Pháp luật

Xét xử lưu động trực tuyến - bước đổi mới trong tuyên truyền pháp luật tại Nghệ An

Đặng Cường 26/01/2025 08:38

Việc tổ chức các phiên tòa lưu động trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của công tác tuyên truyền pháp luật, mang đến cơ hội tiếp cận thông tin pháp lý cho đông đảo người dân qua các nền tảng trực tuyến. Đây là một sáng kiến mang tính đổi mới trong tuyên truyền pháp luật, được Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An áp dụng thời gian qua.

Phiên tòa kết nối 6 huyện

Phiên tòa xét xử lưu động trực tuyến của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn diễn ra trang nghiêm, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương. Mọi diễn biến của phiên tòa tại xã Long Sơn được truyền trực tuyến đến 89/98 điểm cầu UBND cấp xã của 6 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn. Đây là một hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao nhận thức cộng đồng về công lý.

1.ảnh pv
Phiên tòa xét xử lưu động trực tuyến của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: P.V

Vụ án đầu tiên liên quan đến bị cáo Nguyễn Văn Hùng (SN 1995), trú huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã bị bắt quả tang khi vận chuyển hơn 3,8 kg ma túy đá. Vào khoảng 8h sáng 26/4/2023, Hùng nhận lời một người đàn ông mang Quốc tịch Lào để vận chuyển ma túy từ khu vực đường mòn Hồ Chí Minh, huyện Thanh Chương về tiêu thụ. Sau khi nhận ma túy vào buổi chiều, Hùng tiếp tục vận chuyển và đến 15h15' cùng ngày, khi đang di chuyển qua địa phận xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương) thì bị Công an TP. Vinh phát hiện và bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Hùng khai nhận hành vi phạm tội. Sau khi xem xét các tình tiết, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Văn Hùng mức án tử hình.

Vụ án thứ hai liên quan đến hành vi buôn bán người của các bị cáo Lô Thị Ỏn, Vi Thị Viên, Kha Văn Ngọc và Lô Thị Thuyên. Năm 2014, Lô Thị Ỏn cùng đồng bọn đã lừa bán chị Hung Thị Ùa (SN 1988, trú xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) sang Trung Quốc. Sau khi vượt biên trái phép, Hung Thị Ùa bị bán cho 1 người phụ nữ Trung Quốc, và nhóm bị cáo nhận được 90 triệu đồng từ việc này.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, chị Ùa được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam và chị làm đơn tố cáo các đối tượng. Sau khi sự việc bị phanh phui, các bị cáo đã ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án: Bị cáo Lô Thị Ỏn 4 năm tù, các bị cáo còn lại mỗi người 3 năm tù về tội “Mua bán người”; đồng thời, tòa yêu cầu các bị cáo bồi thường cho người bị hại theo thỏa thuận giữa các gia đình.

2.ảnh pv
Người dân tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn theo dõi phiên tòa được truyền từ xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: P.V

Anh Nguyễn Văn Hải - một người dân ở xã Long Sơn chia sẻ: "Không chỉ tôi và người dân trên địa bàn xã được theo dõi phiên tòa, mà với hình thức lưu động trực tuyến, người nhà tôi ở tận huyện Kỳ Sơn cũng được theo dõi trực tiếp phiên tòa này. Trước đây, tôi cũng như người nhà chỉ biết về các phiên tòa qua lời kể, nhưng giờ đây, có thể tận mắt chứng kiến quy trình xét xử và cảm nhận rõ ràng sự công minh của pháp luật. Việc tham gia phiên tòa giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận thông tin pháp lý ngay tại địa phương mà không phải di chuyển xa xôi".

Đây là lần thứ hai Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện hình thức xét xử này. Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức xét xử lưu động trực tuyến tại 1 điểm cầu khác, truyền đến 21 điểm cầu UBND xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Xây dựng tòa án điện tử minh bạch, hiện đại

Mục tiêu của việc tổ chức phiên tòa lưu động trực tuyến không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng phạm vi tuyên truyền pháp luật đến đông đảo người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, qua các nền tảng mạng Internet.
Hình thức này giúp nâng cao nhận thức pháp lý, khuyến khích người dân tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, mua bán người…

Ông Trần Ngọc Sơn – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An

Để triển khai phiên tòa lưu động trực tuyến, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, UBND các xã tổ chức kết nối trực tuyến, thông báo đường link của phiên tòa đến các điểm cầu tại các địa phương, đồng thời, thông tin đến người dân để tham gia và theo dõi.

Đặc biệt, Tòa án nhân dân các huyện cũng đóng vai trò hỗ trợ các điểm cầu trong việc kết nối trực tuyến, đảm bảo chất lượng đường truyền internet, hệ thống âm thanh và hình ảnh tại các điểm cầu. Điều này giúp bảo đảm sự mạch lạc và minh bạch của phiên tòa trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận và theo dõi toàn bộ quá trình xét xử.

12.ảnh pv
Phiên tòa đầu tiên xét xử tội phạm liên quan đến pháo nổ được xét xử bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trung tâm TAND tỉnh Nghệ An đến 20 huyện, thành phố, thị xã và 412 điểm cầu cấp xã trong toàn tỉnh vào ngày 21/1/2025. Ảnh: Trần Vũ

Cũng theo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An: Hiện Tòa án nhân dân tỉnh đã tổng hợp, đánh giá kết quả và đề xuất Tòa án nhân dân tối cao phương án “Thí điểm không tổ chức xét xử lưu động trực tiếp”, mà thay vào đó là tổ chức các phiên tòa tại tòa án cấp tỉnh hoặc cấp huyện, truyền hình trực tuyến đến tất cả các điểm cầu UBND cấp xã trong tỉnh.

Mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả tuyên truyền về các loại tội phạm mà còn góp phần cải thiện chất lượng xét xử, thúc đẩy công tác chuyển đổi số và xây dựng một tòa án điện tử minh bạch, hiện đại. Đồng thời, phối hợp với UBND các cấp, các tổ chức, đoàn thể tổ chức các phiên tòa trực tuyến theo các chuyên đề tuyên truyền, không chỉ các vụ án hình sự mà các loại án khác.

Mới nhất

x
Xét xử lưu động trực tuyến - bước đổi mới trong tuyên truyền pháp luật tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO