiều người đã biết.
Chấn thương của Khắc Lương rồi Trọng Hoàng lại đang đào sâu thêm sự non yếu về lực lượng của đội bóng thành Vinh. Điều này cho thấy chủ trương trẻ hóa đội hình mà làm “nóng tay bắt lỗ tai”, như cách đưa Bá Quyền hay Nguyên Hoàng vừa đá giải U21 lên V-League dù họ rất cố gắng thì ông thầy nào cũng bất lực, đội bóng sẽ nhanh chóng thu được “trái đắng” mà thôi.
Và không chỉ 2 đội bóng nói trên, tình hình cũng khá đáng nói với Công an Hà Nội khi huấn luyện viên Gong Oh-kyun mới đây sử dụng một loạt cầu thủ trẻ và thua trước Hải Phòng (tỷ số 1-3). Cựu huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi để ngoài những tuyển thủ quốc gia như Tấn Tài, Văn Toản, Văn Dương…để tung ra những cái tên mới toanh như Gia Hưng, Bảo Trung, Văn Phương…và cuối cùng phải nhận trách nhiệm về mình, về sự chưa thấu hiểu V-League một cách cặn kẽ, khách quan.
Câu chuyện xa hơn là cách sử dụng cầu thủ trẻ của huấn luyện viên Philipe Troussier ở Đội tuyển Việt Nam, với việc loại Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tấn Tài.. để sử dụng Tuấn Tài, Thái Sơn, Minh Trọng…Điều đáng chú ý là các huấn luyện viên ngoại đều rất thích sử dụng các nhân tố trẻ, không quan tâm đến tên tuổi hay quá khứ của họ như cách huấn luyện viên Troussier hay huấn luyện viên Gong Oh-kyun đang làm. Nhưng với ông Troussier là quá trình thử nghiệm liên tục, có cơ sở hợp lý hoặc sẽ dần hợp lý như chuyện ai cũng biết về sự sa sút của Hoàng Đức gần đây. Còn với huấn luyện viên Gong Oh-kyun, sự vội vàng, chủ quan của ông đã bị trả giá ngay lập tức nên chắc chắn mọi việc sẽ dần được điều chỉnh cho phù hợp nếu không muốn bị …sa thải sớm.
Các nhân tố trẻ từng ăn tập, thi đấu nhiều năm qua các đội tuyển trẻ như ở Sông Lam Nghệ An hay LPBank Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ ít bị ngợp hơn so với các đội bóng khác khi thi đấu ở V-League. Nhưng V-League là một sân chơi dài hơi, khốc liệt, đua tranh nên sẽ rất khó cho Sông Lam Nghệ An hay LPBank Hoàng Anh Gia Lai có thể “chen chân” vào top những đội bóng mạnh, thứ hạng cao. Sẽ có những cầu thủ trưởng thành nhanh chóng như Văn Việt, Mạnh Quỳnh, Nam Hải hay Nguyên Hoàng ở Sông Lam Nghệ An, nhưng cũng có những cầu thủ bị “chín ép” không thể theo kịp tốc độ của những trận đấu gay cấn, bị bỏ lại phía sau.
Có một chi tiết đáng chú ý với cầu thủ trẻ ở V-League, lấy ví dụ ở vòng 4 vừa qua. Ở Đông Á Thanh Hóa, “người không phổi” Thái Sơn đá chính 70 phút và được thay ra nghỉ, có đàn anh vào gánh vác kịp thời để giúp đội nhà thắng trận. Trong khi đó, tiền vệ trung tâm Nam Hải của Sông Lam Nghệ An chơi gần 90 phút mới được thay ra và có thể nói lỗi trong bàn gỡ 4-4 của Quảng Nam là ở chính vị trí bị quá tải này? Để nói rằng, lực lượng dày và cách dùng người hợp lý sẽ giúp cầu thủ trẻ trưởng thành, còn ngược lại sẽ khiến họ “nản” từ lúc nào không ai hay biết?