Xây dựng Luật theo hướng đảm bảo đời sống tốt nhất cho người dân

11/09/2017 10:53

(Baonghean.vn) - Các đại biểu cho rằng, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản có tác động trực tiếp đến người nông dân nên cần phải nghiên cứu kỹ, xây dựng làm sao đảm bảo đời sống cho người dân một cách tốt nhất.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, đã bổ sung 4 chương. Phạm vi điều chỉnh trong dự Luật được thiết kế theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.

Sáng 11/9, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi). Chủ trì hội nghị là ông Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Góp ý vào dự thảo, ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, lâm nghiệp là ngành tác động trực tiếp đời sống hàng ngày của người dân sống ở miền núi. Đồng thời hàm chứa nhiều yếu tố mang tính tổng thể và cụ thể. Vì thế, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và xác lập một cách nghiêm túc, không theo một ý chí cá nhân nào cả.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị cần quy định cụ thể, thống nhất trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: P.B
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị cần quy định cụ thể, thống nhất trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: P.B

Theo ông Lâm, việc đổi tên từ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp là cần thiết vì nó bao hàm được các lĩnh vực, nội dung liên quan đến ngành kinh tế kỹ thuật này. Cùng đó, cần thống nhất các thuật ngữ, khái niệm trong luật để đồng bộ với các bộ luật khác, đặc biệt là rừng tự nhiên vì có trường hợp người dân tự đầu tư trồng cây trong khu rừng tự nhiên. Về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hiện lực lượng này ở Nghệ An còn mỏng, chế độ thấp, vì thế đề nghị nghiên cứu nâng cao chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vào trong luật.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường góp ý kiến, một số nội dung trong giao đất rừng cho người dân hiện còn nhiều bất cập, nhiều khu vực rừng ở vùng sâu, vùng xa người dân, tổ chức không mặn mà nên rất khó giao. Hơn nữa, kinh phí khoanh nuôi bảo vệ rừng cho người dân còn rất thấp, không tạo được sức thu hút đối với người dân.

“Nếu chỉ khoanh nuôi, bảo vệ thì cần tăng kinh phí cho người dân. Còn nếu vẫn giữ nguyên kinh phí thì cần nghiên cứu cho các đơn vị, cá nhân được giao khoanh nuôi có thể tổ chức khai thác rừng trong quy định vừa bảo vệ được rừng nhưng cũng tạo điều kiện tốt hơn cho cuộc sống người dân”, đại biểu này cho biết.

Cán bộ lâm nghiệp xã dọn, phát quang thực bì rừng thông ở Diễn Phú. Ảnh: Nguyễn Hải
Cán bộ lâm nghiệp xã dọn, phát quang thực bì rừng thông ở Diễn Phú. Ảnh tư liệu

Đại diện Sở Tư pháp nêu ý kiến, đồng ý với việc đổi tên gọi thành Luật Lâm nghiệp để đảm bảo phạm vi điều chỉnh và các nội dung trong luật. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, dự thảo Luật chưa làm rõ được cơ quan nào quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp, còn mơ hồ, thiếu thống nhất.

Về Luật Thủy sản (sửa đổi) có 8 chương, 100 điều, về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, nhưng có giảm 2 chương và tăng 38 điều. Luật quy định về hoạt động thủy sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản, trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản.

Phát biểu tại hội nghị, đa số các ý kiến đều thống nhất với bố cục của dự thảo luật và cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung, điều khoản cho phù hợp. Theo ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản, nên thành lập Chi cục kiểm ngư ở các tỉnh ven biển, địa phương có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đề nghị thành lập Chi cục Kiểm ngư ở các tỉnh ven biển. Ảnh: P.B
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đề nghị thành lập Chi cục Kiểm ngư ở các tỉnh ven biển. Ảnh: P.B

“Một số anh em kiểm ngư ở Chi cục chế độ rất thấp nên không đảm bảo cuộc sống. Như vị trí thuyền trưởng tàu kiểm ngư đã thông báo trên phương tiện truyền thông nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến đăng ký. Nguyên nhân là công việc ở trong môi trường nhiều nguy hiểm nhưng chế độ thì lại quá thấp nên không ai muốn làm”, ông Lương cho biết.

Điều 5 về nguyên tắc hoạt động thủy sản, các đại biểu nhất trí với 4 nguyên tắc như trong dự thảo luật nhưng đề nghị bổ sung thêm 1 nguyên tắc thứ 5 đó là hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Về những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản tại khoản 7, điều 8 có nêu hành vi cấm trong hoạt động thủy sản khi sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác. Theo các đại biểu, việc thể hiện như thế là chưa cụ thể, chưa đầy đủ. Vì trong thực tế có trường hợp tàu thuyền hành nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến, đây là hành vi hoàn toàn sai trái, gây thiệt hại về tài sản, ngư lưới cụ và tính mạng của người khác.

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt tại bến Lạch Quèn xã Tiến Thủy, Lạch Cờn phường Quỳnh Phương để đón tàu thuyền khai thác cá cơm cập bến. Ảnh: Như Thủy
Hoạt động khai thác, thu mua hải sản tại cảng cá Lạch Quèn (xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu

Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp sắp tới./.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Xây dựng Luật theo hướng đảm bảo đời sống tốt nhất cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO