Việt Nam: Một năm có tới 42.000 'bà mẹ nhí' sinh con

11/07/2016 07:42

Tại Việt Nam, năm 2015 có hơn 5.500 ca vị thành niên/280.000 ca phá thai; hơn 42.000 trường hợp trẻ sinh con, chiếm hơn 3,5% tổng ca sinh nở.

Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Trong năm 2015, số trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 59 triệu em. Đông Á và Nam Á, khu vực Tây Phi và Trung Phi với 8 triệu em/khu vực; các quốc gia Ả Rập 3 triệu em và khu vực Đông Âu và Trung Á là 1 triệu em.

Mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển ở độ tuổi từ 15 - 17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca; tỷ lệ trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 10%. Tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15-19 tuổi, tiếp theo là biến chứng thai sản.

Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng mang thai, tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên. Do đó, LHQ đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Dân số Thế giới năm nay (11/7) là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”, hướng toàn xã hội tập trung vào một nhóm dân số dễ bị tổn thương, đó là các trẻ em gái vị thành niên (VTN).

co toi 42.000
Kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của VTN chưa được đầy đủ (Ảnh minh họa)

Báo động tình trạng mang thai tuổi vị thành niên

Ở nước ta, theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, tỷ lệ mang thai ở VTN có giảm đôi chút trong vài năm gần đây, nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại. Trong đó năm 2015 là 2,66%, giảm hơn so với năm 2012 là 3,39%.

Năm 2010, cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca VTN. Năm 2015 có hơn 5.500 ca VTN trong số gần 280.000 ca phá thai. Hơn 42.000 trường hợp VTN sinh năm 2015, chiếm hơn 3,5% tổng ca đẻ trong năm. Đây chỉ mới là con số được thống kê từ hệ thống y tế công. Tuy nhiên, con số thực tế do đó cao hơn rất nhiều nếu thống kê cả những cơ sở y tế tư nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sinh VTN vẫn còn nhiều rào cản. Đó là kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của VTN chưa được đầy đủ, vẫn còn nhiều trẻ VTN chưa có hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân.

Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập ngày càng rộng rãi, trong đó, việc giao lưu về mặt văn hóa ngày càng cởi mở hơn, VTN có quan niệm “thoáng” hơn trong vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong khi đó, khả năng tiếp cận của VTN với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản khó khăn hơn các đối tượng khác.

Sự khó khăn này có phần do định kiến của xã hội nói chung, định kiến của cha mẹ VTN nói riêng, trong việc cho con em tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (quan niệm sai lầm rằng cho tiếp cận sớm với những dịch vụ này sẽ hư hỏng sớm…).

Ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: “Những nguyên nhân trên tạo ra rào cản cho VTN trong việc tiếp cận kiến thức, dịch vụ chăm sóc SKSS cũng như phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng HIV/AIDS”.

Tại sao phải đầu tư cho trẻ em gái VTN?

Nói về lý do lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” cho Ngày Dân số Thế giới năm nay, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ, các em gái là đối tượng dễ bị lạm dụng về vấn đề sức khỏe sinh sản (SKSS), dễ bị bỏ ra ngoài lề của những chương trình chính thức, kể cả chương trình chăm sóc SKSS nói chung. Đây cũng là những đối tượng nằm trong nhóm dễ bị thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt là ở những nước còn đặt nặng định kiến giới, bị ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.

co toi 42.000
Diễu hành nhân Ngày Dân số Thế giới 2016

Đầu tư cho trẻ em gái chính là đầu tư cho một xã hội tiến bộ hơn, một xã hội đặt ra những giá trị bình đẳng giữa nam và nữ, giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Chúng ta không thể xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ, văn minh nếu như phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng không được hưởng tất cả những quyền được chăm sóc của mình.

Bên cạnh đó, những trẻ em gái hôm nay sẽ là những bà mẹ trong tương lai. Những người mẹ được chăm sóc tốt về mặt thể chất, được học hành, trang bị vốn kiến thức cũng như có nghề nghiệp ổn định, có nguồn thu nhập độc lập sẽ có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, khi trưởng thành. Chính vì thế, đầu tư cho trẻ em gái chính là đầu tư cho thế hệ tương lai.

“Tôi nghĩ rằng, đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là một trong những công việc mà các Chính phủ, các tổ chức cần phải tham gia để nâng cao vị thế của phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ nói chung và chăm sóc đầy đủ hơn nữa cho trẻ em gái để không có trẻ em gái nào phải đứng ngoài lề các chương trình nghị sự phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội” - ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, những vấn đề như: công tác truyền thông, giáo dục giới tính, giáo dục về đời sống gia đình trong chương trình phổ thông; tăng cường cung cấp các phương tiện tránh thai đối với vị thành niên; xây dựng một loạt các cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thân thiện với VTN… sẽ được đưa vào dự thảo Luật Dân số trình Quốc hội tới đây.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Khi đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên thì tất cả mọi người đều được hưởng lợi: Gia đình, cộng đồng và quan trọng nhất là chính các cô gái.

Ở mức độ toàn cầu, UNFPA hỗ trợ các quốc gia trong việc nỗ lực trao quyền cho các trẻ em gái tuổi VTN thông qua các chương trình bảo vệ nhân quyền và tăng cường tiếp cận thông tin và các dịch vụ, trong đó bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục. UNFPA cũng không ngừng vận động chấm dứt các hủ tục như tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ.

Tại Việt Nam, UNFPA xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ, để tất cả các trẻ em gái trong độ tuổi thanh, thiếu niên và phụ nữ có thể mang thai khỏe mạnh và an toàn. UNFPA đang làm việc với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch quốc gia mới về ung thư cổ tử cung, nhằm giúp các trẻ em gái có thể được tiêm vaccine, cũng như những phụ nữ được chẩn đoán bị tổn thương tiền ung thư sẽ được sàng lọc và điều trị. Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung xâm lấn cũng sẽ được điều trị./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Việt Nam: Một năm có tới 42.000 'bà mẹ nhí' sinh con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO