Nông dân Quỳnh Lưu nuôi lợn rừng phục vụ thị trường Tết
(Baonghean.vn) - Chỉ còn 1 một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rừng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang tích cực chăm sóc cho đàn lợn “đặc sản” để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhắc đến vùng đất Quỳnh Thắng, ngoài phát triển trồng cây ăn quả có múi, dứa, mía, hương bài thì vẫn còn một loại vật nuôi được xa gần biết tới, đó là lợn rừng. Tận dụng điều kiện tự nhiên đồi núi, thức ăn dồi dào, những năm qua, người dân nơi đây đầu tư phát triển mạnh nghề nuôi lợn rừng, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập.
Chúng tôi tìm đến gia trại lợn rừng của anh Lê Văn Phương (SN 1979) ở thôn 2, xã Quỳnh Thắng. Trên diện tích 1ha, anh quy hoạch thành nhiều điểm chăn nuôi, mỗi nơi như vậy sẽ được xây chuồng riêng biệt, xung quanh là hệ thống tường bao. Tùy vào độ tuổi của đàn lợn rừng, anh Phương sẽ bố trí tách biệt để dễ dàng chăm sóc.
Chia sẻ về "cơ duyên" đến với nghề nuôi lợn rừng, anh Phương cho biết, mấy năm trước anh tìm hiểu về chăn nuôi lợn rừng bởi đó là đặc sản, chất lượng thịt thơm ngon, giá cả cao hơn lợn nhà rất nhiều. Khi bắt đầu hình thành ý định, anh đã định hướng đến khách hàng sử dụng sản phẩm của mình tại các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các trang trại ở các tỉnh Hòa Bình, Tây Ninh, anh Phương về nhà xây dựng trại rồi nhập 27 con lợn rừng giống Thái Lan về nuôi. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Phương cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Vừa làm vừa học hỏi quy trình chăn nuôi an toàn, anh Phương đã tạo ra được sản phẩm lợn rừng chất lượng, sạch, thơm ngon. Dần dần, thương hiệu thịt lợn rừng của anh Phương được nhiều người biết đến, nhiều người tìm đến đặt mua hàng, việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Thấy mô hình trang trại của anh Phương hoạt động tốt, đưa lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân trong xóm, trong xã tìm đến mua con giống về nuôi.
Anh Phương cho biết, để chất lượng thịt thơm ngon cần áp dụng phương thức bán chăn thả, thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cám ngô và bã bia, do vậy mà đàn lợn rừng tại đây luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện giờ trong trang trại của anh có trên 250 con lợn rừng, trong đó khoảng 150 con đến thời kỳ xuất thịt (trọng lượng từ 30 – 60 kg/con).
“Mặc dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng khách hàng khắp nơi đã gọi điện đặt khoảng 1,5 tấn thịt lợn rừng. Trong những ngày tới, dự kiến số đơn đặt hàng còn tăng lên. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm nay gia đình tăng tổng đàn nuôi nên sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn”, anh Phương cho biết.
Cách đó không xa, trang trại chăn nuôi lợn rừng của ông Hồ Khắc Hiệp với quy mô 100 con cũng đang được đầu tư chăm sóc cẩn thận để kịp bán vào dịp Tết. Để chất lượng thịt thơm ngon, gia đình ông Hiệp nuôi lợn rừng đủ 12 tháng mới xuất bán. Nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như thân cây mía, cây ngô, củ sắn, khoai lang và bổ sung thêm bã bia và ít muối khoáng.
“Hiện nay trong tổng đàn 100 con thì có 50 con lợn đạt trọng lượng từ 30 – 40 kg, thời gian xuất bán vào dịp Tết với giá bán tại chuồng 130.000 đồng/kg. Đối với lợn rừng đủ tiêu chuẩn bán vào dịp Tết, thời điểm này chúng tôi hạn chế nguồn thức ăn dễ gây béo để tránh lượng mỡ phát triển mà tập trung vào nạc”- ông Hiệp chia sẻ thêm.
Nghề nuôi lợn rừng ở Quỳnh Lưu phát triển đầu tiên tại xã Quỳnh Thắng, sau đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác như Quỳnh Tam, Tân Sơn, Quỳnh Châu, Tân Thắng... Qua thống kê từ ngành chăn nuôi huyện Quỳnh Lưu, tổng đàn lợn rừng trên địa bàn huyện hiện có khoảng hơn 1.000 con, trong đó khoảng hơn 600 con trọng lượng từ 30 – 50 kg/con. Việc phát triển đàn lợn rừng chất lượng cao không chỉ giúp cho người dân chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn làm phong phú thêm vật nuôi trên địa bàn.