Xây dựng Đảng

Xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” từ một chủ trương của tỉnh Nghệ An

Mai Hoa 30/08/2024 09:31

“Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” được xem là phương châm có tính nguyên tắc của cấp uỷ các cấp, lãnh đạo quản lý và cán bộ công chức viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Phương châm này được thể hiện rõ nét qua chủ trương của tỉnh Nghệ An về việc phân công cơ quan đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An. Từ đây, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, nhiều địa phương đã vươn lên, trở thành điểm sáng ở cơ sở.

 Lãnh đạo Báo Nghệ An trao đổi với lãnh đạo xã Xiêng My (huyện Tương Dương)
Lãnh đạo Báo Nghệ An kiểm tra việc phát triển của vườn cây sau khi hỗ trợ cho đồng bào xã Xiêng My (huyện Tương Dương). Ảnh: PV

Đổi mới phong cách cán bộ, công chức

Được phân công giúp đỡ xã Xiêng My (huyện Tương Dương) từ năm 2011, Đảng uỷ, Ban Biên tập Báo Nghệ An đã cử cán bộ, nhân viên trực tiếp khảo sát điều kiện làm việc của cán bộ, công chức cấp xã và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Cùng với đó là lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của cán bộ, nhân dân để xây dựng kế hoạch và lựa chọn phương án hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả theo từng năm.

Cùng với hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, máy tính, máy photocopy phục vụ in ấn tài liệu cho cán bộ xã, Báo Nghệ An hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho nhà trường, dụng cụ học tập cho học sinh, hỗ trợ làm 16 nhà ở cho người nghèo, tặng quà Tết cho hộ nghèo hàng năm…

 MH
Niềm vui của người dân xã Xiêng My (huyện Tương Dương) khi được nhận bò sinh sản từ Báo Nghệ An. Ảnh: PV

Từ hỗ trợ giống gà, lợn ở năm đầu, quá trình theo dõi, đánh giá, bước sang năm thứ 2 (năm 2012), Báo Nghệ An chuyển sang xây dựng mô hình sinh kế “ngân hàng bò” theo hình thức hỗ trợ hộ nghèo 1 con bò sinh sản, khi bò đẻ, hộ đó được giữ lại con bê, còn bò sinh sản sẽ được tiếp tục trao cho hộ nghèo khác nuôi.

Từ 4 con bò được trao cho 4 hộ nghèo ban đầu và hàng năm Báo Nghệ An bổ sung thêm số lượng bò hỗ trợ, đến nay, ở xã Xiêng My đã có 60 hộ nghèo được nhận hỗ trợ từ “ngân hàng bò” của Báo Nghệ An với tổng đàn bò hiện có hơn 200 con. Có 2/3 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo.

Nhiều hộ đã nhân đàn bò với chục con, từ đó có nguồn kinh phí để làm nhà mới, hoặc sửa sang nhà cửa khang trang như hộ các ông bà: Vi Văn Sơn, Vi Văn Thìn, Lương Văn Khoá, Vi Văn Toà, Vi Thị Chói… ở bản Phẩy.

 Vườn cây của gia đình bà
Vườn cây của gia đình bà Vi Thị Bảy, ở bản Phẩy, xã Xiêng My đã cho quả từ cây giống của Báo Nghệ An hỗ trợ. Ảnh: CSCC

Cách làm của Báo Nghệ An rất sát sao, từ việc tuyển chọn mua giống bò chất lượng đến hỗ trợ kinh phí cho người dân làm chuồng, đặc biệt là phối hợp với cán bộ thú y để theo dõi, hướng dẫn người dân chăm sóc bò phát triển tốt...

Ông Lô Ba Lịch – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Xiêng My

Từ năm 2022 đến nay, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tâm tư của người dân cùng với ý kiến đề xuất của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Báo Nghệ An chuyển hướng hỗ trợ giống cây ăn quả xoài, mít, ổi… với tổng hơn 2.000 cây, nhằm hình thành ý thức cải tạo vườn tạp, tạo thu nhập kinh tế từ vườn nhà, vườn đồi cho đồng bào Xiêng My.

Bên cạnh hỗ trợ 40 hộ dân triển khai mô hình, Báo Nghệ An có chủ trương hỗ trợ 15 cán bộ, đảng viên trồng cây ăn quả để tạo phong trào phát triển kinh tế hộ. Qua hơn 2 năm trồng, đến nay, một số hộ đã có thu hoạch từ cây mít, tạo niềm vui, phấn khởi, động lực cho đồng bào.

Chủ tịch UBND xã Xiêng My cũng cho biết: "Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ xã Xiêng My, địa phương thấy rõ cán bộ, nhân viên Báo Nghệ An thực hiện theo đúng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Đồng thời, từ sự tận tụy, trách nhiệm, sâu sát với công việc, Báo Nghệ An đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở xã, bản thay đổi tác phong làm việc, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương”.

 Mô hình rau hàng hoá của người dân xã Mường Noọc (huyện Quế Phong). Ảnh bài NTM của MH
Mô hình rau hàng hoá của người dân xã Mường Noọc (huyện Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa

Trao “cần câu” cho dân

Các đơn vị của Bộ đội Biên phòng Nghệ An tích cực hỗ trợ các xã biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững theo cách “cầm tay chỉ việc”, xây dựng các mô hình cây – con, hỗ trợ các địa phương củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới. Các đơn vị cũng trăn trở, kết nối với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để tạo nguồn lực đầu tư, hỗ trợ xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) theo phân công của tỉnh.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã hỗ trợ người dân Nhôn Mai thực hiện mô hình chăn nuôi dê với tổng kinh phí 100 triệu đồng; hỗ trợ các hộ dân ngày công làm nhà ở; hỗ trợ địa phương làm cầu; tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn kết giữa Biên phòng với cán bộ, nhân dân địa phương.

MHThông qua %22dân vận khéo%22 cải tạo vươn tạp, trồng cây khoai sọ đeml lại hiệu quả tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong
Mô hình hỗ trợ trồng khoai sọ để cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa

Với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã phối hợp cấp uỷ, chính quyền xã Lượng Minh (Tương Dương), lựa chọn con em các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhà trường hỗ trợ kinh phí học nghề. Đơn vị huy động nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên, sinh viên nhà trường, cùng với kết nối với doanh nghiệp tổ chức các động hỗ trợ, thiện nguyện tại xã nghèo Lượng Minh.

Đồng chí Hồ Văn Đàm – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc chia sẻ: Các cháu được trường hỗ trợ theo học, bên cạnh được chăm lo đầy đủ các điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập, nhà trường còn cử cán bộ, giáo viên theo sát để hướng dẫn các cháu học tập hiệu quả, sinh hoạt lành mạnh. Cùng đó, trường kết nối với các doanh nghiệp tiếp nhận, tạo việc làm sau đào tạo. Từ đó, một số em được hỗ trợ, bây giờ đi làm có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Làm đường giao thông ở xã Hữu Khuông, ảnh
Làm đường giao thông ở xã Hữu Khuông (xã Tương Dương). Ảnh: CSCC

Trách nhiệm và tình cảm

Chủ trương phân công các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ xã nghèo được tỉnh Nghệ An triển khai từ năm 2012 với 82 sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ 86 xã nghèo. Sau đó tăng lên 113 sở, ngành, cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 115 xã và hiện nay có 79 cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ 76 xã đặc biệt khó khăn.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị bằng nội lực và kết nối các nguồn lực, giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo miền Tây với nhiều hoạt động an sinh xã hội, đầu tư phát triển gồm nâng cấp hạ tầng giao thông, trường học, cơ sở y tế, mô hình kinh tế… Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ gần 328 tỷ đồng. Qua hoạt động hỗ trợ xã nghèo đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, chuyên viên, công chức các cơ quan cấp tỉnh với cán bộ và người dân các địa phương.

 Mô hình nuôi cá lồng của HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong).
Mô hình nuôi cá lồng của HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa

Từ sự gắn bó, thấu hiểu những khó khăn của các địa phương, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đang tiếp tục trăn trở tìm hướng giúp đỡ hiệu quả hơn nữa. Đồng chí Ngô Đức Kiên – Bí thư Đảng uỷ, Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho rằng: Các địa phương được nhận giúp đỡ cần chủ động đề xuất các nội dung cần hỗ trợ cụ thể, bởi không ai thấu hiểu địa phương và nhu cầu của người dân hơn cấp uỷ, chính quyền các cơ sở. Cùng đó, cần xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để có sự tác động, giúp đỡ rõ nét từ phía các sở, ngành, cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Văn Nam – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho rằng: Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cần phối hợp với các địa phương cùng nghiên cứu, quyết tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế bền vững. Còn đồng chí Cao Trường Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh nêu ý kiến: Cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ về hạ tầng giao thông, lưới điện và xây dựng chợ truyền thống. Những lĩnh vực này sẽ thúc đẩy giao thương buôn bán, giúp đồng bào có động lực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

 Lãnh đạo huyện Tương Dương tổ chức gặp mặt
Lãnh đạo huyện Tương Dương tổ chức gặp mặt các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được phân công giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn huyện nhằm trao đổi, tìm hướng hỗ trợ mang tính bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả ở từng cơ sở và chung của huyện. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Lê Văn Lương – Bí thư Huyện uỷ Tương Dương đề xuất: Rất mong muốn tỉnh và các sở, ngành, đơn vị quan tâm hỗ trợ huyện và các xã, bản đổi mới tư duy, cách làm. Cùng đó, tạo cơ chế đặc thù cho Tương Dương, nhất là trong quá trình triển khai Nghị quyết số 137 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, để địa phương có nguồn lực đầu tư các công trình, dự án mang tính đột phá.

Tại cuộc gặp mặt giữa huyện Tương Dương với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị được tỉnh phân công hỗ trợ, giúp đỡ 12 xã nghèo của huyện (ngày 16/8/2024), đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tiếp tục bền bỉ giúp đỡ các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn với cách thức, phương pháp hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm; hỗ trợ các điều kiện về vốn, về kiến thức cho các hộ nghèo, hộ khó khăn có những sinh kế bền vững. Cùng đó, hỗ trợ nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở… Quá trình đó, phát huy cao hơn nữa nội lực, ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương.

Xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” từ một chủ trương của tỉnh Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO