Xây dựng làng văn hóa tiêu biểu - Cốt ở sức dân
“Làng văn hóa tiêu biểu” là mô hình được xem là do nhân dân làm chủ thể, người dân vừa thực hiện và vừa thụ hưởng. Thế nên, để xây dựng thành công “Làng văn hóa tiêu biểu” cần nhất vẫn là sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết của người dân.
Khi nhân dân đồng lòng
Kể từ năm 2022, từ khi có chủ trương xây dựng xóm 8, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc thành “Làng văn hóa tiêu biểu” cấp tỉnh người dân xóm 8, xã Nghi Lâm đã rất náo nức đóng góp sức người, sức của. Ông Nguyễn Văn Hội - cán bộ chính sách xã Nghi Lâm cho biết: "Chúng tôi phổ biến cho cán bộ xóm và nhân dân ở đây biết rằng, để trở thành "Làng văn hóa tiêu biểu" cần bổ sung thêm một số tiêu chí như hoàn thiện các thể chế nhà văn hóa, sân thể thao… bổ sung các nội dung trong quy ước, hương ước, hay hoàn thiện các mô hình xanh, sạch, đẹp". Các tiêu chí này phần cơ bản đã có ở xóm 8 nhưng nay để hoàn thiện hơn, khang trang hơn thì cần nhất vẫn là sự đóng góp, chung tay đồng lòng của nhân dân.
Ban Cán sự xóm 8 ngay sau đó đã tổ chức họp dân để cùng quyết tâm đưa xóm 8 hoàn thiện đúng với các bảng tiêu chí. Như lắp thêm camera ở các điểm trung tâm xóm, có hố rác công cộng được xử lý đúng quy trình, có thêm đường hoa, cây cảnh và đường cờ đạt chuẩn… Ngoài ra, trong bản quy ước hương ước, xóm cũng bàn bạc với dân cần có chế tài xử phạt những công dân chưa có ý thức trong việc đổ rác, lần thứ nhất sẽ phạt 500 ngàn đồng, lần thứ 2 là 1 triệu đồng.
“Nhân dân biết đây là mức phạt với số tiền không phải là nhỏ nhưng họ rất đồng tình. Họ cho rằng, đã là quy ước thì phải mang tính riêng biệt, phải có sức nặng răn đe”, bà Nguyễn Thị Lâm - xóm trưởng xóm 8 chia sẻ.

Để xây dựng đường cờ hay bổ sung các hạng mục trên sân thể thao, nhà văn hóa, cần một lượng kinh phí không nhỏ. Vì vậy, bài toán nan giải là làm thế nào để huy động sức dân trong khi người dân vừa đóng góp cho việc hoàn thiện nông thôn mới. Thế nhưng, sau khi tuyên truyền, người dân đã cùng quyết tâm sẽ làm bằng được.
“Chúng tôi có một group nhóm những người con làm ăn xa khi huy động kinh phí để thực hiện các công trình của xóm hầu như ai trong nhóm cũng đóng góp. Bên cạnh đó, người dân trong xóm người ít, người nhiều đều tự nguyện ủng hộ phong trào. Vì vậy, tuy không có mạnh thường quân nhưng khối lượng kinh phí mà nhân dân đóng góp được cho mỗi công trình đều đạt được gần như 100%, còn đối với những công trình được Nhà nước hỗ trợ thì người dân cũng đóng góp lên đến từ 50 - 70 %”.
Bà Nguyễn Thị Lâm - xóm trưởng xóm 8, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc

Xóm 8 hiện có 250/267 hộ gia đình văn hóa 3 năm liên tiếp, trong đó, có 7 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu 2 năm liên tiếp. Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục, thể thao của xóm đạt 45%, 50% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đình Dương - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Nghi Lộc cho biết: “Đến nay, huyện Nghi Lộc đã có 15 Làng văn hóa tiêu biểu, tất cả các mô hình này đều đang phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa mà người dân và chính quyền nơi đây dày công vun đắp”.

Đẩy mạnh phong trào thôn, bản văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, những năm qua, huyện Con Cuông đã tập trung xây dựng các bản làng văn hóa ngay tại các điểm du lịch cộng đồng. Trong đó, làng văn hóa bản Nưa là mô hình tiêu biểu. Tại bản Nưa, người dân là chủ thể trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa tại cơ sở và phục vụ tốt các đoàn du lịch. Bí thư Chi bộ bản Nưa - ông Vi Văn Hiền cho biết: "Khi đã đăng ký xây dựng Làng văn hóa tiêu biểu thì người dân cũng tự cam kết với thôn, bản rằng, sẽ phát huy tốt danh hiệu gia đình văn hóa với mốc chỉ tiêu trên 90% và gia đình thể thao mốc chỉ tiêu trên 50%. 90% trở lên người dân trong bản thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản".

Ông Nguyễn Công Hiền - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Con Cuông cho biết: Huyện Con Cuông đang tiến tới xây dựng 4 mô hình Làng văn hóa tiêu biểu, tuy nhiên, để có được mô hình đạt chuẩn cần nhất là sự chung sức của người dân.
Sức dân là linh hồn của mô hình
Để xây dựng Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Trung tâm Văn hóa tỉnh thì: “Khi bộ tiêu chí về mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được Sở Văn hóa ban hành theo Quyết định số 1469/QĐ-SVHTT ngày 24/5/ 2023 của Sở VH-TT (nay là Sở VH-TT&DL), chúng tôi đã cụ thể hóa việc xây dựng làng văn hóa tiêu biểu thành những tiêu chí cụ thể để phù hợp với nhu cầu người dân, và cũng là mô hình để nơi khác học tập”.
Theo bà Huyền, bộ tiêu chí sẽ được cụ thể, như: Trong tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa thì mỗi Làng văn hóa phải bổ sung về quy ước, hương ước cho phù hợp với đời sống hiện đại; xây dựng và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cần xây dựng nhà văn hóa thôn đảm bảo số chỗ ngồi tối thiểu cho 70%, cần có 70% tham gia sinh hoạt trở lên; xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An cần tỷ lệ gia đình văn hóa đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ gia đình thể thao đạt cao hơn mức bình quân chung của tỉnh…
Bên cạnh đó, đối với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp Làng văn hóa tiêu biểu phải có đường hoa, đường cờ, cây xanh đảm bảo ở các trục đường xóm, nhà văn hóa, nơi công cộng; hệ thống tuyên truyền trực quan được lắp đặt đúng quy định, đảm bảo thẩm mỹ; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường…
Từ năm 2001 đến nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng được gần 200 mô hình văn hóa tiêu biểu. Năm 2024, toàn tỉnh có 18 mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó, có 7 mô hình Làng, bản, khối xóm tiêu biểu. Năm nay, trung tâm sẽ xây dựng 8 mô hình làng, bản, khối, xóm tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh.
“Theo quy định được nêu trong Nghị quyết số 20/2022/NQ- HĐND ngày 12/11/2022 về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì mỗi mô hình văn hóa tiêu biểu sẽ được hỗ trợ từ 20 triệu đồng. Từ đó, chính quyền sẽ huy động sự hưởng ứng của nhân dân trong việc hoàn thiện các thiết chế. Tuy nhiên, điều cốt lõi trước nhất là mỗi địa chỉ được rà soát phải có cơ sở là sức dân đủ mạnh, đồng lòng đoàn kết và nhiệt huyết trong thực hiện cũng như thụ hưởng”.
Ông Cao Văn Xích - Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh