‘Về quê ăn Tết’: Phim Tết đúng nghĩa của Ngô Thanh Vân

20/02/2018 10:32

Bỏ lại sau lưng những lùm xùm của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (2016), Ngô Thanh Vân không chỉ đang tiến thân tại Hollywood, mà còn tỏ ra nắm rất rõ thị hiếu khán giả quê nhà.

Trailer bộ phim 'Về quê ăn Tết' Bộ phim hài Tết có sự tham gia của Ngô Thanh Vân và Jun Phạm trên chuyến xe bão táp từ Sài Gòn về Cà Mau.

Về quê ăn Tết là bộ phim Việt mang đậm tinh thần Tết nhất trong những ngày đầu năm mới.

Đa số phim điện ảnh Việt khởi chiếu trong dịp Tết Nguyên đán đều thuộc thể loại hài hước, pha chút hành động hoặc tình cảm lãng mạn, để nhắm đến tâm lý mong muốn được thư giãn của khán giả vào những ngày đầu xuân.

Song, yếu tố Tết trong phim thường chỉ mang tính chất tô điểm, có cũng được, mà bỏ đi cũng chẳng sao. Nhưng với Về quê ăn Tết có Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất, không chỉ tựa đề mà toàn bộ trục nội dung, ý tưởng tác phẩm đều xoay quanh chủ đề rất đỗi quen thuộc mỗi dịp Tết Nguyên đán: đoàn tụ gia đình.

Chuyện phim bắt đầu đầy “bão táp” bằng chuyến xe nhốn nháo của nữ tài xế Đậu Xanh (Ngô Thanh Vân) và cậu em lơ xe Đậu Đỏ (Jun Phạm). Không còn là một phụ nữ quyền quý, nghiêm khắc, Ngô Thanh Vân nay thử sức với hình tượng mới mẻ: cô tài xế bụi bặm, nóng nảy, thỉnh thoảng pha trò trêu chọc cậu em trai ương bướng.

Bởi lý do giới tính, Đậu Xanh bị bố đuổi khỏi nhà, cùng cậu em trai lang bạt kiếm sống trên chiếc xe khách tồi tàn chuyên chạy tuyến Sài Gòn - miền Tây. Nhưng bởi khả năng lái xe “kinh hoàng” của bộ đôi, rốt cuộc không còn bến nào dám nhận xe của hai chị em nhà Đậu nữa.

Đang ngập trong nỗi lo “mất Tết” vì thất nghiệp, Đậu Xanh và Đậu Đỏ được Tư Ếch (Trung Dân) hào phóng bao trọn một chuyến xe. Họ có nhiệm vụ chở ông và chiếc hộp gia bảo về quê. Song, chuyến hành trình không hề suôn sẻ khi có sự xuất hiện của bốn vị khách bí ẩn, dẫn tới hàng loạt tình huống hài hước, ly kỳ.

Sự ăn ý giữa Ngô Thanh Vân - Jun Phạm

Ngô Thanh Vân là diễn viên có tiếng của điện ảnh Việt Nam với rất nhiều câu chuyện hậu trường đáng chú ý. Nhưng để chọn ra một vai diễn thực sự xuất sắc của cô là điều không hề dễ dàng, bởi khả năng diễn xuất của đả nữ luôn gây ra tranh cãi nhất định.

May mắn thay, ở Về quê ăn Tết, việc được phối hợp với “trò cưng” Jun Phạm giúp Ngô Thanh Vân tự tin “lầy tới bến” và thể hiện những khía cạnh cảm xúc mà khán giả ít khi thấy ở nữ diễn viên. Cứ ngỡ Vân Ngô hợp nhất với những vai lạnh lùng, sang chảnh, nhưng cô tỏ ra thật gần gũi, giản dị, và phù hợp với nhân vật Đậu Xanh trong phim.

Sự ăn ý giữa Ngô Thanh Vân và Jun Phạm giúp Về quê ăn Tết ghi điểm.

Còn cựu thành viên nhóm 365 - Jun Phạm - tiếp tục chứng tỏ khả năng diễn xuất và hoạt ngôn sau dấu ấn ở Cô gái đến từ hôm qua (2017). Với gương mặt hài hước, đậm chất điện ảnh, anh không gặp mấy khó khăn khi vào vai anh chàng Đậu Đỏ chân chất, lém lỉnh.

Jun Phạm và Ngô Thanh Vân, kẻ tung, người hứng ăn ý, dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác ở Về quê ăn Tết. Dù trong phim xuất hiện nhiều gương mặt đáng chú ý khác, hai chị em Đậu Xanh - Đậu Đỏ luôn tỏ ra là những người “chủ trì” xứng đáng của bữa tiệc trên màn ảnh.

Nhưng không vì thế mà cái tên gạo cội Trung Dân trở nên lép vế trước bộ đôi diễn viên chính. Mỗi khi Ngô Thanh Vân và Jun Phạm có dấu hiệu “quá đà”, ông lại có mặt để ghìm lại, giúp các tình tiết không bị lố bịch, ồn ào quá đáng. Nhân vật ông Tư Ếch bình tĩnh, nhân hậu đã mang lại những nốt trầm đáng giá cho Về quê ăn Tết.

Tình cảm đằng sau tiếng cười

Dàn hành khách còn lại trên chuyến xe của hai chị em Đậu Xanh - Đậu Đỏ không khác nào một “gánh hát”, với đủ loại tạo hình, từ bình dân cho tới sặc sỡ lạ lùng.

Nếu thoạt nhìn, khán giả có thể nghi ngại đây là dấu hiệu cho thấy Về quê ăn Tết là phim hài nhảm hoặc hài lố. Cũng may là ê-kíp làm phim biết tiết chế khi cần thiết để giúp tác phẩm không rơi vào tình trạng "thảm họa".

Bên cạnh hàng loạt pha chọc cười, cuối phim, Về quê ăn Tết cố gắng kết nối với khán giả bằng những câu chuyện tình cảm đằng sau vẻ kệch cỡm của mỗi nhân vật.

Đằng sau những tiếng cười trong phim là nhiề u câu chuyện tình cảm khi Tết đến xuân về.

Đó là cô lái xe gai góc nhưng thực ra luôn đau đáu nỗi nhớ nhà mà không dám trở về. Đó là ông lão giàu có nhưng chỉ mong sum vầy cùng con cháu mỗi dịp Tết đến. Đó là cậu trai xa quê, thương cha mẹ sớm khuya một mình nên quyết định rời chốn phồn hoa đô hội để về bên gia đình.

Hay còn cô bé điên trong vô thức vẫn khát khao trở về bên mẹ cha dù chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, hoặc đôi vợ chồng già “chín bỏ làm mười” cãi nhau vì chuyện rất cỏn con, để rồi nhận ra chẳng có gì quan trọng hơn mối chân tình mà họ gìn giữ qua suốt mấy chục năm...

Những mảnh đời trong Về quê ăn Tết có thể sến, nhưng thực tế lại rất phù hợp với bầu không khí và thời điểm ra rạp của tác phẩm. Tất cả giúp tạo nên bức tranh tổng thể mang tên “đoàn tụ” - điều giúp cho mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trở nên ý nghĩa, trọn vẹn.

Cũng bởi có thể xếp phim vào thể loại hài - hành trình, Về quê ăn Tết chứa đựng một số đại cảnh tuyệt đẹp của miền Tây. Nhưng chất lượng hình ảnh không được duy trì ở các pha hành động. Kỹ xảo trong phim thuộc dạng nghèo nàn, một phần bởi kinh phí sản xuất khiêm tốn.

Về quê ăn Tết chắc chắn không phải là một bộ phim xuất sắc khi vẫn còn nhiều “sạn” trong kịch bản, một vài lần chuyến xe suýt “trật đường” vì những màn pha trò quá đà, nhốn nháo. Nhưng tác phẩm thêm một lần nữa cho thấy sự khôn khéo của Ngô Thanh Vân trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả nước nhà.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Theo news.zing.vn
Copy Link
Mới nhất
x
‘Về quê ăn Tết’: Phim Tết đúng nghĩa của Ngô Thanh Vân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO