Lĩnh vực du lịch Nghệ An đã phục hồi và phát triển mạnh trở lại sau thời gian dài bị đình trệ do dịch Covid-19 trong năm 2021. Lũy kế 10 tháng, lượng khách du lịch ước đạt 6,14 triệu lượt, tăng 244% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú ước đạt 3,95 triệu lượt, tăng 224%; doanh thu du lịch ước đạt 5.074 tỷ đồng, tăng 382% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả trên phản ánh tiềm năng rất lớn của du lịch Nghệ An, nhất là sau 5 năm cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh. Tháng 9 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08, qua đó, thống nhất nhận định về 8 kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được. Đó là đổi mới tư duy, nhận thức; cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành; tăng cường xúc tiến quảng bá; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; chăm lo xây dựng nguồn nhân lực du lịch và tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.
Tuy nhiên, điều khiến phiên làm việc về chủ đề này ở diễn đàn Ban Thường vụ Tỉnh ủy sôi nổi chính là cái nhìn khách quan, thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch Nghệ An được chỉ ra khi mà lượng khách, doanh thu của ngành chưa thực sự “bùng nổ”. Du lịch phải đứng trên 2 chân là “nội địa” và “quốc tế”, nhưng cơ bản du lịch Nghệ An mới chỉ hút khách nội địa.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh bày tỏ trăn trở: Ngành Du lịch tỉnh mới chỉ mang đến cho du khách những cái vốn có, mà chưa cung cấp cho du khách được cái họ cần. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, công tác truyền thông nói chung, nhất là truyền thông về du lịch rất cần thiết để hút khách, nhưng theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, cách truyền thông cũng đang khô cứng.
Nguyên nhân khác được chỉ ra là tỉnh đang rất thiếu một hệ sinh thái hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, vui chơi, giải trí, mua sắm có thể đáp ứng hoàn chỉnh nhu cầu du khách, để du lịch tỉnh thoát khỏi cảnh mùa vụ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khi phát biểu thảo luận về nội dung này đã thẳng thắn nói: Việc thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, có đẳng cấp trong lĩnh vực du lịch chưa được nhiều vì tỉnh chưa đủ hấp dẫn, chưa mang lại đủ hiệu quả để nhà đầu tư đến. Ví dụ, miền Tây Nghệ An có điều kiện phát triển du lịch rất tốt, nhưng hạ tầng du lịch gần như không có. Ngay cả những vị trí du lịch nổi tiếng là Cửa Lò không có mặt bằng đủ lớn để đầu tư.
Để phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19, hay nói nôm na là để “ngôi nhà du lịch Nghệ An” đông khách đến, vừa lòng khách thì cần phải “tư duy mới, hành động mới”. Đây cũng là tinh thần, quan điểm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất rất cao khi thảo luận về định hướng chiến lược thời gian tới cho du lịch tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cần xây dựng một đề án hoặc báo cáo khoa học đánh giá chính xác về tiềm năng du lịch của Nghệ An; đặc biệt là công tác kết nối các địa điểm du lịch để phát huy từng mặt mạnh của nhau; vấn đề hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ du lịch, cũng như cần chiến lược nghiên cứu tâm lý du khách theo từng phân khúc.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, bên cạnh thu hút các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất thực sự chuyên nghiệp, từ đó sẽ thay đổi sự nhìn nhận hình ảnh du lịch của tỉnh, thì song hành với đó bản thân chính quyền các cấp trong tỉnh, nơi có các điểm đến dù chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh cũng cần quan tâm rà soát, sắp xếp và tổ chức ngăn nếp, nề nếp, bài bản, nhằm để lại ấn tượng với du khách.
Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế của du lịch Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất cao việc xây dựng và ban hành Đề án để phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn tới. Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đề án này phải tập trung cao độ để thực hiện, đi vào giải pháp để tháo gỡ được những việc đang “vướng mắc” của ngành Du lịch tỉnh.
Trước hết, trong giai đoạn này cần phải số hóa cơ sở dữ liệu về du lịch, bản đồ du lịch trực tuyến, điểm đến gắn liền với quảng bá, xúc tiến sản phẩm, thương hiệu Nghệ An với du khách; cùng với đó, xây dựng các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên các khía cạnh: Văn hóa du lịch, tác phong du lịch, ngoại ngữ để phục vụ du lịch; đề ra chiến lược liên kết du lịch. Đặc biệt, để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp thì trong Đề án cần đề xuất được các chính sách đặc thù, nhất là về thuế, đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời, cần bố trí nguồn ngân sách nhất định để thực hiện đề án.
Để “khách biết, khách đến, khách lưu trú dài ngày”, du lịch Nghệ An phải xây dựng được các câu chuyện hấp dẫn, khẳng định giá trị riêng, cùng với một hệ sinh thái du lịch cơ bản đồng bộ. Tất nhiên, để làm được điều đó còn cả một chặng đường dài và còn rất nhiều việc phải thực hiện, nhưng có đi mới đến…