Khối, thôn, xóm, bản (gọi chung là thôn, xóm) không phải là cấp hành chính, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc chuyển tải, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; đồng thời là kênh sâu sát nhất nắm bắt, phản ánh các vấn đề thực tiễn đến Đảng và Nhà nước các cấp. Và, để chức năng đó thực sự phát huy hiệu quả, luôn cần có sự vào cuộc, lãnh đạo của chi bộ đảng.
Ông Lương Ngọc Ân – Bí thư Chi bộ xóm 5, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) đã tròn 25 năm làm Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ. Ở vị trí nào, ông cũng trăn trở lo cho việc chung. Theo ông Ân, sự đóng góp của bản thân chính là trách nhiệm của người đảng viên; đó là thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với tổ chức Đảng đã lựa chọn, tôn trọng tập thể, Nhân dân đã tín nhiệm bầu. Với nhận thức đó, ở giai đoạn khó khăn nhất là thời điểm sáp nhập hai xóm 5A và 5B thành xóm 5, ông cùng cấp ủy, chi bộ và ban quản lý xóm tạo được sự thống nhất chung và lan tỏa trong nhân dân. Vì thế, xóm mới nhanh chóng ổn định mọi sinh hoạt, sản xuất, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, ông Lương Ngọc Ân còn chủ động bàn bạc cùng chi ủy, ban quản lý xóm có những giải pháp hợp lý kêu gọi con em quê hương làm ăn ở xa quê hướng về ủng hộ xóm xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong phát triển kinh tế, xóm 5 cũng là đơn vị dẫn đầu của xã Nghi Văn. Chi bộ nhiều năm liền được xếp loại xuất sắc và cá nhân ông Lương Ngọc Ân là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), Xóm trưởng xóm 1, ông Nguyễn Đình Thảo cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới, cùng với tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia, mỗi đảng viên cùng bí thư, xóm trưởng phải luôn là những người gương mẫu, đi đầu thực hiện. Quá trình chi phí xây dựng các công trình, phải sử dụng tiết kiệm kinh phí, minh bạch, công khai dân chủ, từ đó người dân tin, ủng hộ các phong trào. Còn với ông Lê Minh Huyền ở làng Canh Yên, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn), giữ chức vụ Bí thư Chi bộ 14 năm nay (từ năm 2008 đến nay, cả trước khi sáp nhập làng). Ở mỗi giai đoạn, ông Huyền luôn nhiệt huyết, luôn đi đầu, gương mẫu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế – xã hội. Ông Lê Minh Huyền cùng các đồng chí trong cấp ủy, chi bộ thường xuyên vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng xã ngày một khang trang hơn.
Xóm 4, xã Thanh Phong (Thanh Chương) luôn dẫn đầu phong trào ở xã. Kết quả đó có vai trò đóng góp rõ nét của Xóm trưởng Lê Xuân Quế. Ở tuổi 65, lương hưu 8 triệu đồng/tháng, 4 con đều thành đạt; điều kiện ấy, dễ thường tâm lý muốn nghỉ ngơi và hưởng thụ, nhưng ông Lê Xuân Quế vẫn cứ lăn lộn việc xóm, việc dân. Ông cùng với chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hoàn thành nhiệm vụ của xóm. Quá trình đó, ông Quế luôn tiên phong, gương mẫu làm trước, từ việc hiến đất, lùi bờ rào, đóng góp mở rộng đường giao thông. Dịp 18/11/2021, ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, ông Quế đã trích tiền cá nhân mua cờ tặng cho các hộ dân trong xóm, đảm bảo 100% tuyến đường và hộ dân treo cờ vào dịp lễ. Ông Quế cho biết: “Tôi luôn nói với mọi người, mình đang còn sức khoẻ, khi Đảng tin, dân tín thì cố gắng làm những công việc có ích cho xã hội, cho dân”.
Những tấm gương bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm như nêu trên gần như có mặt ở hầu hết các khối, thôn, xóm, bản hiện nay trên địa bàn Nghệ An (trước sáp nhập là 3.806 khối, thôn, xóm, bản; nay con số đó giảm xuống còn 2.083). Những người hoạt động ở khối, thôn, xóm, bản (gọi chung là thôn, xóm), đặc biệt các đồng chí trong cấp ủy, chi bộ và ban quản lý thôn, xóm đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt mọi phong trào ở cơ sở. Họ là người đại diện và cầu nối giữa dân với cấp ủy, chính quyền; là “hạt nhân” lãnh đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở từng khu dân cư.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang – Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn chia sẻ: “Chi bộ và ban quản lý khối xóm là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở từng khu dân cư. Xóm trưởng là người “đứng mũi chịu sào” trong quản lý mọi hoạt động ở xóm; người trực tiếp cùng ban quản lý xóm cụ thể hoá việc lãnh đạo, nghị quyết của chi bộ vào thực tiễn cũng như triển khai các công việc mà chính quyền cấp xã giao xuống. Đây là đội ngũ không thể thiếu.
Đồng chí Trần Thị Bình – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành cũng cho rằng: “Họ không chỉ là “hạt nhân” lãnh đạo, chỉ đạo mọi phong trào ở xóm mà còn là “hạt nhân” trong hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở khu dân cư. Họ là người nắm bắt kịp thời dư luận, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xử lý…”.
Cấp ủy các cấp ở Nghệ An luôn chăm lo xây dựng, củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác phát triển đảng viên để tạo nguồn và gắn trách nhiệm cho chi ủy bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ kế cận. Thế nhưng, nguồn “quy hoạch cán bộ” ở thôn, xóm chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, lao động nghỉ hưu, hoặc tham gia hàng chục năm nay đã lớn tuổi; kéo theo tình trạng “già hóa” đảng viên và những người đảm nhận công việc ở thôn, xóm.
Mặt khác, thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, nhiều xóm mới được sáp nhập từ 2 – 3 xóm cũ với quy mô dân số gấp 2, gấp 3 lần và địa bàn hoạt động rộng lớn hơn; trong khi đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã giảm, dẫn đến khối lượng công việc ở thôn, xóm lớn hơn và vất vả hơn, đôi lúc quá tải cho nhiều “cán bộ” lớn tuổi.
Thực tiễn đó, song song làm công tác tư tưởng, động viên những người lớn tuổi có trách nhiệm, uy tín, nhiều địa phương chú trọng thuyết phục người trẻ tham gia công việc ở thôn, xóm. Như ở huyện Tương Dương, trước thời điểm tiến hành đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi tham gia công việc ở xóm, bản khá cao. Như tại xã Yên Na với 7 bản, thì có 2 bí thư chi bộ và 3 trưởng bản trẻ tuổi; hay xã Yên Tĩnh 9 bản thì có 4 bí thư chi bộ và 6 trưởng bản trẻ; xã Tam Hợp có 5 bản thì có 4 bí thư chi bộ, 3 trưởng bản trẻ; xã Yên Thắng 8 bản thì có 2 bí thư chi bộ và 3 trưởng bản trẻ; thị trấn Thạch Giám có 11 khối, bản thì có 2 bí thư chi bộ và 4 khối, xóm trưởng trẻ. Ở huyện Nghi Lộc, tính đến tháng 7/2022, toàn huyện có tổng số 492 bí thư chi bộ, xóm trưởng thì tỷ lệ người dưới 50 tuổi là 224 người, chiếm 45,2%.
Nhiều địa phương tổ chức các lớp đối tượng Đảng cho thanh niên trước khi nhập ngũ, đồng thời phối hợp với các đơn vị tuyển quân rèn luyện, giáo dục có thể kết nạp vào Đảng hoặc khi về địa phương được kết nạp. Lực lượng này khi hoàn thành quân ngũ, trở về địa phương có thể bố trí tham gia lực lượng dân quân, tự vệ, chi đoàn, chi hội ở xóm, tạo nguồn cho cán bộ xóm.
Điển hình anh Lương Đức Thành, sinh năm 1991, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Tân Tiến, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh về quê, đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn bản Tân Tiến và lần lượt làm Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng. Thời gian đầu tiếp cận công việc ở vị trí mới, đồng chí Thành gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách. Bởi, ở bản người Thái này, nhiều cách nghĩ, cách làm của người dân, nhất là người lớn tuổi đã “thành nếp” đến mức bảo thủ. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh Thành đã thường xuyên gặp gỡ người dân, kiên trì vận động, thuyết phục các hộ đổi mới phát triển, sản xuất, chăn nuôi. Bản thân anh gương mẫu áp dụng những tiến bộ vào sản xuất mía, dứa năng suất cao. Qua thời gian, đến nay, dân bản luôn nghe theo anh Thành và chung sức xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng bản nông thôn mới.
“Công việc ở thôn, xóm, có vẻ đơn giản, nhưng để đảm nhận được tròn vai không phải ai cũng làm được”. Đó là nhận xét của lãnh đạo các xã, huyện khi nói về việc tìm kiếm nguồn cán bộ thôn, xóm.
(Còn nữa)