Hơn nửa thế kỷ nay – từ ngày Bác Hồ “từ biệt thế giới này”, “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” (chữ dùng của Bác trong Di chúc), chúng ta đã nghe vô vàn bài hát rất hay ca ngợi công đức của Người đối với non sông, đất nước, dân tộc cũng như mỗi người dân Việt Nam. Thật khó hình dung, một tác giả không chuyên, lần nữa có bài ca mới về Người, về quê hương Kim Liên (Nam Đàn) lay động tâm thức bao con tim. Đó là Tào Khánh Hưng – nhà báo yêu thơ, yêu nhạc, nhưng sáng tác ca khúc chỉ là công việc “tay trái” của anh. Thế mà bài hát VỀ LÀNG SEN, ra đời ngay sau khi tác giả cùng cả cơ quan Báo Xây dựng về thăm quê Bác cất lên qua một video mới hoàn thành vô cùng dịu ngọt, mà chẳng có dấu vết “tay trái” chút nào…
“Chúng con về quê Bác Làng Sen
Ngôi nhà lá đơn sơ, vách nứa
Hàng râm bụt đỏ hoa dẫn lối
Bưởi trĩu cành, sắc tím những vồng khoai”.
Ngay sau khi nghe đoạn ca từ này, tôi đã nhận xét: Hay. Hay vì rút từ cảm thức trong ruột gan chính tác giả khi về nơi thời ấu thơ Bác Hồ sống (sau khi mẹ qua đời tại Huế). Tứ thơ, hình ảnh thơ vì thế đong đầy cảm xúc.
Câu thơ tả thực, nhưng có thể nói là “xuất thần” ở đoạn ca từ này là “Hàng râm bụt đỏ hoa dẫn lối”. Sao tác giả không chọn “hoa sen” – loài hoa mà từ trước đến nay được trồng nhiều ngay Khu Di tích Kim Liên, lại đã trở thành “Quốc hoa” tiêu biểu rồi, để biểu đạt những gì về cuộc đời Bác có phải thuận lợi hơn không?
Rõ ràng, tác giả rất có ý thức “tránh xa” những khuôn phép, những hình ảnh đã được rất nhiều tác giả tiền bối sử dụng lâu nay. Nên “hàng râm bụt đỏ hoa” là hình ảnh thơ có thể nói là lần đầu hiện hữu trong thơ nhạc như là sự khai phá mới toanh, để thành một biểu trưng cực kỳ hợp lý khi chuyển tải nội hàm (thực tiễn) “tư tưởng Bác luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta”: “Hàng râm bụt đỏ hoa dẫn lối”.
Cùng với đó là các hình ảnh thơ bình dị (đập vào mắt ta), không có gì khác lạ trên mọi quê hương, mọi nơi chốn: “Ngôi nhà lá đơn sơ, vách nứa”, “Hàng râm bụt đỏ hoa dẫn lối/ Bưởi trĩu cành, sắc tím những vồng khoai”…
Năm 1957, Bác Hồ về thăm quê hương. Nhìn ngôi nhà, đồ đạc trong nhà, cây mít… Bác đều nhận ra kỷ vật cũ và rất xúc động. Khi nhìn mảnh vườn còn để trống, Bác hỏi, ở đây trồng gì, người cán bộ địa phương lúc đó nhanh nhẩu đáp: Thưa Bác, chúng cháu định trồng hoa. Bác hỏi: Trồng hoa gì? Đáp: Dạ, hoa hồng hoặc hoa huệ. Bác bảo: Trồng hoa là đúng, nhưng theo bác thì nên trồng hoa khoai lang. Và từ đó đến nay – đúng 50 năm – mảnh vườn trước nhà Bác chỉ trồng độc một thứ: Khoai lang!
Rất hay khi bài hát có ca từ mở đầu bằng câu “Bưởi trĩu cành, sắc tím những vồng khoai”!
Ai cũng biết, khoai lang không phải để lấy hoa mà là lấy củ – một loại cây lương thực ngắn ngày, dễ trồng, mau thu hoạch. Bác nói trồng hoa khoai lang là cách nói vui nhưng là nhằm thực hiện một chủ trương lớn lúc bấy giờ: Giải quyết nhu cầu ăn no cho dân quan trọng hơn, đáng ưu tiên hơn nhu cầu làm đẹp.
Bài hát trên đề tài cũ, nhưng tính thời sự vô cùng sâu sắc khi toàn Đảng, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo các di nguyện của Bác để lại.
Tôi chia sẻ với Tào Khánh Hưng một điều đặc biệt sau đây, khi anh thực sự khôn khéo sử dụng bút pháp “đặc tả” (tả thực – khác bút pháp chấm phá như nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc để chuyển tải chất trữ tình, ước lệ) trong âm nhạc (ca từ) cảnh nhà Bác nơi quê cha, đất tổ. Có lẽ nhiều người từng tham quan, thăm viếng mấy khu di tích lịch sử về Bác Hồ, đều có chung một cảm xúc đặc biệt. Bởi các nơi chốn cũng quá đặc biệt trong lịch sử dân tộc: Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 01 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP. Hồ Chí Minh), Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Ba Đình – Hà Nội (nơi lưu giữ nhiều dấu ấn về “Người Cha già dân tộc” cùng nhiều di sản văn hóa lớn khác); Làng Hoàng Trù là quê ngoại của Bác, nơi Bác được sinh ra và trải qua thời thơ ấu (Cụm di tích gồm ngôi nhà của gia đình Bác, nhà cụ Hoàng Xuân Đường – ông ngoại Bác Hồ và nhà thờ chi họ Hoàng Xuân. Nhà của gia đình Bác là mái nhà tranh 3 gian, xung quanh che phên, hai bên là những hàng cau xanh ngát); Cụm Di tích Làng Sen quê Bác thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (tại ngôi nhà Bác từng sống, các vật dụng vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên như: Hai bộ phản gỗ, mâm gỗ sơn đen, chiếc tủ đứng, giường, rương đựng lương thực… ).
Tất cả các thuyết minh viên (hướng dẫn viên lịch sử) 4 nơi này chắc chắn đều được đào tạo bài bản, nên rất chuyên nghiệp khi giới thiệu hiện vật cùng các sự kiện lịch sử trôi chảy, lớp lang. Nhưng thật lạ lùng là chỉ có tại nhà Bác làng Hoàng Trù (quê ngoại) và nhà Bác làng Sen (quê nội), thì bất cứ lúc nào cũng có thể lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khách thăm quan. Các bạn hướng dẫn viên ở đây lợi thế phát âm chuẩn giọng xứ Nghệ, cùng với tình cảm máu mủ, ruột rà thế nào đó với Bác, nên mọi cử chỉ từ ánh mắt, âm điệu khi phát âm đến trang phục… bạn nào cũng chinh phục hết thảy mọi người bằng trái tim trong lồng ngực, chứ không phải chỉ những lời ngoài cửa miệng.
Tôi đoán, nhà báo – nhạc sĩ (tay ngang) Tào Khánh Hưng cũng đã bị các “nàng tiên” xinh đẹp, bình dị mà vô cùng cuốn hút nơi quê Bác… “đo ván”, nên mới bộc lộ được cảm xúc gần như tột cùng để có những ý thơ (ca từ) hồn nhiên, gần gũi như chính người được sinh ra ở trên quê hương xứ Nghệ thế này:
“Nắng trải dài làng Chùa, làng Sen
Những đóa sen hồng, nhiều công trình mới
Ngôi nhà nhỏ còn in dấu chân Bác
Nuôi dưỡng Người lòng yêu nước thương dân”.
Câu thơ “Ngôi nhà nhỏ còn in dấu chân Bác/ Nuôi dưỡng Người lòng yêu nước thương dân” khiến chúng ta rưng rưng, cảm mến và biết ơn vô cùng mảnh đất “Nam Đàn nơi địa linh sinh nhiều nhân kiệt”.
“Chúng con dâng Người niềm tin sắt son
Hồ Chí Minh tên Người rạng rỡ non sông
Ơi Nam Đàn, nơi địa linh sinh nhiều nhân kiệt
Xô Viết kiên trung kháng chiến anh hùng
Một nắng, hai sương xây mùa hạnh phúc… “!
Đoạn cao trào này, làm mỗi chúng ta nhớ lại lời điếu cô đọng, bao quát hết về quê hương đất nước, về cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ kính yêu của Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ Truy điệu Người: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969).
“Chúng con dâng Người niềm tin sắt son/ Hồ Chí Minh tên Người rạng rỡ non sông”. Đây là những ca từ đẹp, lôi cuốn, da diết và hào sảng nhất; tạo ra được dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng, để bài hát có thể sống mãi với thời gian…
Như thể “chọn mặt gửi vàng” cho ca khúc của mình mừng Quốc khánh 2/9 năm nay (77 năm đất nước độc lập tự do 1945-2022), nhà báo Tào Khánh Hưng đã mời Nghệ sĩ Ưu tú – Thượng tá Hương Giang, ca sĩ đang công tác trong quân đội thể hiện. NSƯT – Thượng tá Hương Giang có chất giọng trong sáng, từng rất thành công trong các nhạc phẩm dân ca đương đại lẫn thính phòng. Nghệ sĩ từng là ca sĩ biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; hiện tại là giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội. NSƯT – Thượng tá Hương Giang cũng đã tham gia nhiều cuộc thi chuyên nghiệp như Hội diễn ca múa nhạc Toàn quốc và Toàn quân, đoạt nhiều HCV và HCB…