Vì sao Pakistan hủy dự án thủy điện 14 tỷ USD với Trung Quốc?

17/11/2017 19:00

(Baonghean) - Báo chí Pakistan cho biết nước này đã quyết định hủy bỏ dự án xây dựng đập thủy điện trị giá 14 tỷ USD với Trung Quốc vì không thể chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo.

Dự án đập nước Diamer-Bhasha sẽ tiếp tục được Pakistan triển khai sau khi ngừng hợp tác với Trung Quốc.
Dự án đập nước Diamer-Bhasha sẽ tiếp tục được Pakistan triển khai sau khi ngừng hợp tác với Trung Quốc.

Nhiều tòa soạn lớn ở Pakistan hôm 17/11 cho biết Pakistan đã loại bỏ dự án xây dựng đập nước Diamer-Bhasha, dự án hợp tác chung giữa Islamabad và Bắc Kinh, ra khỏi khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - một nhân tố quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung . Nguyên nhân của bước đi này đến từ các yêu cầu ngặt nghèo từ phía Trung Quốc, bên cung cấp tài chính cho dự án.

Cụ thể, những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra bao gồm việc nước này sẽ có quyền sở hữu đập Diamer-Bhasha, có giá trị lên tới 14 tỷ USD kèm theo cả chi phí vận hành và bảo trì con đập. Đồng thời, Bắc Kinh cũng yêu cầu phê duyệt quyền xây dựng một con đập khác tại Pakistan trong tương lai.

"Các điều kiện mà Trung Quốc đưa ra là không thể thực hiện được và đi ngược lại lợi ích của chúng tôi", Chủ tịch Cơ quan Phát triển điện và nước Pakistan Muzammil Hussain tuyên bố hôm 16/11. Được biết, Pakistan sẽ tự bỏ ra toàn bộ chi phí để thực hiện dự án xây dựng đập thủy điện này.

Quyết định hủy hợp tác xây dựng đập Diamer-Bhasha được Pakistan đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nepal tuyên bố hủy dự án thủy điện Budhi Gandaki trị giá 2,5 tỷ USD mà trước đó được chỉ định cho một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Lí do từ phía Nepal đưa ra là thỏa thuận xây dựng nhà máy thủy điện Bhudi Gandaki với Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc được quyết định vội vàng và không đúng quy cách, điều này có thể đe dọa đến vấn đề môi trường ở nước này, mặc dù trước đó hai bên đã ký bản ghi nhớ vào tháng 6 xây dự án thủy điện 1.200 MW, cách thủ đô Kathmandu khoảng 80km sau khi Nepal đồng ý tham gia dự án Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Hiện cả Pakistan và Nepal đều cần và chào đón những khoản đầu tư từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, tuy nhiên họ đã đặt yếu tố môi trường, phát triển bền vững cùng lợi ích quốc gia lên trên.

Sự kiện cả hai quốc gia đều hủy dự án với Trung Quốc được giới chuyên gia nhận định là một bước thụt lùi lớn đối với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Nepal thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng là lời cảnh báo dành cho Bắc Kinh cần thận trọng khi triển khai các dự án nhạy cảm ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thất bại của một số dự án chưa phải là vấn đề lớn đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

"Không có gì quá bất ngờ khi những vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, nó sẽ không thể thay đổi bức tranh toàn cảnh", Zhao Gancheng, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, khẳng định.

Nhật Minh

(Theo Business Standard)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vì sao Pakistan hủy dự án thủy điện 14 tỷ USD với Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO