Vì Phan Hải là đảng viên

Phan Hải nói, hôm ấy là ngày 19 tháng 2 năm 2014 âm lịch, tức ngày Kỷ Sửu, tháng Đinh Mão, năm Giáp Ngọ. Tôi tra lại thì đó là ngày 19 tháng 3 năm 2014. Dương lịch và âm lịch cách nhau vừa đúng 1 tháng. Theo dõi trên tử vi, cho thấy hôm đó là ngày Thiên Dương, tiết kinh trập, tốt cho việc xuất hành, cầu tài lộc.

Đem những thứ tra được, nói lại với Phan Hải, anh mủm mỉm cười, sau nói:

– Hải trình Hoàng Sa hôm ấy còn có một việc rất tốt và quan trọng nữa anh ạ! Tôi và anh em thuyền viên, ngư dân lần đầu tiên ra ngư trường Hoàng Sa. Lần đầu tiên xã Quỳnh Lập và cũng là lần đầu tiên tỉnh Nghệ An có tàu ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Thậm chí, nhiều người sau này còn nói, tàu của tôi là phương tiện đầu tiên của miền Bắc tính từ Hà Tĩnh trở ra đến ngư trường Hoàng Sa khai thác.

Anh Phan Hải đứng trên boong một trong những con tàu do mình làm chủ. Ảnh: Đào Tuấn
Anh Phan Hải đứng trên boong một trong những con tàu do mình làm chủ. Ảnh: Đào Tuấn

Nhưng có một điều rất đặc biệt của chuyến hải trình ấy mà vị thuyền trưởng dạn dày sóng gió chưa nhắc đến: Tàu của anh đi Hoàng Sa vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu xua giàn khoan khổng lồ HD 981 cùng hàng trăm tàu, thuyền hỗ trợ, trong đó có các tàu quân sự, hộ vệ tên lửa, hải cảnh, ngư binh cùng các phương tiện bay vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngước nhìn lá cờ đỏ phần phật trên mũi tàu, giọng của người đàn ông 48 tuổi xứ biển trở nên bồi hồi:

– Hôm ấy có 2 anh ở Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản – PV) của Sở Nông nghiệp ra cảng tặng hoa trước khi tàu xuất phát đi Hoàng Sa. Tôi không dám nhìn, cũng không dám lên bờ nhận. Tôi thấy lòng mình chòng chành, sợ bước lên bờ rồi không thể đi được nữa. Mình là đảng viên. Mình phải tiên phong gánh trách nhiệm trước Tổ quốc và bà con ngư dân. Tôi cắn chặt môi cùng anh em thuyền viên lặng im, cứ thế bấm hải đồ hướng Nam Biển Đông thẳng tiến!.

Đoàn thuyền ra khơi khai thác hải sản. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Đoàn thuyền ra khơi khai thác hải sản. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Tên đầy đủ của anh là Phan Văn Hải, nhưng bà con, ngư dân ở thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) vẫn quen gọi là Phan Hải. Người dân miệt biển vẫn có thói quen ghép tên con vào tên cha để “xác định danh tính”, nhưng với trường hợp Phan Hải lại hoàn toàn khác. Đây dường như là một sự “định danh” của bà con đối với người mà họ quý mến, nể phục. Cái tên Phan Hải tựa hồ đã quyết định cuộc đời anh được biển lựa chọn, gắn bó, làm bạn với những con sóng trên Biển Đông, dẫu cho ngày trước anh từng muốn học để theo đuổi ngành Luật.

15 tuổi Phan Hải đã theo cha, theo chú đi biển. Hồi đó cha anh – ông Phan Văn Hùng là Chủ nhiệm HTX Vận tải đường biển của xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (lúc ấy Hoàng Mai và Quỳnh Lưu chưa chia tách), ông cũng đồng thời là tài công. Học hết cấp hai, anh theo cha, theo chú đi biển. Gia đình anh nhận một đôi tàu 105CV được đóng theo dự án khai thác thủy sản xa bờ của tỉnh. Cha anh cùng 3 người chú cùng tham gia dự án. Trên Vịnh Bắc Bộ, cặp tàu dự án, từ đánh bắt bằng nghề 2 sào, lưới rồi chuyển qua đánh chụp, đánh vây, giã. Quãng năm 1996 – 1997, ông Phan Văn Hùng bắt con trai lên bờ để học bổ túc văn hoá cấp 3. Ý định của Phan Hải sau khi tốt nghiệp sẽ đăng ký thi vào ngành Luật để theo đuổi ước mơ thuở nhỏ. Không hiểu “run rủi” thế nào, quãng thời gian này cậu chàng cũng lại học luôn khoá Tàu trưởng. Phan Hải vừa kể, vừa cười: “Cũng không hiểu răng. Mình ấp ủ ngành Luật, nhưng khi có khoá đào tạo Tàu trưởng cũng đăng ký theo học. Giống như nghề biển nó ngấm vô từ khi mô rồi!”.

Phan Hải ở bờ được ít năm thì đôi tàu dự án mà cha và các chú của anh nhận khai thác bị thua lỗ nặng. Năm 2000 Phan Hải cưới vợ. Sau đêm tân hôn, cha anh chỉ nói: “Hãy làm thuyền trưởng của 1 trong 2 chiếc tàu dự án. Hãy ra biển!”. Lúc ấy Phan Hải 25 tuổi và chính thức trở thành thuyền trưởng.

Người thuyền trưởng trẻ tuổi bắt đầu xác lập nghiệp biển của mình bằng những chuyến khơi trên Vịnh Bắc Bộ. Lúc này anh không còn là cậu trẻ “đi vẹt” (làm việc vặt trên tàu) như trước nữa. Sự đĩnh đạc, vững chãi của người tài công không chỉ đến từ việc đón hướng gió, đọc hải đồ, xác định ngư trường. Nó còn đến từ sự điềm tĩnh, mực thước trong tính cách của người đàn ông sinh ra, lớn lên và trưởng thành trước mũi sóng. Có thế thì 15 -17 ngư dân dạn dày kinh nghiệm nghề biển mới nghe, mới tin, mới theo. “Đích xác đó là phẩm chất của một thủ lĩnh” – đây là từng câu, từng từ của ông Trương Quang Thuận – thuyền viên trên con tàu do anh Phan Hải làm thuyền trưởng nói với tôi. Ông Thuận 55 tuổi và như ông nói: “Tui theo Phan Hải đi biển đã 18 năm”.

Thuyền viên Trương Quang Thuận (phải) -người đã theo Phan Hải đi biển 18 năm. Ảnh: Đào Tuấn
Thuyền viên Trương Quang Thuận (phải) -người đã theo Phan Hải đi biển 18 năm. Ảnh: Đào Tuấn

Thời điểm Phan Hải làm thuyền trưởng cũng là lúc nghề vây đang thịnh. Để chuyển đổi nghề giã, anh bàn với cha mạnh dạn vay 330 triệu đồng để mua 2 vàng lưới. Phải hiểu rằng, vào năm 2000 đây là khoản tiền rất lớn. Quyết là làm, những nỗ lực của người tài công trẻ tuổi đã mang lại hiệu quả trên ngư trường. Lại thêm một cơ hội nữa đến với anh: Năm 2009, Nhà nước bán hoá giá đôi tàu 105CV. Bằng sự táo bạo của mình, Phan Hải vay hơn 300 triệu để  mua lại. Và lúc này anh không còn là “người làm thuê nữa”. Anh thực sự trở thành người chủ của đôi tàu mà mình đã gắn bó suốt nhiều năm.

Những tưởng có trong tay đôi tàu do mình làm chủ sẽ cứ vậy mà túc tắc đi nghề. Nhưng Phan Hải không nghĩ vậy. Biển Đông của chúng ta và cái nghề truyền đời của cha ông không thể cứ túc tắc mãi được. Chỉ khi ra giữa trùng khơi mới cảm nhận đầy đủ sự thua thiệt của ngư dân Việt Nam. Nghĩ vậy, anh quyết định bán đôi tàu dự án để thêm tiền đóng mới phương tiện.

4/7 con tàu của anh Phan Hải. Ảnh: Đào Tuấn
4/7 con tàu của anh Phan Hải. Ảnh: Đào Tuấn

Năm 2012, anh đầu tư 3 tỷ đồng để đóng mới và hạ thủy con tàu 720 sức ngựa – một trong những phương tiện đánh bắt có công suất lớn nhất thị xã Hoàng Mai lúc bấy giờ. Và đúng như sự dự liệu của người thuyền trưởng, con tàu vây đạt hiệu quả đánh bắt cao, mỗi tháng thu về trên dưới 200 triệu đồng tiền lãi. Tuy vậy bằng những trải nghiệm thực tế, Phan Hải vẫn không khỏi băn khoăn: “Mỗi chuyến biển ít nhất mất một ngày đi, một ngày về. Việc đi lại như thế vừa tốn thời gian vừa tốn dầu. Gặp đàn cá lớn lại lỡ mất thời điểm, hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng”.

Từ sự trăn trở này, Phan Hải đi đến quyết định đóng tàu dịch vụ nghề cá và phương tiện này trước hết là phục vụ cho hoạt động đánh bắt của mình. Đầu năm 2014, con tàu dịch vụ 770 CV trị giá hơn 2 tỷ đồng đã được hạ thủy. Nhiều người dân ở Quỳnh Lập lúc bấy giờ vẫn cho rằng, Phan Hải liều quá. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn người ta đã phải nghĩ khác khi nhìn thấy hiệu quả đánh bắt của cặp tàu do anh làm chủ. Không chỉ có thế, chỉ 1 năm sau, Phan Hải đóng mới con tàu thứ ba với chiều dài 21m, công suất hơn 800 CV và những năm tiếp theo anh mua thêm 4 con tàu khác, tất cả đều có độ dài hơn 20m và công suất máy từ 700CV trở lên, đến nay trong tay anh có 6 con tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ. Trên các con tàu do anh làm chủ luôn có sự tham gia của hơn 40 thuyền viên, ngư dân…

Tôi đã gặp, đã tìm hiểu rất nhiều người đi khơi, đi lộng. Nhưng riêng với Phan Hải, anh cho tôi sự tin tưởng gần như tuyệt đối về nghề biển, về cái trách nhiệm mà anh tự nhận lấy về phía mình. Đó không chỉ là việc đóng thêm tàu to, máy lớn để vươn khơi. Vì suy cho cùng đây cũng là hoạt động phát triển kinh tế mang tính gia đình, cá nhân. Cái lớn hơn rất nhiều tôi tìm thấy ở anh là tình yêu và trọng trách. Phan Hải nói: “Mình là đảng viên, mình tiên phong”. Anh bảo, kể cả khi ngủ cũng chưa bao giờ dứt ra khỏi cái suy nghĩ về biển, về nghề, về ngư dân, về doi đất bãi ngang Tân Thành, về những công việc có tên và không tên mà các đảng viên Chi bộ Hội nghề cá tin tưởng gửi gắm nơi người Bí thư.

Phan Hải nhớ như in ngày anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là  ngày 19 tháng 3 năm 2003, trùng với ngày mà anh đi ra Hoàng Sa 11 năm sau đó. Thời điểm đó, anh là Bí thư Chi đoàn thôn Hợp Tiến (sau này thôn sáp nhập và đổi tên là Tân Thành). Người thủ lĩnh Đoàn của Tân Thành vừa đứng mũi chịu sào trên biển cả, vừa tiên phong trong các hoạt động Đoàn của xã. Với người già, người trẻ ở Quỳnh Lập, Phan Hải thực sự là người truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực. Anh chưa bao giờ trốn tránh bất cứ việc gì bà con ngư dân và thanh niên kỳ vọng. Vẫn là câu nói ấy: “Mình là đảng viên!”. Nghĩa là anh tiên phong gánh vác mọi trách nhiệm.

Anh Phan Hải gặp gỡ, trò chuyện với ngư dân. Ảnh: Đào Tuấn
Anh Phan Hải gặp gỡ, trò chuyện với ngư dân. Ảnh: Đào Tuấn

Năm 2009, khi xã thành lập Hội nghề cá, anh được bà con ngư dân địa phương “tiến cử” giữ vị trí Chủ tịch. Hội không có lương cũng không có bất cứ quyền lợi nào. Phan Hải nhận và làm rất hiệu quả. 160 hội viên dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành Hội do anh Phan Hải đứng đầu đã trở thành một tổ chức nghề nghiệp hoạt động hiệu quả nhất ở khu vực ven biển Nghệ An. Sản lượng đánh bắt hàng năm của Hội nghề cá Quỳnh Lập luôn giữ mức từ 32.000 – 35.000 tấn hải sản. Tư duy của người đứng mũi chịu sào Phan Hải cũng thật đặc biệt. Anh mượn ý của Chính phủ khi nói: “Mình đánh được con cá thì cũng giúp người khác đánh được con cá. Phương châm là không để ngư dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Anh Phan Văn Hải cùng ngư dân đánh bắt trên biển. Ảnh: NVCC
Anh Phan Văn Hải cùng ngư dân đánh bắt trên biển. Ảnh: NVCC

Cái tư duy này được thể hiện bằng hành động, việc làm chứ không phải là lời nói trên ngọn sóng. Trước ngày 19 tháng 3 năm 2014, thời điểm Phan Hải lần đầu tiên đi Hoàng Sa, anh đã trăn trở rất nhiều đêm. Ngư trường Vịnh Bắc Bộ ngày càng hạn hẹp, nguồn lợi thủy sản giảm sâu, tàu đánh bắt nhiều. Trong khi đó, vùng Nam Biển Đông, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ta vẫn rất nhiều tiềm năng, ít tàu thuyền khai thác. Nhưng đây cũng là khu vực nhiều phức tạp. Vừa lúc ấy, Nhà nước có chương trình hỗ trợ ngư dân khai thác thủy hải sản ở quần đảo Hoàng Sa. Nhất là vào thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. “Người đi biển chúng tôi biết rằng, ở đâu có sự hiện diện của ngư dân Việt Nam, ở đó là phên dậu quê hương” – Phan Hải nói khi ánh mắt vẫn không rời những con sóng – “Mình là đảng viên. Phải tiên phong mở đường anh ạ!”.

Ngư dân Hội nghề cá xã Quỳnh Lập đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: CSCC
Ngư dân Hội nghề cá xã Quỳnh Lập đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: CSCC

Nhưng biển đảo Hoàng Sa đã vượt tất cả những gì mà anh đã tìm hiểu, hình dung trước đó. “Sóng lớn ghê người, hải lưu cuồn cuộn, biển cả mênh mông không một bóng tàu ngư dân ta. Thỉnh thoảng lại một chiếc máy bay tiêm kích xoẹt qua boong. Cái cảm giác lo lắng vẫn nguyên” – giọng người Trưởng tàu trở nên gấp gáp. Phan Hải cũng thật bụng cho hay, những chuyến đầu tiên đánh bắt không hiệu quả vì tàu và ngư cụ của anh vốn chỉ dùng đánh bắt ở Vịnh Bắc Bộ. Ở ngư trường Hoàng Sa máy dò cá không thể dò tới đáy, chỉ thấy trên định vị, biển sâu tới cả ngàn mét. Thời điểm ấy, mỗi chuyến tàu anh chỉ thu được vài chục triệu đồng. Mặc dù vậy, điều quan trọng hơn cả lúc bấy giờ không phải là sản lượng. Tàu anh cần hiện diện thường xuyên ở đó. Tọa độ đánh bắt dao động từ: 14 đến 16 độ Vĩ Bắc – 105 đến 111 độ Kinh Đông trên vùng biển Hoàng Sa. Và trong lần đầu tiên đến ngư trường Hoàng Sa, con tàu của Phan Hải đã đánh bắt ở đó mãi đến tận tháng 6/2014, những mẻ lưới sau đã hiệu quả hơn, sản lượng cao hơn.

Trở về Quỳnh Lập sau chuyến hải trình để đời, anh đã kêu gọi, vận động đội tàu của xã đến ngư trường Hoàng Sa. “Hoàng Sa là biển của ta. Ở đó nguồn lợi thủy sản rất lớn. Bà con đi nghề muốn khá lên, muốn giàu thì nên đi Hoàng Sa. Anh Hải đã nói với chúng tôi như vậy” – trong lần gặp gỡ cách đây hơn 1 năm, ông Nguyễn Văn Mười, một trong những chủ tàu, ngư dân lão luyện ở Quỳnh Lập đã nói điều này với tôi. Còn Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập Hồ Cảnh Thuận thì khẳng định: “Anh Hải thực sự là người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho ngư dân Quỳnh Lập. Anh có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với bà con. Năm 2022, tổng giá trị thu được của toàn xã đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó Hội nghề cá đóng góp đến 70% ”.

Với năng lượng tích cực, uy tín mà người thủ lĩnh Hội nghề cá truyền đến, các chủ tàu cá ở Quỳnh Lập lần lượt theo Phan Hải ra ngư trường Hoàng Sa. Nếu như năm 2015 Phan Hải dẫn 6 tàu ra Hoàng Sa thì đến năm 2016 có 16 chiếc; năm 2017 có hơn 40 chiếc; năm 2018 có 80 chiếc. Và đến nay toàn xã Quỳnh Lập có 135 tàu dài từ 20 m trở lên, với công suất máy từ 700-800 CV thì tất cả đều hướng về ngư trường Hoàng Sa, trong đó thường xuyên có 90 tàu tham gia đánh bắt dài ngày tại đây. “Tàu Quỳnh Lập chúng tôi không đi Hoàng Sa chỉ để “bấm điểm” hưởng chính sách. Chúng tôi ra đó đánh cá. Có đánh bắt thì mới mang lại hiệu quả” – Phan Hải chia sẻ.

Tàu cá của Hội nghề cá Quỳnh Lập đánh bắt trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Ngọc Dũng
Tàu cá của Hội nghề cá Quỳnh Lập đánh bắt trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Ngọc Dũng

Anh Phan Văn Hải cùng ngư dân đánh bắt trên biển. Clip: NVCC

Trong câu chuyện của mình, Phan Hải luôn tự nhắc: “Mình là đảng viên. Bà con họ nhìn vào hành động, việc làm của mình để đặt niềm tin”. Cũng từ việc anh luôn tạo được niềm tin trong lao động, trong cách sống, cống hiến nên ngày 21 tháng 7 năm 2021, Đảng ủy xã Quỳnh Lập đã ban hành Quyết định số 45 về việc thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá. Anh Phan Văn Hải được Đảng ủy chỉ định chức vụ Bí thư Chi bộ. Lần đầu tiên ở Nghệ An có một chi bộ Đảng được hình thành và hoạt động trong chính đời sống của ngư dân. Chi bộ có 15 đảng viên, đến đầu năm 2023 Chi bộ kết nạp mới 2 đảng viên nâng số đảng viên lên con số 17, trong đó có 7 chủ tàu, 6 tàu trưởng và 4 thuyền viên, phần lớn họ đều là những người tham gia đánh bắt xa bờ. Anh Hồ Sỹ Hùng – Trưởng tàu NA98687 là 1 trong 2 đảng viên được kết nạp năm nay. Anh cho biết, đảng viên phải gương mẫu hơn những người khác, có như vậy bà con mới tin tưởng. “Chi ủy và Bí thư Chi bộ đã quán triệt, mình đi đánh bắt không được che giấu ngư trường, phát hiện nhiều cá thì gọi bà con đến cùng đánh bắt, không để ai bị bỏ lại phía sau. Là đảng viên mình càng gương mẫu trong bảo vệ chủ quyền trên biển. Phát hiện máy bay nước ngoài, tàu lạ xâm phạm vùng trời, vùng biển của ta thì dùng điện thoại ghi hình lại, báo với cơ quan chức năng của ta” – anh Hồ Sỹ Hùng cho biết.

Anh Hồ Sỹ Hùng - 1 trong 2 đảng viên mới được kết nạp của Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập. Ảnh: Đào Tuấn
Anh Hồ Sỹ Hùng - 1 trong 2 đảng viên mới được kết nạp của Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập. Ảnh: Đào Tuấn

Anh Hồ Sỹ Hùng nói về vai trò của người đảng viên trong hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển.

Ngay sau khi Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập được kiện toàn, việc đầu tiên Chi ủy thống nhất là đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: cứu nạn cứu hộ trên biển; chia sẻ ngư trường; thông tin, bảo vệ vùng biển Việt Nam khi có tàu nước ngoài xâm nhập; xây dựng đảng, phát triển đảng viên; bảo vệ môi trường biển. Những nhiệm vụ Chi bộ đề ra rất sát với thực tiễn đánh bắt của các đảng viên là ngư dân. Chẳng hạn như, khi nhận được thông tin có tàu gặp nạn, thì bất kể đang neo hay đang sản xuất, các tàu phải thu ngư cụ ứng cứu kịp thời. Hay như nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các tàu khi tham gia đánh bắt, nếu phát hiện thấy rác thải nhựa trên biển thì phải gom vớt mang về bờ. Riêng tàu của Phan Hải mỗi tháng thu gom được hàng tấn rác thải nhựa, về bờ mang bán cũng được vài triệu đồng/tháng. Bí thư Phan Hải cho biết, đầu năm 2024 Chi bộ sẽ phối hợp với Đồn Biên phòng 144 (đóng ở xã Quỳnh Phương), UBND xã Quỳnh Lập tổ chức phát động phong trào bảo vệ môi trường biển trong toàn xã. Anh Hải mong rằng, bằng cách làm này môi trường trên biển và trên bờ sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trò chuyện với các đảng viên Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trò chuyện với các đảng viên Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh uỷ nói về vai trò của Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập và Bí thư Chi bộ Phan Văn Hải.

Nói về sự hình thành và hoạt động của Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, đồng chí Lê Quốc Khánh – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, việc ra đời của Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập là đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra tại vùng đặc thù. Các đảng viên là những ngư dân, họ sát cánh cùng nhau, thường xuyên đánh bắt trên biển dài ngày, nên mô hình ra đời là cần thiết. “Qua theo dõi tôi thấy, anh em đảng viên Chi bộ Hội nghề cá rất tiên phong gương mẫu, như việc cứu hộ cứu nạn trên biển, đảng viên là những người xông lên trước, chấp nhận hy sinh. Đặc biệt Chi bộ có đồng chí Bí thư rất giàu tâm huyết, rất gương mẫu. Chính vì vậy Ban Tổ chức Tỉnh ủy ủng hộ ngay từ khi có đề án thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập”.

Khi dự hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập vào tháng 8 năm 2023, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: “Việc thành lập Chi bộ Hội nghề cá không chỉ khắc phục khó khăn về điều kiện sinh hoạt của đảng viên, góp phần củng cố tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, mà còn phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chi bộ đã giúp ngư dân tiếp cận kịp thời và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường biển, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển…. Những đồng chí đảng viên trong chi bộ là hạt nhân chính trị, nêu gương, đặt trách nhiệm giúp đỡ nhân dân lên trước lợi ích kinh tế”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập, tháng 8/2023.

Bí thư Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập Phan Văn Hải cho biết, theo quy định của Chi bộ, các đảng viên sinh hoạt vào ngày mùng 3 hoặc ngày 15 âm lịch hằng tháng, thời điểm sáng trăng tàu nghỉ đánh bắt về bờ. Những trường hợp đảng viên vẫn đang đánh bắt, ở cảng phía Nam không về được thì có thể sinh hoạt online qua băng đàm riêng hoặc nhóm kín. “Ai cũng phải tham gia, ai cũng được tham gia ý kiến và phải đảm bảo yêu cầu bí mật”  – anh Hải cho hay.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu tặng quà Bí thư Chi bộ Phan Văn Hải. Ảnh: Thành Cường
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu tặng quà Bí thư Chi bộ Phan Văn Hải. Ảnh: Thành Cường

Bí thư Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập Phan Văn Hải phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ.

Mới đầu tháng 9 năm nay, Phan Hải lại được mọi người tín nhiệm tiến cử vào Ban Chấp hành Chi hội Doanh nhân Quỳnh Lập. Việc ra đời tổ chức này theo Bí thư Đảng ủy Quỳnh Lập Hồ Cảnh Thuận, một mặt nhằm tập trung các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hải sản, chủ tàu, tàu trưởng để nâng cao hiệu quả sản xuất, đánh bắt, mặt khác nhằm hướng đến công tác an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.

Hỏi một chút về gia đình, ánh mắt Phan Hải thật vui: “Vợ tôi là Vũ Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Lập A. Vợ chồng có 3 con. Gái lớn là giáo viên Trường THPT thị xã Hoàng Mai; trai thứ hai năm nay là tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội; cậu út năm nay đang học lớp 5. Có rứa! ”.

Hai chữ “có rứa” thốt lên nghe nhẹ tênh của người đàn ông hơn 30 năm đi biển dường như ẩn chứa tình yêu, niềm tin, trách nhiệm mãnh liệt trước cuộc đời. Đúng thôi, vì Phan Hải là ngư dân, là trưởng tàu, là đảng viên rất gương mẫu.

Tháng 9/2023

Khu vực ven biển thuộc thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Hồ Long
Khu vực ven biển thuộc thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Hồ Long