Vùng nguyên liệu mía Nghệ An có nơi đạt năng suất kỷ lục gần 140 tấn/ha
(Baonghean.vn) - Niên vụ 2023-2024, vùng nguyên liệu mía của Công ty CP mía đường Sông Con có nơi đạt 140 tấn/ha.
Khi mai đào nở báo hiệu mùa Xuân về là lúc những cánh đồng mía, cam, sắn, khoai… bắt đầu bước vào thu hoạch. Trên địa bàn miền núi huyện Tân Kỳ - vùng nguyên liệu chủ lực của Nhà máy đường Sông Con - năm nay nhiều diện tích mía đạt năng suất 140 tấn/ha, được bà con nông dân ở đây đánh giá là mức kỷ lục...
Sau những thời kỳ nông sản chịu cảnh thăng trầm của giá cả thị trường, nhiều năm lại nay, người nông dân Tân Kỳ đã yên tâm phát triển cây mía, nhất là luôn được nhà máy đường đồng hành, bao tiêu hết sản phẩm. Trước trong và sau Tết, nhà máy vẫn vận hành dây chuyền, hoạt động liên tục không nghỉ để đảm bảo máy móc không phải vận hành lại và mía nguyên liệu được thu mua kịp thời.
Dịp cuối năm, chúng tôi về cánh đồng xóm Vạn Long, xã Giai Xuân - xã vùng sâu của huyện Tân Kỳ. Trên cánh đồng mía một màu xanh tốt đã rộn không khí vào mùa thu hoạch. Ruộng mía của gia đình anh Trần Khắc Hải ở xóm Vạn Long rộng 1,2ha đã được bóc lá cẩn thận và dự kiến năm nay đạt 130 tấn/ha; cây mía cao 2,5m và dự kiến còn cao thêm khoảng 1m nữa mới đạt độ thu hoạch.
Anh Vi Văn Biển, cán bộ nông nghiệp xã Giai Xuân cho biết: “Nhờ trồng giống mới KK3 của Thái Lan, thâm canh đúng quy trình của nhà máy, làm đất bón phân bằng cơ giới, tuân thủ tỷ lệ mật độ cây trồng… nên cây mía năm thứ hai sinh trưởng tốt. Dù gặp thời tiết không thuận lợi, hạn hán, đến nay cây mía giống KK3 vẫn cho năng suất khoảng 130-140 tấn/ha, cao nhất từ trước tới nay ở huyện Tân Kỳ. Như gia đình anh Hải, thu hoạch 150 tấn mía/ha, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha”.
Năm 2022, ruộng mía của gia đình anh Hoàng Văn Chung ở xóm Vạn Long, xã Giai Xuân đạt năng suất khoảng 130 tấn/ha. Với 3ha mía, anh thu về sản lượng hơn 350 tấn, sau khi trừ chi phí thuê nhân công chặt, bóc lá, làm cỏ còn lãi ròng 100 triệu đồng. Giống mía anh Chung trồng cũng là giống KK3 từ Thái Lan. Một số hộ trồng mía khác ở xóm Vạn Long đều có năng suất mía đạt 140 tấn/ha...
Theo anh Hoàng Văn Chung, để ổn định sản lượng mía, anh mua máy cày công suất lớn có giá 1 tỷ đồng để làm đất cho gia đình, đồng thời cho các gia đình khác thuê khi có nhu cầu. Hiện nhiều gia đình ở xã Giai Xuân đã mua máy cày nên khâu làm đất thuận lợi, vừa tạo điều kiện cho cây mía sinh trưởng khỏe, chống chịu hạn hán, vừa cho năng suất cao. Phía Công ty CP Mía đường Sông Con cũng quy định nông dân phải làm đất đúng quy trình mới đầu tư, nên việc cơ giới hóa làm đất ở xã Giai Xuân ngày một chuyên nghiệp.
Lãnh đạo xã Giai Xuân cho biết: Xã có 871ha mía, trong đó khoảng 400ha mía đạt năng suất 120-140 tấn/ha. Cây mía ở xã Giai Xuân là cây chủ lực nhiều năm qua và bà con đã đưa mía từ đồi xuống ruộng, trồng trên đất lúa năng suất thấp. Với việc được thu mua ổn định, bà con xã Giai Xuân chung thủy với nhà máy đường; phía xã cũng bố trí cán bộ nông vụ thường xuyên bám đồng để hỗ trợ cho bà con.
Được biết, giống mía KK3 sinh trưởng mạnh, mọc mầm tốt, đẻ nhánh mạnh, chống chịu sâu hại, lưu gốc tốt, ít bị đổ ngã, không trổ cờ, khả năng chịu ngập úng và nhiễm phèn mặn tốt, có mật độ cây hữu hiệu cao, khối lượng cây lớn, khả năng giao tán sớm, chín trung bình sớm, khả năng thích ứng rộng; năng suất thực thu từ 120,50 tấn/ha đến 143,35 tấn/ha, chữ đường cao. Hiện nay, với năng suất đạt 140 tấn/ha ở Tân Kỳ cho thấy, việc thâm canh mía nói chung ở đây rất hiệu quả, nhà nông càng yên tâm bám đồng ruộng.
Hiện nay, Nhà máy đường Sông Con có gần 5.000ha mía nguyên liệu, trong đó có khoảng 1.000ha mía năng suất đạt từ 100 tấn trở lên; nhất là ở các vùng mía Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn, Giai Xuân, Tân Xuân… của huyện Tân Kỳ.