Vì sao Việt Nam không phát biểu ở Đối thoại Shangri-La 2017?

04/06/2017 06:42

Ông Vũ Tiến Trọng, quan chức đoàn Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á, cho biết Việt Nam không tham dự cấp bộ trưởng nên không phát biểu tại phiên toàn thể dịp này.

Trả lời báo chí bên lề Đối thoại Shangri-La 2017 đang diễn ra ở Singapore, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng, cho biết vấn đề được thảo luận nhiều trong tình hình an ninh chung ở châu Á là sự khẳng định vai trò của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ:

Vi sao Viet Nam khong phat bieu o Doi thoai Shangri-La 2017? hinh anh 1
Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng. Ảnh: CT.

- Xin ông cho biết về sự tham gia của đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Shangri-La như thế nào?

- Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia ngay từ những hội nghị đầu tiên từ năm 2002 đến nay một cách tích cực, chủ động. Tại Shangri-La lần thứ 16 này, Bộ Quốc phòng Việt Nam chuẩn bị khá chu đáo, đã chuẩn bị cả những thông điệp phát biểu trên phiên toàn thể và các phiên đồng thời.

Tuy nhiên, nguyên tắc của ban tổ chức là chỉ ưu tiên cho bộ trưởng Quốc phòng các nước để phát biểu tại phiên toàn thể. Chúng ta thấy ngay cả Ấn Độ, Trung Quốc không cử đại diện cấp bộ trưởng mà chỉ là đại diện cấp thấp hơn thì cũng không phát biểu. Đoàn Việt Nam cũng tương tự vậy. Chúng ta phải chấp nhận những nguyên tắc, quy chế của ban tổ chức cũng như nước chủ nhà.

- Tại sao trưởng đoàn Việt Nam không tham gia phát biểu tại các phiên toàn thể?

- Như đã nêu trên, lực lượng đến tham dự rất đông đảo, tới hơn 20 bộ trưởng quốc phòng và tương đương của các nước, nên các phát biểu nghị sự trong các phiên toàn thể ưu tiên cho cấp bộ trưởng. Do đó, cấp thứ trưởng của chúng ta không được tham gia phát biểu. Việt Nam cũng như Ấn Độ hay Trung Quốc đều đi ở cấp thứ trưởng hoặc thấp hơn, nên chúng ta không phát biểu ở phiên toàn thể.

Vi sao Viet Nam khong phat bieu o Doi thoai Shangri-La 2017? hinh anh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6 rằng không chấp nhận các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CT.

- Ông đánh giá thế nào những vấn đề chính của chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La năm nay?

- Các vấn đề an ninh khu vực hiện nay được hội nghị đặc biệt quan tâm, trong đó có các vấn đề an ninh chung, chú trọng đến vấn đề nhận thức, khẳng định vai trò của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ trong vấn đề an ninh ở châu Á cũng như các nước lớn khác như Trung Quốc.

Các nước lớn có nhiệm vụ cùng nhau giải quyết các vấn đề an ninh nóng hiện nay, như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề chống khủng bố quốc tế, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông…, hoặc vấn đề mới nổi lên như an ninh mạng toàn cầu.

Đây đều là những vấn đề được Shangri-La nhìn nhận, đánh giá hoặc có những đề xuất về định hướng hợp tác để duy trì một khu vực ổn định, hòa bình, để tất cả các quốc gia cùng hưởng lợi, đó là hòa bình và phát triển thịnh vượng chung.

- Ông bình luận thế nào về bài phát biểu của thủ tướng Australia trong phiên khai mạc?

- Cộng đồng quốc tế cũng như khu vực ngày hôm qua đều rất quan tâm tới thông điệp của thủ tướng Australia phát biểu tại phiên khai mạc.

Thông điệp này rất rõ ràng. Thứ nhất, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và hành xử một cách thượng tôn pháp luật trong tất cả các vấn đề quốc tế. Kế đến là sự thừa nhận vai trò của Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực; đồng thời thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực đem lại lợi ích chung cho các quốc gia vừa và nhỏ cùng phát triển.

Tuy nhiên, thủ tướng Australia cũng kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm và hành xử đúng luật pháp tại khu vực, đề nghị Trung Quốc hành xử có trách nhiệm hơn đối với vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như xử lý vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Australia cũng có một thông điệp quan trọng là ủng hộ vai trò dẫn dắt, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời có thông điệp chống phi toàn cầu hóa, kêu gọi các quốc gia cùng nhau có trách nhiệm trong hợp tác để đối phó với các mối thách thức đe dọa an ninh hiện nay như là nguy cơ khủng bố quốc tế, vấn đề về an ninh mạng toàn cầu…

Vi sao Viet Nam khong phat bieu o Doi thoai Shangri-La 2017? hinh anh 3
Nữ bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trao đổi với người đồng cấp Malaysia tại Đối thoại Shangri-La sáng 3/6. Ảnh: CT.

- Là thành viên tích cực của đối thoại Shangri-La, Việt Nam đã thể hiện và chia sẻ quan điểm như thế nào, đặc biệt là những cách thức để giải quyết các xung đột hiện nay?

- Việt Nam dự kiến sẽ tham gia và đăng đàn phát biểu trong phiên toàn thể về những thách thức để xử lý khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên do nguyên tắc và quy định của ban tổ chức, Việt Nam đi ở cấp thấp hơn bộ trưởng nên không được phát biểu chính thức tại phiên toàn thể lần này.

Quan điểm của Việt Nam là chúng ta thấy có rất nhiều những vấn đề an ninh cần chung tay hợp tác đối phó nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Đầu tiên là vấn đề nhận thức cũng như cách ứng xử hay vận dụng các quy định luật pháp quốc tế không giống nhau, tạo ra những khác biệt hoặc những cơ chế chưa đủ để giải quyết các vấn đề hiện nay.

Ngoài ra, lợi ích của các quốc gia chưa song trùng với lợi ích của các cộng đồng hay lợi ích của các lợi ích chung khiến cho sự khác biệt tồn tại. Thậm chí, một số quốc gia đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của cộng đồng. Những điều này đang tạo khó khăn trong vấn đề về nhận thức cũng như trách nhiệm chung trong xử lý các vấn đề quốc tế hiện nay ở khu vực.

- Theo ông, các nước lớn cần có cách ứng xử như thế nào để thể hiện vai trò mang tính trách nhiệm của mình, cũng như ASEAN cần có tiếng nói gì để đóng góp vào tiến trình này?

- Thông điệp của thủ tướng Australia rất rõ ràng. Thứ nhất, các nước lớn cần có trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo duy trì trật tự an ninh tại khu vực, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, như thủ tướng Australia đã khẳng định vai trò của Mỹ trong vấn đề can dự an ninh tại khu vực; đồng thời thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc song kêu gọi Trung Quốc phải có trách nhiệm.

Và tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải thượng tôn pháp luật, đều cần được bình đẳng và tự do trong khuôn khổ thượng tôn pháp luật của thế giới và khu vực.

Vai trò của ASEAN đã, đang và sẽ được thừa nhân như một trung tâm với một động lực, một lực lượng dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực, và được Trung Quốc, Mỹ cũng như các nước lớn hoàn toàn ủng hộ.

Chính vì vậy, ASEAN trong những năm vừa qua đã trở thành một cộng đồng. Chúng tôi cho rằng với sự ủng hộ của các nước lớn, các nước bên ngoài khu vực, ASEAN sẽ làm tròn sứ mệnh của mình là trung tâm dẫn dắt các cơ chế hiện nay.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vì sao Việt Nam không phát biểu ở Đối thoại Shangri-La 2017?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO