Vì sao Nga đặc biệt quan tâm tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016?

Hiếm có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào mà dư luận Nga lại quan tâm như cuộc bầu cử năm nay. Giới quan sát cho rằng nguyên nhân ẩn sau là mối quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh và Moscow đang theo dõi sự thay đổi ở Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Puitn (giữa) và hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton (Ảnh: Sputnik/Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Puitn (giữa) và hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton (Ảnh: Sputnik/Reuters)

Từ “tái khởi động” đến “không thể cứu vãn”…

Không lâu sau khi bước chân vào Nhà Trắng năm 2008, Tổng thống Barack Obama khiến thế giới xôn xao ấn nút “tái khởi động” quan hệ với Nga vào ngày 6/3/2009, coi đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Mối quan hệ hai nước khi đó êm ả, với hình ảnh nguyên thủ và quan chức hàng đầu bắt tay và đối thoại với nhau.

Nhưng cũng không lâu sau khi ông Obama đắc kỷ nhiệm kỳ 2, từ năm 2013 đến nay, căng thẳng Moscow-Washington tăng mạnh.

Tại sao như vậy? Đó là bởi quan điểm khác nhau về trật tự thế giới; ưu tiên khác nhau đối với khu vực Đông Âu, Trung Đông và một số vấn đề toàn cầu như không phổ biến vũ khí hạt nhân; bởi quan hệ này liên tục bị những bất đồng trong nhiều vấn đề phá vỡ.

Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phe đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và đây là lúc nảy sinh cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Nga. Washington cùng đồng minh ở châu Âu lập tức áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, cùng lúc tăng cường hỗ trợ các lực lượng quân sự của nước này ở châu Âu. Giá dầu bắt đầu giảm và nền kinh tế Nga - vốn phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ, bắt đầu điêu đứng.

Sau khủng hoảng Ukraine, căng thẳng leo tháng với hàng loạt vụ việc: máy bay chở khách của Malaysia Airlines bị bắn rơi năm 2014 ở miền Đông Ukraine gần biên giới Nga (mà cuộc điều tra do Hà Lan đứng đầu nói rằng tên lửa bắn rơi máy bay này bay tới khu vực do phe đòi độc lập kiểm soát); máy bay ném bom Nga xâm nhập không phận phương Tây; về phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là hành động tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa; và bây giờ quan hệ Nga-Mỹ một lần nữa bị xói mòn vì cuộc xung đột Syria.

Vùng tranh chấp chiến lược chính giữa Mỹ và Nga là châu Âu và điều này tác động đáng kể với Trung Đông, trong đó phải kể đến điểm nóng Syria.

Syria vốn lâu nay đã liên kết với Nga. Nga hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad từ khi nổ ra phong trào nổi dậy trong nước chống lại ông này năm 2011. Năm 2013, Mỹ và Nga nhất trí về kế hoạch xóa bỏ kho dự trữ vũ khí hóa học của Syria, nhưng Mỹ không ngăn được Nga tiếp tục viện trợ cho chính quyền Tổng thống Assad. Năm 2015, Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria để hậu thuẫn chính quyền Assad, trong khi Mỹ kêu gọi ông này phải ra đi và hỗ trợ một số nhóm phiến quân đối lập.

Mỹ cho rằng sau thái độ đối đầu với Mỹ tại Syria, Nga theo đuổi các mục tiêu khác: NATO rút lui, chia rẽ châu Âu, lập lại không gian ảnh hưởng của Liên Xô trước đây.

Đỉnh điểm căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ là ngày 3/10, mà báo chí phương Tây như trang Slate đưa rằng mối quan hệ xấu đi nhiều năm nay này đã chuyển từ tồi tệ đến không thể cứu vãn được nữa.

Mỹ tuyên bố sẽ dừng tham gia đàm phán với Nga nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Syria. Và để trả đũa, Tổng thống Putin lập tức tuyên bố đình chỉ hiệp ước với Mỹ về việc hủy bỏ plutonium (chất có thể chế tạo bom nguyên tử giống như uranium) mà hai bên đạt được cách đó 6 năm.

Lưu ý rằng Kể từ những năm cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đã ký hàng loạt hiệp định nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Các thỏa thuận này vẫn còn được duy trì cho tới tận ngày nay dù quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống Putin căng thẳng.

Mức độ quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ

Tại Mỹ, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Mitt Romney và Obama, vấn đề Nga chỉ được đề cập lướt qua.

Năm nay, Nga trở thành tâm điểm đến mức trong cuộc tranh luận trực tiếp lần 2 hôm 9/10. Bà Clinton đã chỉ đích danh “Điện Kremlin, tức Tổng thống Vladimir Putin và chính quyền Nga” đang chỉ đạo các vụ tin tặc với mưu toan gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ. “Trong lịch sử, Mỹ chưa bao giờ rơi vào tình huống là một đối thủ bên ngoài tìm mọi cách để tác động đến kết quả bầu cử”, bà nói.

Hai ngày trước đó, Chính quyền Mỹ lần đầu tiên chính thức cáo buộc Nga thực hiện tấn công mạng nhằm vào các cơ quan của đảng Dân chủ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản pháo rằng Mỹ đang làm gia tăng sự thù địch giữa hai nước.

Dư luận tại Nga về hai ứng cử viên Mỹ như thế nào?

Có điều đặc biệt là đa số người Nga ủng hộ ông Trump, có lẽ vì ông từng bày tỏ sẵn sàng thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và phản đối Mỹ bành trướng thế giới. Nhưng nói chung họ cũng không kỳ vọng rằng nếu đắc cử, ông Trump sẽ là “tổng thống thân Nga" và nhờ thế, sách lược của Mỹ sẽ thay đổi.

Còn đối với bà Clinton, người giữ chức Ngoại trưởng từ năm 2009-2013 trong chính quyền Obama, người Nga cho rằng nếu trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, bà sẽ tiếp quản đường lối của người tiền nhiệm. Như vậy có nghĩa là Mỹ sẽ vẫn đối đầu với Nga ở Trung Đông và sẽ cố gắng thắt chặt đoàn kết Đại Tây Dương - điều sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ của Nga - châu Âu.

Còn thái độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin ra sao?

Trang CNN của Mỹ đăng bài viết dài phân tích nói rằng “ông Putin sợ bà Clinton thắng cử, vì lý do chiến lược, cùng cả lý do cá nhân”.

Tờ báo dẫn chứng lý do cá nhân là năm 2011, khi ông Putin mở đường cho việc trở lại ghế tổng thống nhiệm kỳ 3, tại Nga đã xảy ra biểu tình rất lớn để phản đối. Bà Clinton, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ, đã công khai đứng về phía những người biểu tình.

Về lý do chiến lược, ví dụ đầu tiên là trong những năm gần đây, ông Putin đã khởi xướng chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn với Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu. Dù kinh tế đang rất khó khăn, Nga vẫn tập trung sức mạnh quân sự để khẳng định vai trò người đóng vai chính trên sân khấu quốc tế. Trong khi đó, bà Clinton đã thể hiện sự thách thức với chiến lược của ông Putin.

Theo các nhà phân tích của tờ New York Times, cách xử lý vấn đề Nga giữa hai ứng cử viên, nếu trở thành tổng thống, sẽ rất khác biệt. Còn tờFinancial Times dẫn lời nhà phân tích Danielle Pletka của Viện Nghiên cứu Mỹ cho rằng hiện chưa ứng cử viên nào thể hiện được đối sách chặt chẽ và quyết đoán cho vấn đề Nga, nên rất có thể sau ngày 8/11, Tổng thống Putin không có lý do gì mà không duy trì chính sách của mình theo chiều hướng như hiện nay.

Theo Dân trí

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.