Vì sao V.League chậm áp dụng VAR?
(Baonghean.vn) - Băng quay chậm cho thấy Luiz của chủ nhà B.Bình Dương đã dùng tay khống chế bóng trước khi dứt điểm ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Viettel tại vòng 4 V.League 2019. Nhưng trọng tài Nguyễn Trọng Thư đứng cách xa 40m không theo dõi kịp tình huống này khiến Viettel bị thua oan.
Người ta thắc mắc, tại sao V.League lại chậm áp dụng VAR?
Trước hết phải nói là VAR - đúng như tên gọi của nó - chỉ là công nghệ hỗ trợ, còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính trên sân. Thực tế, tại các giải đấu đã trang bị VAR thì vẫn có những quyết định gây tranh cãi. Vì mỗi trọng tài có thể có quan điểm, quyết định khác nhau phụ thuộc vào cách nhìn nhận, năng lực chuyên môn của từng ông vua sân cỏ.
Vấn đề kinh phí, thủ tục, đào tạo
Công nghệ VAR sẽ được áp dụng tại V-League 2019 từ lượt về. Ảnh: FIFA |
Mặc dù kế hoạch áp dụng công nghệ VAR được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ấp ủ từ trước khi mùa giải khởi tranh, được BTC giải Thai. League 1 nhiệt tình hỗ trợ tuy nhiên vì lý do chuyên môn và thủ tục nên chưa thể áp dụng ngay ở lượt đi.
Trước hết, nói về vấn đề kinh phí, dù chỉ chọn độ 2 trong 7 trận gay cấn của V.League để áp dụng VAR thì VPF vẫn phải móc hầu bao mua 6 tỷ đồng một xe VAR, vị chi tốn 12 tỷ đồng. VPF đã xác nhận xe VAR chuẩn bị về đến Việt Nam, có thể sẽ kịp đưa vào sử dụng lượt về V.League 2019.
Về nhân sự, mỗi xe VAR tối thiểu phải có 5 người, trong đó 1 - 2 nhân viên phụ trách kỹ thuật, còn lại là các trọng tài VAR gồm một trọng tài giám sát video và ba cố vấn trọng tài. Họ xem video quay chậm các tình huống vừa diễn ra và giao tiếp với trọng tài chính qua tai nghe không dây, đưa ra tư vấn về các tình huống đặc biệt. Có thể trong giai đoạn đầu, VPF sẽ mời các cựu trọng tài giỏi của Việt Nam và sẽ đào tạo họ cách dùng VAR.
Hiện nay, Thai. League1 đã dùng VAR. Ảnh: AFC |
Về kỹ thuật, có điều khá thuận lợi là cả 7 trận đấu đã được truyền hình trực tiếp, áp dụng công nghệ VAR có thể chỉ cần tăng thêm số máy quay. Khi đó, xe VAR sẽ di chuyển cùng xe màu của đài truyền hình và kết nối tín hiệu thông suốt với nhau, để trọng tài trên sân có thể theo dõi lại tình huống được làm chậm cùng với ý kiến tham vấn của trọng tài VAR.
Bốn tình huống VAR sẽ hỗ trợ
Thứ nhất, công nhận hay không công nhận bàn thắng như khi trọng tài không quan sát rõ, hoặc có đội khiếu kiện về bàn thắng được thực hiện khi có lỗi việt vị, chạm tay... VAR đã được áp dụng trong trận tứ kết World Cup 2018 khi trọng tài xem VAR và từ chối bàn thắng của đội Nhật Bản do lỗi để bóng chạm tay.
Thứ hai, quyết định phạt đền hay không phạt đền. Khu vực trong vòng cấm là nơi VAR được dùng nhiều nhất vì liên quan tới quyết định thổi phạt penalty của trọng tài.
Thứ ba, nhận dạng nhầm. Trọng tài đôi khi nhận diện lầm cầu thủ trên sân và có thể rút thẻ sai. Khi đó, tổ trọng tài trong phòng VAR có thể liên lạc tới trọng tài chính để thông báo và sửa chữa.
Thứ tư, thẻ đỏ trực tiếp. Với những tình huống bạo lực dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp, trọng tài có thể xem lại để đưa ra quyết định chính xác. Khi đó những tình huống thẻ đỏ như của Văn Quyết trận gặp Viettel sẽ không có cơ hội tranh cãi được nữa.
"Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai VAR từ lượt về (tháng 6-2019), trung bình mỗi lượt có từ 1 đến 2 trận được chọn để áp dụng công nghệ này", Chủ tịch VPF Trần Anh Tú xác nhận với chúng tôi thông tin này.