Tạo điều kiện cho những người đảm nhận 'hai vai'

Mai Hoa 06/11/2022 09:14

(Baonghean.vn) - Đưa cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã về đảm nhận bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng khối, xóm, bản là giải pháp tình thế nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ và hiệu quả hoạt động của các tổ chức ở thôn, xóm. Tuy nhiên, chủ trương này đang có những bất cập cần nghiên cứu tháo gỡ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo ở thôn, xóm

Là công chức văn phòng thống kê của UBND xã Thọ Thành (Yên Thành), đồng chí Nguyễn Quang Biên được phân công gánh vác thêm vai trò Bí thư Chi bộ xóm Đồn Dừa. Đây là xóm đặc thù, không có đảng viên tại chỗ, 6/6 đảng viên chi bộ là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã tăng cường.

Công việc văn phòng ở xã khá bận rộn, nhưng đồng chí Nguyễn Quang Biên tâm sự: Với trách nhiệm người đảng viên và khi đã nhận việc thì phải nỗ lực, bố trí, sắp xếp thời gian khoa học để gánh trọn “2 vai”. Kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, ngoài tranh thủ lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy xã, chi bộ phân công mũi, nhiệm vụ cụ thể, phát huy vai trò trách nhiệm của từng đảng viên sâu sát; huy động sự vào cuộc của ban chỉ huy, ban công tác mặt trận xóm và tranh thủ sự ủng hộ từ ban hành giáo vì phong trào chung.

Đặc biệt trong vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản, đóng góp xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao với hệ thống đường giao thông được đầu tư khá hoàn chỉnh; nhà văn hóa xóm đang xây mới với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông nông thôn, nhà văn hóa ở xóm Đồn Dừa, xã Thọ Thành (Yên Thành) được đầu tư đồng bộ; Nhà văn hoá xóm Đồn Dừa được đầu tư xây dựng mới thông qua huy động sức dân. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Thọ Thành, ngoài tăng cường công chức văn phòng thống kê xã làm Bí thư Chi bộ xóm Đồn Dừa, có thêm 4 công chức, người hoạt động không chuyên trách xã về làm bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, chi ủy viên chi bộ ở 4 xóm khác.

Cùng gánh vác vai trò Bí thư Chi bộ xóm đặc thù - xóm 6, xã Nghi Phú (thành phố Vinh), đồng chí Nguyễn Văn Dương - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã luôn trăn trở phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ và tiếng nói của bí thư chi bộ ở xóm.

Cái khó của chi bộ là cả 8/8 đảng viên đều là cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã; việc gắn bó và am hiểu địa bàn có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, hàng tháng, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ của Đảng ủy xã, chi bộ xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để ban hành nghị quyết, tập trung lãnh đạo; phát huy vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xóm; vai trò bám sát, hướng dẫn, đôn đốc của các đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Như tuyên truyền đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; tuyên truyền, định hướng tạo điều kiện cho người dân mở rộng ngành nghề, dịch vụ; công tác vệ sinh môi trường, quản lý đất đai, thu nộp các loại thuế, quỹ, phí; các hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến học; đảm bảo an ninh trật tự…

Đánh giá về vai trò lãnh đạo của Chi bộ xóm 6, đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phú chia sẻ: Hàng năm, chi bộ 6 luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cá nhân đồng chí bí thư chi bộ luôn lo lắng, trăn trở làm tròn công việc được giao ở chi bộ. Ngoài Chi bộ xóm 6, ở xã Nghi Phú có thêm 2 chi bộ là Chi bộ xóm 4 và xóm 5 cũng tăng cường người hoạt động không chuyên trách ở xã về làm bí thư chi bộ.

Dù điều kiện ở các địa bàn này có những khó khăn, đảng viên tại chỗ không có như Chi bộ xóm 6 hoặc ít như Chi bộ xóm 4 chỉ có 1/8 đảng viên, hay Chi bộ xóm 5 chỉ có 4/9 đảng viên; nhưng nhờ lựa chọn được những người có kinh nghiệm, năng lực, uy tín và có khả năng quy tụ, tạo sức mạnh để đảm nhận bí thư chi bộ, nên phong trào ở các xóm này đều có bước phát triển, tạo cộng hưởng cùng với phong trào chung của xã.

Huyện Nam Đàn gặp mặt, đối thoại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ khối, xóm, ngày 22/9/2022. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Việc đưa cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã về đảm nhận bí thư, phó bí thư chi bộ và khối, xóm trưởng, hiện đang được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai. Như tại huyện Quỳnh Lưu, theo báo cáo từ Ban Tổ chức Huyện ủy, hiện tại có 9 xã với 28 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã về làm bí thư chi bộ ở xóm. Hay ở huyện Yên Thành có 20/39 xã, thị trấn tăng cường người hoạt động ở xã về làm bí thư chi bộ với tổng 34 người. Huyện Thanh Chương có tổng 26 cán bộ xã về làm bí thư chi bộ và trưởng thôn xóm (16 bí thư chi bộ, 10 trưởng thôn, xóm); trong đó có 2 cán bộ, công chức và 24 cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã ở 17 xã.

Chủ trương này, theo phản ánh của các địa phương là giải pháp tình thế nhằm củng cố lực lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, xóm. Nói giải pháp tình thế, bởi 2 lẽ. Thứ nhất, ở các xóm này thiếu nhân sự mà nguyên nhân là xóm không có hoặc có ít đảng viên tại chỗ; thứ hai xóm dù đông đảng viên, nhưng chủ yếu là đảng viên cao tuổi không đảm đương được công việc, số trẻ đi làm ăn xa hoặc không mặn mà việc Đảng, việc dân và thiếu người có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để đảm nhận việc Đảng ở thôn, xóm.

Lãnh đạo xã Cát Văn (Thanh Chương) trao đổi với cán bộ, nhân dân về tình hình thôn, xóm. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Cần quan tâm chế độ chính sách

Các khối, xóm, thôn, bản được tăng cường cán bộ xã về làm bí thư, xóm trưởng thường là những địa bàn khó khăn, đặc thù; ngoài đòi hỏi năng lực thì cán bộ cũng phải có sự đầu tư và thật sự trăn trở, trách nhiệm, thậm chí là phải hy sinh lợi ích cá nhân. Theo chia sẻ của một số người “trong cuộc”, khi tham gia công việc ở xóm, các việc lễ lạt, hiếu hỷ, cán bộ thôn xóm đều phải có mặt để chia sẻ bằng tiền “túi” của mình; kể cả thời gian, nếu chỉ làm cán bộ, công chức xã, ngày nghỉ có thể nghỉ “đằng sằng”, còn khi kiêm nhiệm thêm việc xóm thì có khi không có ngày nghỉ...

Ở một số chức danh cán bộ chuyên trách và công chức, công việc chuyên môn ở xã khá nhiều, đòi hỏi cán bộ phải cố gắng, nỗ lực mới làm tròn “2 vai”. Chính vì vậy, tâm lý chung của cán bộ, công chức hiện nay không muốn đảm nhận thêm “vai” ở xóm mà vì trách nhiệm người đảng viên để đứng ra gánh vác. Cho nên, ở một số địa phương, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã phải luân phiên nhau làm bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm ở những địa bàn khó khăn.

Mặc dù thêm việc và khó khăn, nhưng chế độ tăng thêm cho đội ngũ này chưa đảm bảo. Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh ban hành vào tháng 12/2019 quy định phụ cấp cho cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, khối, bản nếu kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 75% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm.

Nghĩa là, hiện nay, theo quy định, cán bộ chuyên trách (bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể) và công chức cấp xã khi kiêm nhiệm bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm không được hưởng thêm chế độ gì ngoài lương chức danh chính. Điều này đang đặt ra sự chưa công bằng trong cống hiến, đóng góp của cán bộ.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Trung Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tân (thành phố Vinh), ở phường Vinh Tân, thời gian qua có những khối do khó khăn trong phát triển đảng viên tại chỗ và công tác cán bộ ở đó cũng khó khăn, nên Đảng ủy phường phải vận động và phân công cán bộ, công chức về kiêm nhiệm bí thư chi bộ, nhưng không có phụ cấp để chi trả và động viên họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy tỉnh cần nghiên cứu có chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã xuống làm kiêm bí thư cho bộ khối, xóm. Đây cũng là tâm tư của nhiều cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ và tâm tư của cán bộ cơ sở hiện nay kiến nghị các cấp cần nghiên cứu tháo gỡ.

Từ sự tận tụy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xóm, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Đàn tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ảnh tư liệu: Minh Thái

Tạo điều kiện cho những người đảm nhận 'hai vai'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO