Về với làng quê để làm giàu

(Baonghean) - Phát huy sức trẻ, nắm vững khoa học, kỹ thuật và với khát vọng làm giàu, rất nhiều người trẻ ở các thị xã, thị trấn đã về các vùng quê khai thác quỹ đất, mở trang trại phát triển kinh tế. Nhiều mô hình thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trở thành điểm sáng để nhân dân các địa phương học tập nhân rộng.

Kỹ sư công nghệ về làng mở trang trại

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh ngành Kỹ sư Công nghệ thông tin, anh Văn Sĩ Hải, khối 8, phường Mai Hùng (TX. Hoàng Mai) khăn gói ra Hà Nội làm việc cho một công ty máy tính. Sau 5 năm, khi đã tích lũy được vốn kinh nghiệm, anh về quê thành lập công ty máy tính, việc làm ăn tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm hiểu trên mạng về các mô hình chăn nuôi, anh quyết tâm xây dựng thử nghiệm nuôi các giống con đặc sản. 

Anh Văn Sỹ Hải đang cho đàn lợn rừng ăn.
Anh Văn Sỹ Hải đang cho đàn lợn rừng ăn.

 Đầu năm 2015, khi phường Mai Hùng có chủ trương phát triển kinh tế trang trại, anh Hải đã cải tạo khu đất ở của gia đình hơn 8.000 m2 gần chân đồi để phát triển kinh tế trang trại. Cùng với số tiền giành dụm được và vay thêm hơn 200 triệu đồng từ ngân hàng, anh đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm lợn rừng, gà Đông Tảo, chim trĩ và ba ba.

Thời gian đầu, việc chăn nuôi tương đối khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của phường, học hỏi kinh nghiệm ở những mô hình kinh tế giỏi, lên mạng tìm hiểu thông tin. Với đàn lợn rừng trên 60 con, trong đó có nhiều lợn nái, mỗi năm gia đình anh bán được hơn 100 con lợn giống và hàng chục con lợn thịt. 

Anh Hải còn ra tận tỉnh Hưng Yên tìm mua giống gà Đông Tảo về nuôi. Anh xây dựng 8 chuồng, dùng bạt che nắng mưa, tạo độ thông thoáng và thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ. Thức ăn cho gà chủ yếu là ngô bắp và thân chuối thái nhỏ trộn với cám. Để chủ động nguồn giống, anh mang trứng đi ấp ở lò ấp trong vùng. Từ vài chục con gà giống ban đầu, đến nay anh đã có đàn gà trên 100 con giống và gà thịt bán cho các nhà hàng.

Đàn chim trĩ của anh Hải nuôi hơn 30 con đã bắt đầu sinh sản.
Đàn chim trĩ của anh Hải nuôi hơn 30 con đã bắt đầu sinh sản.

Anh Hải cho biết, giá trị của gà Đông Tảo phụ thuộc vào độ lớn của chân gà. Những dịp lễ, Tết nhu cầu mua gà tăng cao. Nhờ chủ động được con giống nên giá gà của gia đình anh thường rẻ hơn nhiều nơi, gà con ấp đến đâu bán hết đến đó.

Từ những thành công và kinh nghiệm sẵn có, anh Hải nuôi thêm chim trĩ và ba ba. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn chim trĩ hơn 30 con hiện nay đã sinh sản, anh cho ấp thành công chim trĩ giống và để lại chim non làm giống tăng số lượng đàn. Thành công từ trang trại chăn nuôi tổng hợp đã đem lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh Hải.

Anh Hải đã cho ấp nở thành công giống chim trĩ.
Anh Hải đã cho ấp nở thành công giống chim trĩ.

Với diện tích vườn đồi còn rộng anh Hải dự định sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại với các giống cây, con mới hiệu quả kinh tế cao. Đánh giá về mô hình này, ông Lê Đức Mĩ - Phó Chủ tịch UBND phường Mai Hùng cho biết: “Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Hải đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Phường khuyến khích bà con tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình”.

Từ nơi đô hội lên núi nuôi lợn rừng

Anh Bùi Văn Hùng, ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) đã quyết định mua lại vùng đất đồi ở xã miền núi Ngọc Sơn để mở trang trại chăn nuôi lợn rừng và vịt trời. Mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập gần 500 triệu đồng.

Với số vốn tích lũy được sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động, năm 2010, anh Bùi Văn Hùng đã quyết định lên vùng đất đồi núi hoang sơ ở vùng đập Khe Gang, xã Ngọc Sơn để phát triển kinh tế. Với diện tích 3 ha, anh thuê máy, công nhân san ủi mặt bằng để xây dựng chuồng trại, khoanh vùng chăn nuôi.

Anh Bùi Văn Hùng trồng hơn 200 gốc nhãn đang cho ra quả mỗi vụ đạt 100 triệu đồng/năm.
Anh Bùi Văn Hùng trồng hơn 200 gốc nhãn đang cho ra quả mỗi vụ đạt 100 triệu đồng/năm.

Thăm dò thị trường và nhận thấy nuôi giống lợn rừng có giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần giống lợn thường, anh đã mạnh dạn ra các tỉnh phía Bắc để mua giống lợn rừng về nuôi. Ban đầu, anh mua 10 đôi lợn rừng nái để nhân giống. Sau 1 năm nuôi, đàn lợn bắt đầu sinh sản. Hiện nay, anh đang chăn nuôi 100 con lợn rừng, trong đó có 10 con sinh sản.

Theo anh Hùng, trung bình một năm, lợn rừng sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 - 8 con. Khi lợn con được 3 tháng sẽ tách đàn nuôi riêng. Thức ăn của lợn rừng ngoài cám, ngô có thể tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ khác như bèo, rau, cỏ, sắn, khoai... 

“Nuôi lợn rừng nhìn có vẻ đơn giản nhưng nếu không nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, chu kỳ sinh trưởng của chúng để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn thì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Ưu điểm của nuôi lợn rừng là hiệu quả kinh tế cao, giá thành từ 120.000 - 130.000 đồng/kg” - anh Hùng chia sẻ. Từ chăn nuôi lợn rừng thành công gia đình anh có thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm. 

Đàn vịt trời của anh Hùng.
Đàn vịt trời của anh Hùng.

Bên cạnh chăn nuôi lợn rừng, năm 2014 anh Hùng tiếp tục nuôi vịt trời thương phẩm với quy mô 2.000 - 2.500 con/năm. Mỗi lứa nuôi khoảng 4 tháng xuất bán, bình quân trọng lượng từ 1 - 1,5kg/con, với giá trung bình 100.000 đồng/con. Từ chăn nuôi vịt trời, mỗi năm anh có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ: “Nuôi vịt trời cần phải có điều kiện đất đai rộng rãi, do vịt trời có đặc tính bay xa nên khi chăn nuôi cần phải giăng lưới xung quanh.

Vịt trời tuy là loài hoang dã, nhưng khi biết đặc tính của chúng thì không sợ vịt bay mất, đây cũng là loại đặc sản được người dân ưa chuộng”. Trong khu vực trang trại, anh Hùng còn trồng thêm 200 gốc nhãn, hiện nhãn đang vào mùa thu hoạch, bình quân mỗi vụ đạt 100 triệu đồng/năm. 

Từ vùng đất đồi hoang sơ, anh Bùi Văn Hùng đã biến nơi đây thành vùng đất sinh lãi với nguồn thu nhập từ làm trang trại đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Mô hình của anh còn tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động ở địa phương với nguồn thu nhập khá. 

Thanh Thủy - Việt Hùng - Thanh Nhàn

tin mới

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.