P.V: Đồng chí có thể cho biết tình hình đoàn viên và các tổ chức đoàn trực thuộc, đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh ở thời điểm hiện tại?
Đồng chí Lê Văn Lương: Hiện nay, Tỉnh đoàn Nghệ An có 35 đầu mối đơn vị Đoàn cấp huyện trực thuộc gồm: 21 đơn vị huyện, thành, thị Đoàn; 9 đơn vị Đoàn các trường đại học, cao đẳng; 3 đơn vị Đoàn Khối lực lượng vũ trang; Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh và Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh.
Toàn tỉnh có 679 Đoàn cơ sở (trong đó có 460 xã, phường, thị trấn), 390 chi đoàn cơ sở và gần 8.000 chi đoàn với gần 150.000 đoàn viên.
Đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, đảm bảo đủ về số lượng, đạt về chất lượng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát danh sách cán bộ đoàn quá tuổi và tham mưu cấp ủy quan tâm bố trí, sắp xếp vị trí phù hợp.
P.V: Việc tập hợp thanh niên đến với tổ chức Đoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Đoàn, vậy theo đồng chí, trong giai đoạn hiện nay nhiệm vụ này có thuận lợi và thách thức gì?
Đồng chí Lê Văn Lương: Bước vào thời kỳ mới khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tuổi trẻ có nhiều tiền đề thuận lợi để phát huy truyền thống tốt đẹp các thế hệ cha anh, vươn lên khẳng định mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với thanh niên Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Đó là những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; những âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lôi kéo, chia rẽ, làm lung lạc niềm tin của thế hệ trẻ, nhằm phá hoại lực lượng kế cận của cách mạng, rường cột của nước nhà.
Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là không có giải pháp. Nếu chúng ta làm tốt các nội dung xây dựng Đoàn thích ứng với sự biến đổi của xã hội thì việc đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động Đoàn sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. Cụ thể, cần làm tốt các nội dung gồm: Xây dựng Đoàn về tư tưởng, chính trị; xây dựng Đoàn về tổ chức; xây dựng Đoàn về hành động.
Xây dựng Đoàn về tư tưởng, chính trị là nhằm xây dựng, củng cố nhận thức, niềm tin của đoàn viên, của thanh niên vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối chính trị của Đảng. Xây dựng Đoàn về tổ chức là xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên của Đoàn. Có thể nói, đây là nội dung trọng tâm, cốt tử nhất của công tác xây dựng Đoàn, bởi lẽ, tổ chức không mạnh thì không thể thực hiện được sứ mệnh là làm tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Còn đối với phong trào hành động là phương thức cơ bản để tổ chức Đoàn thực hiện nhiệm vụ chính trị và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Phong trào hành động còn là phương thức kết nối, tập hợp thanh niên và rèn luyện, giáo dục thanh niên, là nơi củng cố tính kỷ luật, tính cộng đồng, kỹ năng phối hợp, điều hành của tổ chức Đoàn. Có thể nói, phong trào thanh niên là thước đo giá trị, là sức sống, là linh hồn của tổ chức Đoàn. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với tổ chức Đoàn là cần lưu ý, đầu tư về cách thức tổ chức thực hiện để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Tại Nghệ An, thời gian qua việc phát triển tổ chức Đoàn đã xuất hiện một số mô hình, cách làm sáng tạo như: Thành lập các chi đoàn khu chung cư trên địa bàn thành phố Vinh; Mô hình “Bí thư chi đoàn danh dự” với Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn, xóm được lựa chọn dựa trên các tiêu chí phù hợp để đảm nhiệm vai trò Bí thư danh dự của chi đoàn.
Ngoài ra, việc phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quan tâm chú trọng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 10 tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, bình quân mỗi năm từ 8-10 tổ chức.
P.V: Có ý kiến cho rằng, nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn và hoạt động của Đoàn cơ sở chưa hấp dẫn, chưa thực sự thu hút được thanh niên. Đồng chí nghĩ sao về nhận định này và hiện tại đã có giải pháp nào để khắc phục?
Đồng chí Lê Văn Lương: Sinh hoạt chi đoàn là cầu nối đưa các thông tin, quy định của Đoàn, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, là nơi để các đoàn viên, thanh niên có thể giao lưu, chia sẻ và hòa mình vào tổ chức, tập thể.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít cán bộ Đoàn vẫn còn hiểu sai về khái niệm sinh hoạt chi đoàn, tổ chức sinh hoạt chi đoàn. Có những bí thư chi đoàn coi sinh hoạt chi đoàn là buổi quán triệt kế hoạch công tác nên việc tổ chức sinh hoạt mang nặng tính hình thức theo kiểu “họp Đoàn” khô cứng, ít đổi mới, thiếu tính lan tỏa, chưa hấp dẫn và lôi cuốn đoàn viên tham gia.
Nắm bắt được thực trạng này, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy các cấp bộ Đoàn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn theo hướng ngày càng thiết thực, hấp dẫn hơn, gắn với nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng vai trò chủ động, chủ thể của người đoàn viên trong sinh hoạt, hoạt động; biên soạn tài liệu sinh hoạt chi đoàn theo hướng dễ nhìn, dễ hiểu và sinh động.
Các cấp bộ đoàn được khuyến khích tổ chức sinh hoạt với hình thức tập trung nhiều chi đoàn lại, sinh hoạt ngoài trời, các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao trước khi sinh hoạt để tạo không khí sinh hoạt vui tươi, phấn khởi, mang đậm màu sắc của thanh niên. Đã có nhiều đơn vị lựa chọn hình thức sinh hoạt Liên chi đoàn hoặc Đoàn xã tổ chức việc điều hành các buổi sinh hoạt do đồng chí cán bộ Đoàn có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm phụ trách, từ đó đảm bảo được chất lượng cho buổi sinh hoạt.
P.V: Việc phát huy vai trò của Đoàn tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị trong thời gian qua thì thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Văn Lương: Trong những năm qua, xác định được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, tổ chức Đoàn các cấp ban hành các kế hoạch, chương trình, hướng dẫn, cụ thể hóa công tác phát triển Đảng tại địa phương, đơn vị; đưa nội dung công tác phát triển Đảng là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội của nhiệm kỳ và chương trình công tác năm.
Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” được thực hiện hiệu quả. Tính riêng năm 2022, các cấp bộ Đoàn đã giới thiệu 7.340 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó 3.632 đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú.
Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong thời gian qua còn gặp 4 tồn tại, hạn chế căn bản. Thứ nhất, công tác giáo dục tại một số đơn vị chưa được triển khai đồng đều và đến được tất cả các khối đối tượng. Một bộ phận đoàn viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu động cơ phấn đấu vào Đảng. Thứ hai, việc thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên và đánh giá, xếp loại đoàn viên hằng năm tại một số địa phương, đơn vị chưa thực sự được quan tâm, xem đây là giải pháp trọng tâm trong nâng cao chất lượng đoàn viên. Thứ ba, số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng trên tổng số đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng còn thấp. Thứ tư, các quy định, hướng dẫn về tiêu chí, quy trình đánh giá, giới thiệu đoàn viên ưu tú thiếu cụ thể, chưa đồng bộ; quá trình theo dõi, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú sau khi giới thiệu cho Đảng còn chưa thường xuyên, liên tục.
Để khắc phục những hạn chế này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đề nghị các đơn vị quan tâm một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TWĐTN-BTC ngày 21/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn “về tăng cường công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp”. Quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức hoạt động của tổ chức Đoàn; các phong trào, chương trình cần gắn với từng đối tượng cụ thể tạo môi trường, động lực để mỗi đoàn viên rèn luyện, tu dưỡng.
Tiếp theo, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng lý tưởng phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho đoàn viên. Đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với các hoạt động thực tiễn của đoàn viên tại cơ sở. Tăng cường sử dụng hiệu quả các công cụ truyền thông hiện đại, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, các nền tảng số trong công tác tuyên truyền.
Quan trọng hơn, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn trong thực hiện công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Tham mưu cho Đoàn cấp trên thường xuyên làm việc với cấp ủy cùng cấp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nâng cao chất lượng đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú; tránh chạy theo số lượng mà không coi trọng chất lượng.
Cuối cùng, cần phát huy vai trò nêu gương, nhân tố tích cực, tiêu biểu làm hạt nhân nòng cốt để lan tỏa, tạo động lực để mỗi đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi cán bộ Đoàn phấn đấu, rèn luyện tích cực, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.
P.V: Cảm ơn đồng chí!