Vượt lên số phận, nhà thơ Trương Quang Thứ viết nên 'kỳ tích'
Trương Quang Thứ được giới văn nghệ sĩ gọi là “Nhà thơ đặc biệt”, bởi cơ thể tật nguyền, không thể ngồi viết, ông phải đứng hoặc nằm để sáng tác thơ. Càng cảm phục hơn khi ông đã vượt lên sự nghiệt ngã của số phận để xây dựng mái ấm hạnh phúc và viết nên “kỳ tích” giữa đời thường.
Từ “Tình yêu mùa Xuân”
Về xóm Tâm Tiến, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), ghé nhà ông Trương Quang Thứ (SN 1951) khi chủ nhân đang đứng làm thơ bên chiếc hương án. Vóc dáng gầy gò, thân hình xiêu vẹo, đôi mắt hướng lên chiếc màn hình laptop đặt trên hương án, đôi bàn tay liên tục gõ phím…
Có khách đến thăm, ông Thứ tạm dừng công việc và chia sẻ: “Sáng nay chớm rét, cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến chợt ùa về. Tôi đang cố gắng ghi lại dòng cảm xúc ở thời điểm khá đặc biệt này”.
Theo lời nhà thơ Trương Quang Thứ, phần lớn cuộc đời ông là hành trình vượt lên nghịch cảnh và số phận khắc nghiệt. Mới bước qua tuổi 20, chàng thanh niên làng biển Quỳnh Lập vấp phải mảnh bom của quân Mỹ dội xuống cánh đồng làng dẫn đến viêm đa khớp. Đôi chân teo dần, xương sống bị cong, lệch, phải nằm một chỗ.
Qua nhiều năm điều trị, sức khỏe mới cải thiện được một ít, có thể di chuyển được trong nhà nhưng rất khó khăn, hoàn toàn mất khả năng lao động. Đó là quãng thời gian buồn đau và thất vọng, có lúc ông nghĩ mình đã trở thành một phế nhân, cuộc sống không còn ý nghĩa.
Rất may, trong những năm tháng u ám nhất của cuộc đời, “nàng thơ” đã tìm đến với Trương Quang Thứ và trở thành người bạn tâm giao. Thơ đã phần nào xoa dịu nỗi đau, vỗ về những nỗi niềm u uẩn của người thanh niên không may rơi vào nghịch cảnh.
Ông Thứ luôn có sẵn bút và giấy trong túi áo, mỗi khi cảm xúc bất chợt đến liền lấy giấy, bút ghi nhanh thành bài thơ. Mỗi khi có thơ, ông lại gửi đăng báo, có tiền nhuận bút để hỗ trợ các khoản chi phí trang trải cuộc sống gia đình và mang đến niềm vui nho nhỏ.
Chân bị co quắp, sống lưng bị lệch nên khi làm thơ ông phải đứng hoặc nằm, có lúc đứng liên tục 5 tiếng đồng hồ để hoàn thành một bài thơ. Đến nay, ông đã xuất bản 3 tập thơ riêng, gồm tập “Tình trăng”, “Mâm quả biết đi” và “Hoa hậu mèo”, riêng tập “Mâm quả biết đi” được UBND tỉnh Nghệ An trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (năm 2005). Tập thơ thứ 4 có tên “Tình yêu mùa Xuân” hiện đang ở nhà in, dự kiến sẽ xuất bản trong vài tháng tới.
Điều đáng nói là số phận kém may mắn, cơ thể bị dày vò đau đớn nhưng trong sáng tác của mình, Trương Quang Thứ không bao giờ nói tới những mất mát, thiệt thòi bản thân. Mà trái lại, ông luôn hướng tới những điều tốt đẹp về cuộc sống gia đình, xã hội bằng cảm xúc trong trẻo, thể hiện niềm lạc quan, yêu đời.
Điều này giải thích vì sao bài thơ “Tình yêu mùa Xuân” của ông được nhạc sĩ Hồ Hữu Thới phổ nhạc năm 1998, được bình chọn là 1 trong số 100 ca khúc hay viết về mùa Xuân của thế kỷ 20. Chúng ta hãy thưởng thức những vần thơ đầy sức gợi của bài thơ nổi tiếng này: “Tiếng dịu dàng của hương/Nghe thì thầm trong gió/Tiếng nụ chồi tách vỏ/Nghe nặng đầy trong cây/Tiếng mùa Xuân đâu đây/Nghe tim mình chộn rộn/Như có lời hò hẹn/Mãi tìm kiếm suốt đời…”.
Hiện tại, ông Trương Quang Thứ là hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Nghệ An, Phó Chủ nhiệm CLB Văn nghệ Sông Mai, được Liên hiệp Các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng của các báo, tạp chí.
Đến danh hiệu “Học không bao giờ cùng”
Nếu như “nàng thơ” đã xoa dịu nỗi đau về mặt tinh thần, giúp ông Trương Quang Thứ gượng dậy thì bà Trần Thị Nị (1954) là “điểm tựa” để ông bước tiếp trên đường đời. Năm ấy, từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Đông y Hà Bắc, tình cờ chàng trai xứ Nghệ gặp cô gái Bắc Giang đến thăm bạn.
Cảm thương anh thanh niên trẻ tuổi phải chịu cảnh tật nguyền, cô gái lân la chuyện trò, an ủi. Rồi hai người trở nên thân thiết, thường xuyên trao đổi tâm tình, và tình yêu đến lúc nào không hay biết. Cô gái quyết định gạt bỏ mọi lời khuyên can của gia đình, bạn bè để đi theo tiếng gọi tình yêu, về xứ Nghệ làm vợ người đàn ông tật nguyền.
Sau khi thành hôn (năm 1977), đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ dựng nhà ở riêng trên đất Quỳnh Lập, bà Nị lần lượt sinh 3 người con trai, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm vất vả. Còn ông Thứ, tuy bệnh viện kết luận mất khả năng lao động vĩnh viễn nhưng không đành lòng nhìn vợ một mình tất bật mưu sinh, ông quyết gượng lên làm việc để vợ vơi bớt nhọc nhằn.
Vậy là ông bắt đầu với công việc nhẹ nhàng như tưới rau, xới cỏ, vun luống, nấu ăn và chăm sóc các con. Những lúc rảnh rỗi, ông lại dành thời gian sáng tác thơ, gửi đăng báo.
Dù đau ốm, sức khỏe hạn chế và điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Trương Quang Thứ luôn động viên vợ cố gắng vươn lên nuôi dạy các con ăn học trưởng thành. Ngày ấy, ở Quỳnh Lập, hầu hết trẻ em đều nghỉ học giữa chừng để đi biển, bổ sung nguồn lao động cho gia đình.
Ông Thứ thực sự có “tầm nhìn xa” khi cho các con học lên THPT, rồi lần lượt thi đậu vào các trường đại học. Con trai đầu là Trương Quang Văn (SN 1978) hiện là Hiệu trưởng Trường THCS xã Quỳnh Liên; con trai thứ hai là Trương Quang Chương (SN 1981), cán bộ giảng dạy Học viện Lục quân Đà Lạt và con út là Trương Quang Phương (SN 1983), kỹ sư nuôi trồng thủy sản, hiện công tác ở thành phố Hà Tĩnh.
Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, 3 cháu nội của ông Thứ đang theo học ở các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Học viện An ninh nhân dân.
“Tôi luôn động viên con cháu trong dòng họ, làng xóm cố gắng học tập để góp phần làm đổi thay cuộc sống và có nhiều cống hiến cho xã hội, vì vậy được mọi người tin yêu, tín nhiệm. Mới đây, tôi được Hội Khuyến học tỉnh trao tặng danh hiệu “Học không bao giờ cùng”, là niềm động viên để tôi tiếp tục vượt lên”, ông Thứ chia sẻ.
“Ông Trương Quang Thứ là người khuyết tật nặng, mất khả năng lao động nhưng luôn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp và nuôi dạy các con thành đạt. Trong nhiều năm qua, gia đình ông Thứ luôn được công nhận danh hiệu Gia đình hiếu học tiêu biểu, được cấp trên khen thưởng và trở thành tấm gương sáng của cộng đồng”.
Ông Vương Đại Tương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Lập