Giáo dục

Tiếp nối truyền thống hiếu học ở Thanh Chương

Thanh Lê 08/08/2024 19:23

Thanh Chương được biết đến là vùng đất truyền thống hiếu học với nhiều bậc anh hùng, hào kiệt. Trên vùng đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân đặc biệt coi trọng, trở thành nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, dòng họ, làng xã. Mạch nguồn này được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Chương phát huy, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

giaoductc-cover(1).jpg

Sắp xếp mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp

Trường Tiểu học Ngọc Sơn có 606 học sinh với 20 lớp. Tại điểm trường chính có 10 lớp. Số lớp còn lại lâu nay đang học ở 2 điểm trường Lam Thắng và Thanh Nam. Trong khi đó, ở điểm trường lẻ Thanh Nam được xây dựng năm 1976, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, tại điểm lẻ chỉ có 5 lớp với 152 học sinh, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Do đó, tháng 4/2024, huyện Thanh Chương đã thực hiện sáp nhập điểm trường Thanh Nam của Trường Tiểu học Ngọc Sơn về với điểm trường chính.

Để tạo điều kiện cho các em được học tập trong môi trường tốt hơn, huyện Thanh Chương và xã đã xây mới 6 phòng học mới, cải tạo nâng cấp văn phòng, 5 phòng chức năng; mua mới 30 máy vi tính, 11 ti vi, 70 bộ bàn ghế và nhiều công trình phụ trợ với tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng phục vụ cho công tác dạy và học ở điểm chính.

Hệ thống cơ sở vật chất và lớp học khang trang ở trường tiểu học Ngọc Sơn-Mai Hoa
Toàn cảnh trường Tiểu học Ngọc Sơn. Ảnh: Thanh Lê
Hệ thống cơ sở vật chất và lớp học khang trang ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Hệ thống cơ sở vật chất và lớp học khang trang ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Ảnh: Thanh Lê

Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập một số phụ huynh chưa nhận thức đúng đắn phản đối với lý do như đường xa, nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích phụ huynh đã đồng thuận. Đến đầu tháng 5/2024, 100% học sinh từ điểm trường lẻ Thanh Nam đã chuyển về học tập tại điểm trường chính Tiểu học Ngọc Sơn với khí thế vui vẻ và phấn khởi.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - người dân xóm Nam Phong, xã Ngọc Sơn khẳng định: Học sinh học ở điểm lẻ không an toàn, điều kiện học tập không đầy đủ. Nhờ sáp nhập trường học mà các em học sinh mới được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn. Nhờ sáp nhập trường mà con em được tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp sôi nổi, bổ ích để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện hơn.

Nhờ sáp nhập trường học mà các em học sinh mới được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - người dân xóm Nam Phong, xã Ngọc Sơn

Hoạt động ngoài giờ ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Hoạt động ngoài giờ ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Ảnh: Thanh Lê

Sáp nhập trường học là chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành Giáo dục và Đào tạo, là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đặc biệt, trước yêu cầu cụ thể về nhân lực, vật lực khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chính vì thế, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Chương đã ban hành Nghị quyết số 09, UBND huyện đã ban hành Đề án số 2119 về thông qua Đề án “Quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” và gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính. Kết quả sau 3 năm thực hiện, toàn huyện sáp nhập được 11 điểm lẻ và 12 trường.

Đồng thời, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học. Theo đó, năm học 2023-2024, UBND huyện cùng với UBND các xã, thị trấn đã ưu tiên bố trí các nguồn kinh phí để xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường gần 130 tỷ đồng để xây dựng mới 126 phòng học văn hóa, 74 khối phòng học tập khác, 16 công trình vệ sinh và nhiều công trình phụ trợ khác.

Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học thưc hiện sáp nhập trường nhằm tinh giản biên chế
Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học thực hiện sáp nhập trường nhằm tinh giản biên chế. Ảnh: Mai Hoa

Công tác xã hội hóa, vận động tài trợ được triển khai linh hoạt, hiệu quả. Năm học 2023-2024, các trường đã chủ động trong việc chia sẻ nhu cầu, kết nối các thế hệ học sinh của nhà trường, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các bậc phụ huynh... ủng hộ với tổng kinh phí tương đương 21 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học. Với sự vào cuộc tích cực của giáo viên, học sinh, sự hỗ trợ của phụ huynh, các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương đã làm thay đổi cảnh quan sư phạm của các nhà trường.

Sau 3 năm thực hiện Đề án 2119 của UBND huyện, có 8 trường được công nhận chuẩn quốc gia lần đầu, 5 trường nâng chuẩn mức độ 2, có 50 trường công nhận chuẩn lại sau 5 năm. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia 96/115, tỷ lệ 83,47%. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng đủ, đồng bộ và hiện đại. Việc nâng cao cơ sở vật chất đã thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và quản trị của các nhà trường.

Phòng học tiếng Anh, Trường THPT Cát Ngạn (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa
Phòng học tiếng Anh, Trường THPT Cát Ngạn (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Song song, huyện tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm chỉ đạo việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên để nâng cao khả năng chuyên môn và việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ mới vào giảng dạy. Đến nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhìn chung đảm bảo theo quy định và phù hợp với đặc điểm của cấp học, bậc học cơ bản đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đơn cử, tại Trường THPT Thanh Chương 1, trong 10 năm gần đây, nhà trường duy trì 33 lớp với hơn 1.300 học sinh và 84 cán bộ, giáo viên, trong đó có 37 giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn, nhiều thầy, cô giáo là cốt cán chuyên môn của Sở GD&ĐT. Có được đội ngũ giáo viên tâm huyết, vững vàng về chuyên môn, chất lượng giáo dục của nhà trường đã không ngừng tiến bộ. Hàng năm, tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt về hạnh kiểm đạt trên 98%; xếp loại học lực khá và giỏi đạt trên 90%. Trên 80% số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều năm trường vượt lên đứng trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng học sinh cuối cấp, học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trường THPT Thanh Chương 1 tổng kết năm học 2023-2024. Ảnh: CSCC
Trường THPT Thanh Chương 1 tổng kết năm học 2023-2024. Ảnh: CSCC

"Mục tiêu phấn đấu và định hướng của nhà trường trong những năm tới là tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên mạnh về chuyên môn, đáp ứng được với các điều kiện dạy học hiện đại, phương pháp giảng dạy tích cực, tiên tiến, tận tâm với học sinh. Từng bước nâng cao và khẳng định chất lượng giáo dục đối với học sinh, xây dựng và rèn luyện phong cách học sinh văn minh, thanh lịch, hiện đại và năng động. Xây dựng môi trường sư phạm và đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học" - thầy giáo Nguyễn Triều Tiên - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên mạnh về chuyên môn, đáp ứng được với các điều kiện dạy học hiện đại, phương pháp giảng dạy tích cực, tiên tiến, tận tâm với học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Triều Tiên - Hiệu trường Trường THPT Thanh Chương 1

Quang cảnh Trường THPT Thanh Chương 1
Quang cảnh Trường THPT Thanh Chương 1. Ảnh: CSCC

Theo đồng chí Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương: Xuyên suốt chiều dài lịch sử truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng tài luôn được Thanh Chương phát huy tiếp nối như dòng chảy không ngừng, thời kỳ nào cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào. Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, huyện phấn đấu việc sáp nhập trường, điểm trường; xây dựng trường chuẩn quốc gia đảm bảo đúng lộ trình đề ra; lồng ghép huy động nguồn lực để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học để đáp ứng tốt nhất Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học và quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và chất lượng giảng dạy.

Cùng với đó, huyện đặc biệt quan tâm vấn đề "then chốt" là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ để làm sao mỗi thầy, giáo cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Đặc biệt, từ việc đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo vượt khó dạy giỏi hết lòng vì học sinh thân yêu. Qua đó, đã lan tỏa và khơi dậy được niềm đam mê, sáng tạo của các em trong học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện đạt thành tích cao hơn trong những năm học tiếp theo.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiểm tra xây dụng trường học tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh Mai Hoa
Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiểm tra xây dựng trường học tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa
Mới nhất
x
x
Tiếp nối truyền thống hiếu học ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO