Về nơi 'cổng trời' Tây Sơn
(Baonghean) - Huyện rẻo cao Kỳ Sơn có 2 nơi được gọi 'cổng trời' nằm 2 hướng Bắc và Nam của Quốc lộ 7. Ấy là cổng trời Mường Lống và cổng trời Tây Sơn.
Một ngày đầu Đông, chúng tôi từ thị trấn Mường Xén vượt 12 km vào với Tây Sơn. Con đường nhựa bon bon xe chạy, hiềm nỗi chỉ có lên dốc cao thăm thẳm. Trước lúc đi, anh bạn đi cùng bảo tôi rằng, ở ngoài này nắng nóng là thế nhưng phải nhớ mặc thật ấm vào chứ vượt qua cổng trời sẽ lạnh đến thấu da. Tôi không mấy tin bởi nghĩ mình đã từng đến những vùng đất lạnh như Na Ngoi, Nậm Cắn, Mường Lống và nghĩ rằng Tây Sơn làm sao lạnh bằng những nơi ấy.
Cổng trời Tây Sơn nhìn xuống. |
Đường vào Tây Sơn mùa này hoa lau nở trắng xóa hai bên đồi, lẫn vào trong những đám mây trắng đang trôi lơ lửng. Rồi chúng tôi cũng lên tới đỉnh cổng trời phía Nam của Kỳ Sơn. Quả thật, lên đến đây tôi mới thực sự cảm nhận được cái lạnh thấu da của những ngày đầu Đông. Gió buốt thổi lồng lộng. Hơi sương bay theo gió đọng lại trên người như màn mưa mỏng.
Từ cổng trời nhìn xuống, thị trấn Mường Xén bé lại như lòng bàn tay với dòng Nậm Mộ như dải lụa uốn lượn chảy qua. Lấy thêm chiếc áo khoác quàng vội, chúng tôi đi thêm vài cây số nữa mới vào đến trung tâm xã Tây Sơn nằm ở bản Huồi Giảng 3. Đã hơn 10 giờ sáng, nhưng trời vẫn còn rét buốt. Những người dân ra đường với trang phục bịt kín để chống lại cái lạnh mùa Đông. Các em nhỏ được mẹ quấn tròn trong chiếc khăn ấm sau lưng ngủ 1 cách ngon lành. Chủ tịch xã Vừ Rả Tênh nói với chúng tôi rằng: “Cái lạnh là đặc sản của Tây Sơn đó.
Nhờ không khí đặc trưng này mà người dân nơi đây làm ra bao nhiêu đặc sản như: nuôi gà đen, trồng cải hoa, khoai sọ, đào... Nhưng cũng có năm lạnh quá khiến gia súc và cây trồng chết hàng loạt”. Rồi ông kể đến vụ rét đậm, rét hại hồi đầu năm thiệt hại lớn, núi đồi trắng xóa 1 màu băng tuyết. Nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay sau khi tuyết tan. Giọng ông Vừ Rả Tênh như chùng xuống: “Hy vọng năm nay thời tiết sẽ thuận lợi hơn để bà con an tâm”.
Tây Sơn mùa lạnh thật đẹp. Những cánh hoa đào nở sớm còn sót lại vẫn tươi tắn trên cành. Mà phải nói rằng, chúng tôi chưa thấy nơi đâu có nhiều đào đẹp như vùng đất này. Đào Tây Sơn phớt hồng, hoa 6 cánh, thân đầy rêu mốc mọc trùm lên những ngôi nhà sa mu cổ kính. Và nữa, những cây hồng rụng hết lá chỉ còn trơ lại quả trĩu cành đỏ mọng. Ở bản Huồi Giảng 1, cả 1 rừng hồng đỏ lựng nằm giữa bản rơi đầy trên những lối đi. Dân bản bảo rằng, hồng nhiều quá, cho và ăn cũng không hết nên cứ để vậy thôi. Màu đào phai, màu hồng đỏ hòa lẫn trong màu xanh núi rừng khiến cảnh sắc Tây Sơn quả đẹp đến khó cưỡng.
Những cành hồng trĩu quả ở Tây Sơn. |
Lang thang trong bản hồi lâu, anh cán bộ xã trẻ Vừ Bá Lềnh nói với chúng tôi rằng: “Tây Sơn còn có một khu rừng thuộc hàng lớn nhất, đẹp nhất xứ Nghệ nữa đấy. Anh nhìn thấy không, phía sau các bản đều dày đặc cây pơ mu!”. Bấy giờ tôi mới quan sát khu rừng nằm trải dài vắt qua sau lưng các bản Huồi Giảng 1,2,3. Chỉ mấy bước chân thôi, Vừ Bá Lềnh đã đưa chúng tôi đứng trước cửa rừng pơ mu.
Quả như lời Bá Lềnh nói, khu rừng “đẹp nhất xứ Nghệ” đang hiện diện trước mắt chúng tôi, quang đãng, bằng phẳng như một nơi nghỉ dưỡng. Cây nào cây nấy thẳng tắp, như có bàn tay cắt tỉa thường xuyên. “Năm ngoái giá lạnh làm cây cối các khu rừng bên cạnh chết hết nhưng rừng pơ mu này vẫn không ảnh hưởng gì mà lại càng xanh tốt hơn” – Vừ Bá Lềnh cho biết.
Rồi Bá Lềnh kể, những năm 1996 về trước người dân vào rừng khai thác gỗ pơ mu tự nhiên rất nhiều. Những cây to 7-8 người ôm không xuể phải đi cả tuần mới cưa được bị chặt hạ ngổn ngang. Ông Vừ Pà Rê (bản Huồi Giảng 3) thấy vậy đau xót lắm. Tuổi đã già nhưng ông vẫn bàn với các con, trong đó có Chủ tịch xã Vừa Rả Tênh bây giờ rằng, phải trồng rừng pơ mu mới có cái ăn lâu dài được.
Vậy là một mình ông băng rừng tìm hàng bế cây con sa mu về khai hoang và trồng trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Ban đầu, gia đình chỉ trồng với diện tích nhỏ hơn 10 ha, đến nay những cây ấy đã được 20 năm tuổi. Năm 2007, ông Vừ Pà Rê mất nhưng trước khi nhắm mắt, ông còn dặn lại con cháu rằng, phải giữ gìn rừng pơ mu, mình không được hưởng thì đến đời con, đời cháu rồi sau nữa sẽ được hưởng.
Nhớ lời cha dặn, con ông Vừ Xái Chù, Vừ Vả Lềnh, Vừ Nhìa Hùa, Vừ Rả Tênh luôn coi đó là kho của quý cần phát triển thêm. Mọi người vận động bà con trong bản cùng nhau ươm giống và phát triển khu rừng này lên đến trên 50 ha. “Bây giờ tính ra đã có hơn 30 nghìn cây pơ mu. Nếu đến tuổi thu hoạch chắc phải cả trăm tỷ đồng đấy” - ông Vừ Rả Tênh nói với chúng tôi giọng đầy tự hào.
Bản Huồi Giảng 1. |
Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy được trên vùng đất cổng trời mù mịt này lại có những người biết nhìn xa trông rộng đến thế. “Nói tương lai thế thôi, chứ hiện tại cuộc sống của người dân Tây Sơn cũng còn nhiều khó khăn lắm. Điện và sóng điện thoại cũng vừa về đến xã nhưng ở những bản xa như Đống Trên, Đống Dưới, Lữ Thành còn vất vả vô cùng, nhiều hộ khó khăn không đủ ăn” - Vừ Bá Lềnh đứng cạnh nói với chúng tôi.
Nói rồi, anh dẫn chúng tôi ngược dốc lên ngọn núi cao trên đỉnh Huồi Giảng 2 vào nhà chị Xồng Y Hùa. Khí trời vùng cao sương lạnh buốt, nhưng chúng tôi cũng vã mồ hôi mới lên được nơi mẹ con chị sinh sống. Nghe anh cán bộ xã giới thiệu nhà chị, chúng tôi không khỏi giật mình bởi không nghĩ đó là một ngôi nhà. Bốn bên được dựng tạm bợ bằng ván trống huơ trống hoác. Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường được kê bằng mấy khúc cây phủ lên một lớp tre nứa để nằm. Mấy quả su su được chị tranh thủ lấy từ nương rẫy về làm bữa ăn chính cho cả gia đình nằm lăn lóc bên nền đất còn ướt do mưa dột.
Qua lời phiên dịch của Vừ Bá Lềnh, chúng tôi được biết: Năm 2014, chồng chị là anh Vừ Bá Sở do ăn phải nấm độc trong lúc đi rừng nên đã mất. Hiện chị phải nuôi 2 con nhỏ bị tật nguyền là Vừ Y Đi và Vừ Bá Nênh. Chị Xồng Y Hùa nuốt nước mắt bảo rằng, gia đình khó khăn đến nỗi nhiều bữa gạo cũng không có mà ăn, có gạo thì cũng chỉ ăn cầm chừng để dành lúc đói. Thức ăn chủ yếu là cơm với rau rừng hoặc với nước lã. Nghe kể, chúng tôi không khỏi động lòng khi thấy gió ngoài trời vẫn thổi lạnh buốt vào ngôi nhà mẹ con chị đang sinh sống…
Chúng tôi chia tay với mảnh đất Tây Sơn khi ánh chiều vừa xuống. Mặt trời le lói khuất sau những đám mây mù trên đỉnh núi cao. Những người dân lên rẫy về với những bế đầy rau, khoai sọ, bí... Bản làng đã bắt đầu sáng rực ánh đèn.
Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN |
---|