Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hàng năm là ngày “Dân vận của cả nước”.
Cách đây 73 năm, năm 1949, Đảng ta, Nhân dân ta mới giành được chính quyền 4 năm, nhưng do có một bộ phận cán bộ đã quan liêu, xa dân, ức hiếp dân, mất dân chủ với dân, một số nơi chưa quan tâm đến công tác dân vận; do vậy Bác viết bài “Dân vận” với bí danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949. Với tiêu đề ngắn gọn với 2 chữ “DÂN VẬN”, vào đề bài báo Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ, nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.
Ở đây Bác nói “hiểu thấu” có nghĩa là phải hiểu được bản chất của vấn đề, hiểu cả nội dung lẫn hình thức, suy ra cán bộ đến với dân thì phải thấu hiểu được lòng dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân và phải hiểu được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận. Với 573 từ, bài báo chia thành 4 phần, (phần mở đầu: Nước ta là nước dân chủ; phần thứ hai: Dân vận là gì; phần thứ ba: Ai phụ trách dân vận; phần thứ tư: Dân vận phải thế nào). Bài “Dân vận” của Bác đã thể hiện một cách toàn diện, đã nêu ra một cách khá đầy đủ nội hàm của khái niệm dân vận, nội dung quy trình của công tác dân vận. Nghiên cứu cả 4 vấn đề đó chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Những vấn đề Bác nêu trong bài báo đã thực sự đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ ai cũng có thể tự liên hệ đến trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận, đối với dân.
Trong bài viết, Bác nêu một vấn đề mà gần như lúc nào cũng mang tính thời sự: “Ai làm công tác dân vận?”. Bác viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận”. Nghĩa là toàn hệ thống chính trị phải làm dân vận, như Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI sau này Quyết định số 290- QĐ/TW của Bộ Chính trị đã cụ thể thành Quy chế. Phân tích, thấy nổi rõ 2 vấn đề.
Một là: Tất cả cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, không trừ một ai, trong hệ thống chính trị đều phải phụ trách (làm) dân vận. (Đảng lúc bấy giờ không ra công khai, nên đảng viên được hiểu ngầm dưới danh nghĩa là cán bộ đoàn thể). Hai là: Tuy Bác không đặt vấn đề ai phụ trách chính, còn ai phụ, nhưng không phải vô tình hay ngẫu nhiên, Bác nêu cán bộ chính quyền trước tiên. Bởi lẽ cán bộ chính quyền, một trong những chủ thể không chú trọng làm công tác dân vận trong thực hiện chức năng quản lý kinh tế – xã hội của mình, hoặc quan liêu tham nhũng, gây phiền hà dân, hoặc ra nhiều chủ trương, chính sách không hợp lòng dân, thì cho dù đoàn thể ra sức làm dân vận tối ưu theo nhiệm vụ phương cách của mình, thì dân vận của toàn hệ thống chính trị vẫn không hiệu quả.
Bác phê bình cán bộ hồi đó mà tưởng chừng như đối với chúng ta ngày nay: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to rất có hại”. Bác nêu: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng cùng nhau chia công việc rõ rệt…”. “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc rút kinh nghiệm, phê bình khen thưởng”.
Đã 73 năm trôi qua, bài “Dân vận” của Bác vẫn mới, vẫn còn và mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp cách mạng xây dựng bảo vệ đất nước hôm nay.
Vận dụng tư tưởng “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương của Người với vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trong những năm qua, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Nghệ An đã đạt được kết quả trên tất cả các mặt. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; công tác giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành. 21/21 huyện, thành phố, thị xã, 7/7 đảng ủy trực thuộc và 57/57 các sở, ban, ngành, đoàn thể đều thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo. Từ 345 mô hình “Dân vận khéo” năm 2009 (năm Ban Dân vận TW bắt đầu phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”), đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 8.881 mô hình (trong đó lĩnh vực kinh tế có 3002 mô hình; văn hóa – xã hội có 3178 mô hình; an ninh, quốc phòng có 1088 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị có 1613 mô hình).
Nổi bật nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh đã vận động Nhân dân hiến được trên 7,2 triệu m2 đất, đóng góp hàng triệu ngày công và trên 5.500 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, đưa số xã về đích trong xây dựng nông thôn mới đến nay là 300/411 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 04 xã thuộc huyện nghèo 30a, 02 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số) và 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đó là thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với một số dự án quan trọng đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, đồng tình. Tiêu biểu là giải phóng mặt bằng Dự án VSIP Nghệ An giai đoạn 1 với diện tích 750 ha, Dự án WHA Hemaraj, Dự án tôn Hoa Sen, Vingroup, The Visai, Masan, FLC, Mường Thanh,… được Nhân dân đồng thuận. Thông qua “Dân vận khéo” đã vận động hàng ngàn hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Hồ chứa nước bản Mồng về nơi ở mới để thi công công trình đúng tiến độ, được Nhân dân đồng tình cao.
Trên lĩnh vực kinh tế, thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã xây dựng được 1.200 ha chanh leo (huyện Quế Phong, Tương Dương) với giá trị thu nhập 600 triệu đồng/ha/năm; mô hình cam V2 (tại huyện Quỳ Hợp) với diện tích trên 500 ha, cho giá trị kinh tế 1,5 tỷ đồng/ha; mô hình dưa lưới (tại huyện Nghi Lộc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha; huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai có nhiều nông dân đầu tư hàng chục tỷ đồng nuôi trồng thủy sản. Hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm (Công ty sữa TH). Khai thác hợp lý tiềm năng về đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế. Thương mại, dịch vụ được mở rộng, phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất… đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh; mô hình làng văn hóa, dòng họ văn hóa, dòng họ khuyến học được Nhân dân và toàn xã hội ghi nhận, số học sinh thi đại học đạt điểm cao, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhiều năm xếp trong tốp đầu cả nước. Tỷ lệ gia đình văn hóa là 85%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,74%.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các mô hình như: “Tiếng kẻng bình yên”, “Tổ tự quản an toàn”, xóm (khối) không có ma túy, không có tệ nạn xã hội, không có tai nạn giao thông của các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo xây dựng; mô hình “Biên giới bình yên” của Bộ đội Biên phòng; “Tổ đội công tác giúp dân xây dựng cơ sở chính trị”, mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”, “Tiết kiệm bản thân để phần người khó” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “Ngày thứ bảy vì dân” của Công an Nghệ An… đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình “Dân vận khéo” đã tập trung củng cố tổ chức đảng, các đoàn thể ở xóm, bản, nhất là vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 23/5/2021 về nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Hàng năm, đưa việc kiểm tra xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vào chương trình kiểm tra của cấp ủy. Thông qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” Nhân dân tín nhiệm cán bộ, tin yêu Đảng hơn. Những mô hình trên thực sự có tính thuyết phục, có sức lan tỏa để các tổ chức, cá nhân học tập, làm theo; đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập hợp, vận động và phát huy được sức mạnh, trí tuệ của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
Từ vận dụng tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thực hiện bài báo “Dân vận” của Bác trong xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Nghệ An, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cán bộ phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn vì lợi ích của Nhân dân; luôn đi đầu trong các phong trào, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Thứ hai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải đứng trên quan điểm, lợi ích của Nhân dân, đó là yếu tố quan trọng để phát huy nội lực trong nhân dân và làm nên sức sống bền vững của phong trào. Phương pháp dân vận phải tốt, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân để giải quyết những vấn đề phát sinh, bức xúc, nổi cộm từ cơ sở.
Thứ ba, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; cả hệ thống chính trị vào cuộc, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương, đơn vị. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành ở tỉnh Nghệ An tiếp tục thấm nhuần sâu sắc tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo “Dân vận”. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với phương châm “Gần dân, trọng dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”; góp phần xây dựng quê hương Nghệ An thành một tỉnh khá như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.