Xây dựng Đảng

Xây dựng cơ chế giải quyết các kiến nghị từ chi bộ ở Nghệ An

Mai Hoa 12/10/2024 08:28

Thời gian qua, cấp ủy nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đã chủ động xây dựng cơ chế để giải quyết tốt các kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ, góp phần giảm bức xúc và đơn thư ở cơ sở.

 Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai lắng nghe ý kiến người dân Quỳnh Phương về giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Ảnh Mai Hoa
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai lắng nghe ý kiến người dân Quỳnh Phương về giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: Mai Hoa

Gắn trách nhiệm từng cấp ủy viên

Việc về dự sinh hoạt ở chi bộ được Huyện ủy Thanh Chương gắn trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Theo đó, hàng tháng, các đồng chí đó có trách nhiệm dự sinh hoạt chi bộ theo vùng, điểm được phân công phụ trách. Ngoài ra, phải chủ động dự sinh hoạt chi bộ tại đơn vị, địa phương mà ở đó lĩnh vực chuyên môn chỉ đạo của mình còn khó khăn, hạn chế, yếu kém, nhằm lắng nghe và tìm giải pháp giải quyết liên quan đến chỉ đạo mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới, công tác “dân vận khéo”, phát triển đảng viên… Cơ chế này ở huyện Thanh Chương đã góp phần tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, bức xúc ở cơ sở.

Câu chuyện xây dựng lán trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp và trên đất công tại Bàu Ó của hàng chục hộ dân tại xã Thanh Lương đã tồn tại nhiều năm, trở thành vấn đề bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 Bàu Ó
Việc lấn chiếm diện tích Bàu Ó để xâ xây dựng các công trình chăn nuôi được cấp ủy, chính quyền xã Thanh Lương tập trung tuyên truyền, vận động người dân tháo gỡ. Ảnh: CSCC

Đồng chí Nguyễn Duy Sâm - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 3, xã Thanh Lương cho biết: Sở dĩ vấn đề này kéo dài là do quá khứ để lại, cái lấn chiếm trước, cái lấn chiếm sau và làm chỗ này, đụng chỗ kia. Mặt khác, cán bộ, công chức địa phương là người trong làng, trong xã, làm là “đụng” anh, em, bà con nên nể nả, thiếu kiên quyết. Và cuối năm 2023, vấn đề này được đảng viên nêu ý kiến tại kỳ sinh hoạt chi bộ, có sự tham gia của đồng chí thường vụ huyện ủy và đã tiếp thu, chỉ đạo chi ủy, chi bộ cùng Đảng ủy xã Thanh Lương vào cuộc quyết liệt, vận động cán bộ, đảng viên tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Đến nay, hơn 25 hộ lấn chiếm đất tại khu vực Bàu Ó đã hoàn trả lại mặt bằng, đồng thời, địa phương cũng cải tạo làm lại bờ kè, trồng cây xanh, tạo cảnh quan nông thôn sạch - đẹp hơn ở khu vực này. Khi diện tích lấn chiếm ở Bàu Ó, phía xã Thanh Lương được giải tỏa, hiện phía xã Thanh Yên cũng đang tập trung giải tỏa lấn chiếm, để trả lại mặt bằng hoàn toàn cho Bàu Ó.

 Cấp ủy huyện Thanh Chương trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo nội dung đảng viên nêu ý kiến tại cuộc sinh hoạt chi bộ tại xã Thanh Khai. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo Huyện ủy huyện Thanh Chương trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo nội dung đảng viên nêu ý kiến tại cuộc sinh hoạt chi bộ tại xã Thanh Khai. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Thanh Khai, cũng qua sinh hoạt chi bộ, ý kiến của đảng viên phản ánh về tình trạng bán đất rừng, xây dựng nghĩa trang, khu lăng mộ gia đình, dòng họ, đã được đồng chí thường vụ, chấp hành huyện phụ trách tiếp thu, phối hợp với các cơ quan cấp huyện có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đưa ra giải pháp giải quyết. Đến thời điểm này, các trường hợp mua bán, xây dựng nghĩa trang, khu lăng mộ trái phép đã được tháo dỡ.

Việc đảm bảo cơ sở vật chất nhà văn hóa xóm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân sau sáp nhập xóm cũng là câu chuyện nhiều trăn trở, lúng túng ở các xóm thuộc xã Thanh Dương. Trên cơ sở phản ánh của cán bộ, đảng viên qua sinh hoạt chi bộ, đồng chí Nguyễn Duy Chắt - Bí thư Chi bộ xóm Dương Tâm cho biết: Đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề để bàn kỹ, tạo thống nhất trong chi ủy, chi bộ về phương pháp, cách thức thực hiện; xây dựng cụ thể dự toán, đưa ra mức huy động rõ cho người dân, kết hợp huy động con em xa quê, cùng một phần hỗ trợ của địa phương để nâng cấp nhà văn hóa và một số công trình, hạng mục khác với tổng kinh phí gần 400 triệu động. Bằng phương pháp đó, hiện ở xã Thanh Dương, nhà văn hóa 6/6 xóm đều được nâng cấp, mở rộng khang trang, đảm bảo sinh hoạt cho người dân sau sáp nhập xóm.

 Lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Huyện ủy Thanh Chương kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức xã Thanh Phong. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Huyện ủy Thanh Chương kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức xã Thanh Phong. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài cơ chế trực tiếp trả lời, giải quyết hoặc chỉ đạo cơ sở giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, chuyên môn của từng đồng chí thường vụ, chấp hành. Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết: Huyện ủy Thanh Chương yêu cầu các đồng chí thường vụ, chấp hành huyện trực tiếp báo cáo với bí thư, thường trực huyện ủy những nội dung, vấn đề được cán bộ, đảng viên phản ánh, kiến nghị vượt thẩm quyền mang tính khẩn trương, cấp bách cần chỉ đạo giải quyết ngay để cấp ủy vào cuộc kịp thời. Những vấn đề nào chưa gấp gáp, hệ trọng và cần có thời gian, lộ trình giải quyết thì tổng hợp, báo cáo bằng văn bản, kể cả báo cáo trực tiếp qua các cuộc họp thường trực, ban thường vụ huyện ủy để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền. Cách làm này đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, tránh bức xúc nhỏ thành bức xúc lớn, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, tạo hiệu quả và tác động tích cực thật sự từ việc phân công cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt chi bộ cơ sở.

Xây dựng cơ chế giải quyết kiến nghị của đảng viên

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An luôn chăm lo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua ban hành Chỉ thị số 13, ngày 5/7/2017 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tiếp đó là quy định đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Quy định số 08, ngày 15/9/2021 và nay được sửa đổi thành Quy định số 27, ngày 30/10/2023. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy cũng đã ban hành quy định, phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành dự sinh hoạt chi bộ ở các địa phương, đơn vị được phân công phụ trách hàng tháng, hàng quý. Đây là biện pháp nhằm tăng cường cán bộ về cơ sở, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy cấp trên đối với từng chi bộ ở cơ sở; đồng thời, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc ở cơ sở.

 Lãnh đạo huyện Nghi Lộc kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại cơ sở. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Nghi Lộc kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại cơ sở. Ảnh: Mai Hoa

Thực tế, cấp ủy nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng cơ chế để giải quyết tốt các kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ. Ở huyện Nghi Lộc, thông qua dự sinh hoạt chi bộ, nội dung nào “nằm” trong khả năng, thẩm quyền đều được đồng chí thường vụ, chấp hành huyện ủy trao đổi, trả lời và giải quyết ngay tại cuộc sinh hoạt chi bộ; còn lại sẽ được gửi qua văn phòng Huyện ủy tổng hợp chung ý kiến, kiến nghị cán bộ, đảng viên hàng tháng trên phạm vi toàn huyện và được gửi cho UBND huyện và các phòng, ban, ngành có liên quan xem xét, giải quyết. Kết quả giải quyết của các phòng, ban, ngành cấp huyện được ban thường vụ huyện ủy ban hành báo cáo tổng hợp trả lời ý kiến cán bộ, đảng viên hàng quý và được thông tin tại hội nghị giao ban cụm bí thư các chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn, đồng thời, gửi về các đảng bộ thông tin đến cán bộ, đảng viên.

Ở Thị ủy Hoàng Mai, "quy trình" giải quyết các ý kiến, kiến nghị của đảng viên là sau mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Thị ủy giao cho các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã dự sinh hoạt phải có báo cáo bằng văn bản về tình hình chất lượng sinh hoạt chi bộ cùng tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đảng viên nơi mình tham gia sinh hoạt, kể cả chính kiến nghị, đề xuất của mình với vai trò cấp ủy tham dự sinh hoạt. Các báo cáo đó được giao Ban Tổ chức Thị ủy tổng hợp, báo cáo tại cuộc làm việc của Ban Thường vụ Thị ủy hàng tháng.

hoàng mai
Lãnh đạo Ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai thăm hỏi sức khỏe người dân. Ảnh: CSCC

Tiếp đó, Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai có văn bản kết luận giao UBND thị xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của cán bộ, đảng viên và sau mỗi quý phải có kết quả trả lời những nội dung được yêu cầu. Đồng thời, kết luận của Ban Thường vụ Thị ủy về những nội dung phản ánh, kiến nghị của đảng viên cần được xem xét, giải quyết được chuyển tải lên Bản tin nội bộ Thị ủy Hoàng Mai hàng tháng.

Cách làm nói trên của Thị ủy Hoàng Mai, theo đồng chí Hồ Văn Cậy - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy cho biết: Đây là một hình thức công khai, minh bạch, thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe của Ban Thường vụ Thị ủy đối với các ý kiến phản ánh, đề xuất của đảng viên trên địa bàn thị xã. Đồng thời, tạo áp lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc giải quyết trách nhiệm hơn. Thực tiễn, các kiến nghị được Ban Thường vụ Thị ủy giao đều được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, trả lời trách nhiệm, kịp thời.

Hiện nay, mỗi cấp ủy trên địa bàn Nghệ An đang có “quy trình”, cách làm riêng trong giải quyết, trả lời ý kiến của cán bộ, đảng viên qua sinh hoạt chi bộ. Thiết nghĩ, bên cạnh quy định việc phân công cấp ủy dự sinh hoạt chi bộ thì tỉnh cần có quy định, tạo sự thống nhất trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ, đảm bảo việc phân công cấp ủy dự sinh hoạt chi bộ thực sự phát huy hiệu quả cao hơn nữa.

Xây dựng cơ chế giải quyết các kiến nghị từ chi bộ ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO