Vận hành nhà vệ sinh không cần dùng nước trên Đảo Mắt
(Baonghean.vn) - Ngày 14/6, tại Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, nhóm nghiên cứu đã triển khai lắp ghép vận hành nhà vệ sinh theo công nghệ Dry Bio - Toilet.
Nhóm đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Dry Bio - Toilet để xây dựng mô hình nhà vệ sinh không dùng nước tại Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt - Bộ CHQS tỉnh Nghệ An” do Thượng tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ CHQS tỉnh làm chủ nhiệm đề tài, tiến hành triển khai lắp ghép vận hành nhà vệ sinh theo công nghệ Dry Bio Toilet (nhà vệ sinh không dùng nước). Đây là đề tài cấp tỉnh, chủ trì Bộ CHQS tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An là cơ quan quản lý.
Thi công lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh không dùng nước Bio - Toilet trên Đảo Mắt. Ảnh: Ngô Đức Biểu |
Đảo Mắt có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và Bộ CHQS tỉnh, nhìn chung đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện tại cán bộ, chiến sĩ của Đảo cũng còn gặp khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là thiếu nước ngọt, không có điện, đặc biệt là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trên đảo bố trí nhiều vị trí đóng quân tập trung, chỉ có vị trí chỉ huy là có nhà vệ sinh tự hoại quy mô nhỏ, các vị trí khác nhà vệ sinh 2 ngăn ảnh hưởng đến môi trường, nhất là về mùa nắng nóng, hanh khô.
Để giải quyết về vấn đề ô nhiễm môi trường, trong điều kiện khan hiếm nước, thiếu nguồn điện, thiếu hệ thống thoát nước và yếu tố địa hình khó khăn cho xây dựng các nhà vệ sinh tự hoại, công nghệ Bio - Toilet khô là giải pháp thích ứng cho các vấn đề trên.
Nhà vệ sinh không dùng nước Bio - Toilet vừa tiết kiệm nước vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Ngô Đức Biểu |
So với nhà vệ sinh kiểu giật nước, nhà vệ sinh không dùng nước dựa trên công nghệ Bio - Toilet khô có nhiều ưu điểm vượt trội, đó là: Tiết kiệm nguồn nước sạch; thiết kế linh hoạt, dễ vận hành, không cần những đường ống dẫn phức tạp, không cần xây hầm phân hủy, giảm thiểu nguy cơ rò rỉ gây ô nhiễm môi trường; xây dựng, lắp đặt trên nhiều loại địa hình, ở những vùng xa xôi, xa nguồn nước, những vùng có tầng nước mặt và nước ngầm cao.
Sử dụng nhà vệ sinh không dùng nước giúp tránh xả thải, cho phép xử lý hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm nguồn nước, nên ngăn ngừa được bệnh tật và giảm các nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; chất thải sau khi phân hủy sinh học được thu gom và có thể sử dụng làm phân bón.
Việc triển khai đề tài trên ngoài phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của bộ đội và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt cũng như vấn đề thiếu nước sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Mắt còn có thể áp dụng cho các địa bàn khó khăn về lắp đặt nhà vệ sinh giật nước, khu vực hiếm nước ngọt hoặc có sự cạnh tranh cao trong nhu cầu sử dụng nước ngọt, các khu vực thường xuyên xẩy ra tình trạng hạn hán.
Ngô Đức Biểu
(Ban Khoa học quân sự - Bộ CHQS tỉnh Nghệ An)
TIN LIÊN QUAN |
---|