Về bản Thái 'hóng' chuyện gọi vía

02/04/2017 15:34

(Baonghean.vn) - Tục làm vía là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thể hiện quan niệm về thế giới tấm linh của cộng đồng dân tộc Thái. Hiện phong tục này vẫn được đồng bào Thái miền Tây Nghệ An lưu giữ.

Xem clip làm vía:

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Vi Văn Đồng ở bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) đúng vào hôm gia đình tổ chức làm vía cho bà Vi Thị Lan (70 tuổi, là mẹ anh Đồng). Giữa gian chính của ngôi nhà sàn, mâm lễ vật được bày ra, gồm xôi, thị gà, thị lợn và rượu. Vị thầy mo ngồi phía trước làm lễ, xung quanh là con cháu và họ hàng thân thuộc.

Anh Đồng cho hay, thời gian gần đây bà Lan thường xuyên đau ốm, phải nhập viện điều trị gần 2 tuần liền. Bà mới ra viện được vài ngày, gia đình thống nhất tổ chức làm vía để động viên và giúp bà lấy lại tinh thần để sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Vậy là, hôm nay con cháu và họ hàng gần xa sắp xếp công việc đến dự lễ làm vía.

Kết thúc lễ gọi vía là nghi lê buộc chỉ cổ tay. Ảnh: Công Kiên
Kết thúc lễ gọi vía là nghi lễ buộc chỉ cổ tay. Ảnh: Công Kiên

Đây thực chất là lễ ăn mừng, thầy mo và con cháu, họ hàng sẽ cầu mong những điều tốt lành. Vì thế, những người đến dự thường có quà mừng như con gà, cân nếp, bánh trái hoặc một ít tiền. Sau khi làm lễ, mọi người cùng chung vui quanh mâm cơm, cùng nâng chén rượu mừng, đem lại niềm vui cho gia chủ.

Buổi làm vía kết thúc bằng việc buộc chỉ cổ tay. Những sợi chỉ đen được con cháu buộc vào tay bà Lan để gửi mong muốn hồn vía của bà sẽ mãi gắn chặt với thể xác, hồn vía không còn đi chơi xa để bà khỏi đau ốm, bệnh tật.

Theo lời thầy mo Vi Văn Duyên, cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái quan niệm con người tồn tại gồm hai phần gắn bó mật thiết: Thể xác và linh hồn (hồn vía). Có khi, vì một lý do nào đó mà hồn vía bị lìa khỏi thể xác nên phải làm lễ gọi vía trở về. Vì thế, khi làm lễ nhất thiết phải đặt chiếc áo (tương trưng cho phần) cạnh mâm lễ để hồn vía tìm về.

Những sợi chỉ màu đen được con cháu buộc vào cổ tay bà Lan với mong muốn bà luôn khỏe mạnh, sống vui cùng với các thành viên trong gia đình. Ảnh: Công Kiên
Những sợi chỉ màu đen được con cháu buộc vào cổ tay bà Lan với mong muốn bà luôn khỏe mạnh, sống vui cùng với các thành viên trong gia đình. Ảnh: Công Kiên

Người Thái thường tổ chức làm vía khi có trẻ chào đời và khi trong nhà có người thân bị mất. Bên cạnh đó, việc làm vía còn được tổ chức lúc con gái về nhà chồng, có người đi xa trở về, gặp tai nạn, ốm đau bệnh tật và phụ nữ sau khi sinh nở. Mục đích của việc làm vía là gọi vía đang đi lang thang, nơi bờ sông, bờ suối, rừng sâu hay nơi đất người trở về với thể xác.

Đối với người sắp qua đời, nghĩa là hồn vía sẽ vĩnh viễn rời xa thể xác, gia đình tổ chức làm vía để linh hồn không bị lạc lối, tìm về được với tổ tiên, ông bà ở một cõi khác. Đây là cách để con cháu báo hiếu cha mẹ, ông bà; làng bản đưa tiễn một người thân thiết, để hồn vía ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.

Trao đổi về tục làm vía của người Thái, ông Lô Xuân Học - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: “Làm vía thực chất là gia đình, anh em, họ hàng tỏ chức động viên, khích lệ tinh thần người được làm vía, giúp họ vượt qua tai ương trong cuộc sống, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng. Đây cũng là cách để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của họ hàng, làng bản”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Về bản Thái 'hóng' chuyện gọi vía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO