Vài kỷ niệm về chuyến công tác của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Năm 2004, đoàn công tác của Hội đồng lý luận Trung ương do đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dẫn đầu về thăm, nghiên cứu tại Thanh Chương.
Nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, ai cũng thấy sự gần gũi giữa lý luận và thực tiễn, giữa cấp trên và cấp dưới. Những nội dung đưa ra không có gì viển vông, cao xa mà thực sự dễ hiểu, cần thiết đối với mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên.
Ở Nghệ An, sau Đại hội XV (2001) của Đảng bộ tỉnh, có những chuyển biến khá mạnh. Ông Trương Đình Tuyển - Bộ trưởng Bộ Thương mại được luân chuyển về làm Bí thư. Chỉ trong một thời gian ngắn, tính cương trực, quyết đoán trong công việc, sự liêm khiết, giản dị trong cuộc sống của ông đã nhanh chóng lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Thanh Chương được ông Tuyển rất chú ý. Vì theo ông, đó là huyện rộng, người đông, có truyền thống cách mạng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ông trực tiếp duyệt nội dung, dự và phát biểu rất quyết liệt tại Đại hội Đảng bộ huyện. Trong 3 năm ở Nghệ An, ông nhiều lần về Thanh Chương,... phong trào chung, nhất là hoạt động của đội ngũ cán bộ có những chuyển biến rất rõ. Có lẽ đó cũng là cơ duyên để chúng tôi có những kỷ niệm đáng nhớ này.
Năm 2004, đang tiết trời mùa Xuân, đoàn công tác của Hội đồng lý luận Trung ương về thăm, nghiên cứu tại huyện Thanh Chương. Đoàn do đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dẫn đầu. Trong đoàn còn có Giáo sư Đặng Xuân Kỳ - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin; đồng chí Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư Lê Hữu Nghĩa,…
Ở Thanh Chương, đoàn chọn một xã để đến thực tế.
Thanh Tiên là địa phương có điều kiện trung bình của huyện, phong trào khá vững chắc. Ông Nguyễn Văn Hậu là người đã nhiều năm làm Chủ tịch, khi đó đang là Bí thư Đảng ủy xã, là người thẳng thắn, mạnh dạn, có uy tín trong hệ thống chính trị và nhân dân xã.
Khi biết đoàn công tác gồm các nhà lý luận hàng đầu của Đảng, anh Hậu rất thận trọng, cho người gặp trực tiếp anh Nguyễn Quang Hạnh - Bí thư Huyện ủy hỏi về việc tổ chức các lễ nghi đón tiếp, các điều kiện cho buổi làm việc.
Hồi đó, tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Vừa ở phòng Bí thư, định xuống bàn công việc với Chánh Văn phòng thì tôi thấy bác Nguyễn Phú Trọng với bác Đặng Xuân Kỳ đang đứng dưới cây ngọc lan hỏi chuyện anh Đặng Hà - thợ chụp ảnh. Tôi đã từng đọc tiểu sử, một số bài viết của hai bác và rất ngưỡng mộ hai bác. Thấy hai bác hiền từ, dễ gần, lại đang rảnh rỗi, tôi mạnh dạn hỏi bác Trọng:
- Thưa bác, ngày mai ta sẽ đi xã Thanh Tiên, cách đây khoảng 10 km. Xin bác cho biết thành phần tham dự buổi làm việc của huyện, của xã thế nào để anh em bố trí ạ? Với lại anh em muốn bố trí một số khẩu hiệu trước cơ quan, trong hội trường, xin bác chỉ giúp nội dung với ạ?
Bác suy nghĩ một tý rồi nói rất rành rẽ:
- Ở huyện thì mời các anh trong Thường trực, Trưởng ban Tuyên giáo; ở xã thì mời Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch. Phòng làm việc thì nên bố trí kiểu chữ U, khi ngồi mọi người nhìn thấy nhau kiểu tọa đàm. Đây là một buổi đi nghiên cứu thực tế, đi làm việc, không cần phải hoa hòe, biểu ngữ gì cả.
Tôi thưa với bác Trọng nhưng lại nhìn như “cầu cứu” bác Đặng Xuân Kỳ:
- Thưa hai bác, đây là vùng xa trung tâm, rất ít khi có đoàn công tác của Trung ương về như thế này, xin các bác cho anh em cơ sở trang trí đơn giản nhưng nghiêm túc và ghi lại ít hình ảnh để làm kỷ niệm ạ?
Bác Kỳ ủng hộ:
- Được, có thể làm mấy dòng dán lên phông, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm với địa phương.
Bác Trọng cười hiền hậu:
- Cũng được. Nhưng nhớ là chỉ bố trí không gian trong hội trường làm việc, không bày biện ngoài đường, ngoài sân nhé. Trên phông thì ghi “Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An” là được.
Tôi về phòng, lấy giấy bút ghi lại nội dung biểu ngữ trên phông mà cứ “lăn tăn”: Trưởng đoàn là một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, mà cũng chỉ ghi chung với đoàn nghe nó thế nào ấy! Tôi nói sự băn khoăn này với anh Nguyễn Quang Hạnh. Anh Hạnh sửa lại: “Nhiệt liệt chào mừng Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch và Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương về thăm và làm việc tại xã Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An”.
Tôi lại cẩn thận ra xin ý kiến hai bác. Bác Trọng cười, lại dặn: Thôi được. Nhưng nhớ là chỉ làm gọn trong phòng ta làm việc thôi nhé! Thấy anh Hà đang mang máy ảnh bên mình, tôi mạnh dạn: Thưa bác, em muốn xin bức ảnh kỷ niệm với các bác có được không ạ? Bác Trọng cười rất thoải mái: Chụp ảnh kỷ niệm thì vô tư mà! Vậy là tôi có hai bức ảnh quý với hai bậc tiền bối đáng kính!
Thời đó, ở huyện Thanh Chương chưa có máy cắt mi ca, buổi tối, tôi trực tiếp cắt tay mấy dòng chữ để dán lên bảng trên phông cho anh em xã Thanh Tiên.
Sáng hôm sau, chúng tôi vinh dự được đi cùng đoàn lên xã Thanh Tiên. Một không khí vui vẻ, thân tình. Vào phòng làm việc, bác Trọng quan sát một vòng tỏ vẻ hài lòng, rồi bác ngồi uống nước chè với Bí thư Hậu. Bác khen nước chè rất thơm, ngon.
Mở đầu cuộc làm việc, bác Trọng đặt vấn đề rất thong thả, ngắn gọn, khúc chiết. Đại ý là: Lần này, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ thêm một lần nghiên cứu sâu hơn về phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong lý luận và thực tiễn, hàng chục năm nay, Đảng lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nói nôm na: Khi chưa có Đảng, và kể cả bây giờ, nếu Đảng không lãnh đạo thì nông dân vẫn cấy cày, công nhân vẫn vào công xưởng, thầy giáo vẫn đi dạy, học trò vẫn đi học,… Vậy thì các tổ chức và xã hội này có cần Đảng ta lãnh đạo không? Họ cần sự lãnh đạo như thế nào? Hay nói cụ thể hơn, như ở Đảng bộ xã các đồng chí thì Đảng bộ lãnh đạo như thế nào để địa phương ổn định, dân yên, dân no, dân vui, dân tin? Được biết Thanh Tiên là xã có phong trào rất vững chắc, tập thể lãnh đạo đoàn kết, đồng chí Bí thư có tín nhiệm rất cao,… Các đồng chí thấy từ khi tiến hành Đại hội Đảng bộ cho đến quá trình triển khai các hoạt động thì mắc mớ ở khâu nào, những nội dung công việc gì thường dẫm đạp lên nhau? nội dung gì thường bị bỏ quên? Hãy nói cụ thể hơn: Trong mỗi tháng/mỗi tuần thì Bí thư Đảng ủy thường làm gì? Trong một ngày bình thường, đồng chí Bí thư đến cơ quan thường làm những việc gì? Đồng chí Bí thư có thể vắng mặt trong thời gian bao lâu thì mọi hoạt động vẫn bình thường?...
Ngồi nghe đồng chí đặt vấn đề, ai cũng thấy sự gần gũi giữa lý luận và thực tiễn, giữa cấp trên và cấp dưới. Những nội dung đưa ra không có gì viễn vông, cao xa mà thực sự dễ hiểu, cần thiết đối với mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên. Buổi làm việc trong không khí mở. Khi trả lời các câu hỏi của đồng chí, tự nhiên nhiều nội dung được “vỡ lẽ”,…
21 năm đã qua, nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm ngày ấy. Sau này, mỗi khi được nghe đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trực tiếp hay trên phương tiện truyền thông lại nhớ về con người giản dị, nụ cười đôn hậu, giọng nói truyền cảm hứng,… lan tỏa yêu thương, tin tưởng.