Vụ cháy chung cư lộ hố sâu giàu - nghèo trong lòng London
Thảm kịch cháy chung cư tại London khắc họa rõ nét sự phân hóa giàu - nghèo ở một trong những đô thị phát triển bậc nhất thế giới.
Trẻ em chơi đùa trên phố sau vụ cháy tòa chung cư Grenfell ở London, Anh, hôm 14/6. Ảnh: CNN |
Chỉ cách tòa chung cư Grenfell, vừa bị thiêu rụi trong đám cháy kinh hoàng hôm 14/6, khoảng 10 phút đi bộ, người ta sẽ lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của tầng lớp siêu giàu ở London. Những chiếc xe ôtô đắt tiền BMW, Jaguar và Audi đỗ dọc các con phố. Dãy nhà liền kề 4 tầng vẫn còn thơm mùi sơn mới. Hàng tốp công nhân xây dựng cặm cụi sang sửa các biệt thự có giá lên tới vài triệu bảng Anh.
Đứng ở khu vực này và ngoái đầu nhìn lại, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một khối hộp đen xì trên nền trời xanh thẳm. Đó là chung cư 24 tầng, mới tuần trước vẫn còn là chốn dung thân của hàng trăm gia đình, đa phần là dân lao động thu nhập thấp.
Hai thái cực giàu - nghèo, chỉ cách nhau vài bước chân, cùng song song tồn tại. Thảm họa cháy tòa nhà Grenfell bỗng chốc khiến người dân London giật mình nhận ra hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp trong xã hội, HuffPost UK đưa tin.
Hai thế giới trong một khu phố
"Bên phải bạn là một chiếc Rolls Royce còn bên trái bạn là khu ổ chuột. Hình ảnh tương phản này cho thấy sự khác biệt giữa sự giàu có và đói nghèo", James Sheridan, một đầu bếp 28 tuổi, nhận xét.
Số liệu thống kê cho thấy so với những người hàng xóm sống bên kia đường, thu nhập, công việc và tuổi thọ của cư dân Grenfell đều thấp hơn hẳn. Một khảo sát của chính phủ đã xếp chung cư Grenfell, nằm lọt thọt trong quận Kensington và Chelsea giàu có bậc nhất ở thủ đô London, là một trong những khu đói nghèo nhất nước Anh vào năm 2015. Khảo sát đưa ra phân loại dựa trên các tiêu chí như thu nhập, sự túng quẫn và các rào cản tiếp cận nhà cửa, dịch vụ.
Minh họa trên bản đồ, vị trí của chung cư Grenfell nằm bên trong khu vực màu đỏ đậm, khu vực nghèo nhất. Vùng lân cận ngay gần đó, chỉ cách vài con phố, được đánh dấu màu xanh, đối lập với màu đỏ, tượng trưng cho sự giàu có sung túc.
Dựa trên khảo sát của chính phủ năm 2015, tòa chung cư 24 tầng Grenfell nằm trong khu vực đánh dấu màu đỏ đậm tương trưng cho mức sống nghèo nhất. Ảnh: HuffPost |
"Một phía, anh sẽ thấy toàn người giàu với các dãy nhà phát triển nhộn nhịp, còn phía bên kia, anh sẽ thấy chung cư nhà ở xã hội trong tình trạng bị bỏ bê suốt một thời gian dài", Azar Hussain, một cư dân sống gần chung cư Grenfell và quen biết nhiều người ở đó, nói.
Theo người dân địa phương, phân hóa giàu - nghèo ở khu vực phía tây London không chỉ dừng ở mức độ cảm nhận vô hình mà còn thể hiện qua những thứ rất hữu hình ví dụ như chiếc cổng sắt cao ngăn cách những căn biệt thự với thế giới bên ngoài.
"Tôi nhận thấy người nghèo bị cách ly khỏi khu vực của giới nhà giàu", anh Sheridan ví von một bên là "phô mai" còn bên kia là "cục than đen".
Trong khi bất động sản ở khu Kensington và Chelsea thường được chào bán với mức giá trung bình 1,8 triệu USD thì một căn hộ trong chung cư Grenfell chỉ có giá khoảng 320.000 USD. Chuyên gia khảo sát thị trường Hussain nói có sự chênh lệch lớn về giá như vậy vì một bên là nhà mặt đất thuộc sở hữu tư nhân còn một bên là nhà chung cư theo diện nhà ở xã hội.
"Những cư dân nhà xã hội thường xuyên phải vật lộn kiếm sống", Hussain nhận xét.
Nghị sĩ Công đảng Emma Dent Coad, người vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử tuần trước, cho biết "(Ở London) tồn tại những khu vực nghèo cùng cực. Người dân ở đó ngày một nghèo hơn, thu nhập giảm sút, tuổi thọ bình quân thấp và sức khỏe của họ ngày một tệ hại. Người nghèo ở Kensington không hề được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế", chính trị gia này nhấn mạnh "lý thuyết kinh tế nhỏ giọt" hay còn gọi là "thuyết kinh tế thẩm thấu" không có tác dụng. Theo thuyết này, nhà nước sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp, giới nhà giàu và dân đầu tư để kích thích sản xuất và kinh doanh, nhờ đó giúp kinh tế tăng trưởng và tạo ra của cải cho mọi tầng lớp, kể cả tầng lớp dưới cùng của xã hội.
Cơn thịnh nộ của người nghèo
Người dân trong các khu nhà xã hội cho biết hội đồng địa phương "không quan tâm" đến tình trạng sống của họ. Nhiều tòa nhà hiện đang trong tình trạng xuống cấp tệ hại.
"Họ không thèm ngó ngàng gì đến anh. Việc cải tạo nhà ở kéo dài hết tháng này qua tháng khác... Căn hộ chúng tôi đầy các vết nứt, lỗ thủng, tường ngấm nước, mục nát và nấm mốc, chưa kể gián, chuột và kiến. Nhưng họ chỉ muốn chúng tôi ngậm miệng lại", bà Kim, một cư dân địa phương, tỏ ra phẫn nộ.
Mubin Haq, giám đốc chính sách của Quỹ vì London, giải thích về tình trạng tầng lớp dưới đáy xã hội bị đẩy ra ngoài lề: "Chúng tôi quan sát thấy những khu như Kensington và Chelsea không có 'tầng lớp trung lưu' vì thế anh sẽ thấy hai thái cực giàu - nghèo tương phản rõ nét". Ông Haq cũng thừa nhận những tác động tâm lý khi người nghèo phải sống trong môi trường mà sự phân hóa xã hội hiện hữu hàng ngày. Họ sẽ không ngừng so sánh và cảm thấy bế tắc với cuộc sống của mình.
Người nghèo thường mắc kẹt trong điều kiện sống chật chội và thiếu thốn. Họ không thể tiếp cận những dịch vụ cơ bản như chăm sóc y tế và giáo dục. Trẻ em của những gia đình nghèo sẽ bị dồn vào những trường có cơ sở vật chất kém. Một người dân cho biết trường học địa phương Holland Park hiện không mở cửa cho mọi đối tượng học sinh.
"Theo tôi, đây là hành động thanh tẩy xã hội, thanh tẩy chủng tộc. Chính xác là như thế! Chấm hết", nữ cư dân tức giận nói, "Tất cả chung quy vì tiền".
"Chỉ vì nghẻo mà có những người đã bỏ mạng hoặc tay trắng (sau vụ cháy chung cư Grenfell)", Akala, một nghệ sĩ sống gần đó, trả lời Channel 4, "Không đời nào nhà giàu chịu sống trong một tòa chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy như thế. Tôi đã nói chuyện với nhiều cư dân ở đó, họ nói rằng họ không nghe thấy chuông báo động kêu và không có hệ thống chữa cháy tự động".
"Cư dân ở Grenfell đã nhiều lần phàn nàn về vấn đề an toàn, họ sống giữa một trong những khu giàu có nhất London, vậy mà không ai lắng nghe ý kiến của họ cả. Điều này cho thấy một thực tế, trong xã hội hiện đại Anh, không phải ai cũng được lắng nghe. Chính sự phân cực này sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc", nhà báo của HuffPost Skyler Baker-Jordan bình luận.
Trách nhiệm của chính quyền
Ngay sau vụ cháy thiêu rụi tòa chung cư 24 tầng, từng là nơi ở của khoảng 500 người, Thủ tưởng Theresa May đã đến hiện trường thị sát. Nhưng thay vì tiếp xúc với các nạn nhân thì bà May chỉ hỏi chuyện lực lượng cứu hỏa, sau đó rời đi nhanh chóng. Sự có mặt chóng vánh của nhà lãnh đạo đất nước làm dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía người dân, theo Bloomberg.
"Nhiều người dân địa phương nói bà ấy đến chả có tác dụng gì", anh Parvez, một tình nguyện viên đang tham gia công tác cứu trợ, kể lại.
"Các chính trị gia xuất hiện chỉ để chường mặt lên báo đài", Nelima Miah, một người bạn của Parvez, nhận xét. "Hiện cộng đồng cư dân ở đây mới là người lãnh đạo, không phải hội đồng nhân dân địa phương hay chính phủ".
Người dân đã xuống đường biểu tình và giận dữ xông vào tòa nhà hội đồng địa phương, cơ quan quản lý chung cư Grenfell, đồng thanh hô vang "Chúng tôi muốn công lý".
Cảnh sát London đã xác nhận số người thiệt mạng sau vụ cháy đã lên đến 58 và sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, nhiều người bị thương khác vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Đối với Soran Karimi, 31 tuổi, người sống ngay tòa chung cư đối diện, vụ cháy không khác gì "một vụ giết người" và "cần phải truy tố người chịu trách nhiệm". Theo Karimi, năm ngoái, hội đồng địa phương cải tạo tòa chung cư xây dựng từ năm 1974 này chỉ để diện mạo của nó ăn nhập với cảnh quan của khu vực giàu có nhất nhì London.
"Họ làm thế không phải vì lợi ích của cư dân sống trong chung cư", Karimi nói, "Họ chỉ muốn tòa nhà trông đẹp mã bởi vì nó ngay sát nhà họ".
Các chuyên gia về phòng cháy chữa cháy nhận định có thể vật liệu bao bên ngoài chung cư, được lắp trong quá trình sang sửa vào năm ngoái, đã khiến cho đám cháy lan nhanh và bùng phát đến mức không thể kiểm soát nổi. Mỹ đã cấm sử dụng vật liệu này trong xây dựng nhà cao tầng từ năm 2012. Cảnh sát London đã tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự vụ hỏa hoạn.
"Sự túng quẫn giờ chỉ còn là đống tro tàn", bà Sarah, một người London chính gốc hàng ngày đi tàu qua khu chung cư, thở dài nói, "Cái chúng ta đang nhìn thấy không phải là một tòa nhà mà đó là một nấm mộ".
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|