P.V: Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng có giá trị lịch sử sâu sắc. Phong trào này có những đặc điểm riêng gì và giá trị to lớn nhất mà phong trào đem lại đối với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như các giai đoạn cách mạng sau này của Việt Nam?
Bà Lê Thu Hiền: Năm 1930, ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng rộng lớn trên cả nước mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Xô viết Nghệ Tĩnh là sự kiện trọng đại, là mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, các tầng lớp nhân dân Nghệ Tĩnh, chủ yếu là công nhân và nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên đấu tranh chống lại ách cai trị của thực dân, phong kiến, làm cho bộ máy cai trị của chúng lung lay, tê liệt và lập nên chính quyền Xô viết – mô hình nhà nước công – nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Xô viết Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, để lại dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công nông đầu tiên chưa từng có trong lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân nô lệ.
Giá trị to lớn nhất mà Xô viết Nghệ Tĩnh để lại cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như cách mạng Việt Nam, đó là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản; khẳng định sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân có khả năng đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến tay sai.
Xô viết Nghệ Tĩnh chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, bởi vì qua phong trào này, các vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách. Đảng đã xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc, làm cho họ thấy được sức mạnh trong sự nghiệp cách mạng; đào tạo được đội ngũ cán bộ vững vàng qua thử thách ác liệt, sẵn sàng sống mái với kẻ thù.
Chúng ta có thể khẳng định ý nghĩa của Xô viết Nghệ Tĩnh qua lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”.
P.V: Kho lưu trữ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi gửi gắm niềm tin trong việc tìm kiếm thông tin của biết bao gia đình là thân nhân của những người có công với cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bà hãy chia sẻ một số câu chuyện đặc biệt liên quan đến nội dung này?
Bà Lê Thu Hiền: Chúng tôi rất vui mừng vì kho lưu trữ của Bảo tàng đã đón tiếp, phục vụ rất nhiều người đến tìm thông tin, tài liệu về thân nhân của mình hoạt động trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh bị địch bắt, tù đày. Giấy xác nhận của Bảo tàng là một trong những tài liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng theo Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương.
Trong những lần cung cấp hồ sơ xác nhận này, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp đặc biệt với những câu chuyện vô cùng cảm động. Có thể kể đến câu chuyện về ông Trần Tuyển, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đến kho lưu trữ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với mong muốn tìm thông tin về người cha đã từng tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày. Dưới sự tận tình của các cán bộ bảo tàng, thật may mắn vì trong số hơn 6.000 hồ sơ thì hồ sơ của cụ có kèm theo ảnh. Khi nhận được những tư liệu này, ôm lấy ảnh cha, ông Trần Tuyển vừa khóc, vừa xúc động nói: “Anh chị em chúng tôi, có người đã ngoài 70 tuổi giờ mới biết mặt cha, cảm ơn Bảo tàng đã cho tôi thấy mặt cha mình”.
Một câu chuyện khác đó là ông Đậu Công Dần quê ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu. Ông đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với một hy vọng mong manh là tìm được thông tin về cha của mình là ông Đậu Dụ. Trong suốt thời kỳ cách mạng và cả giai đoạn sau này, gia đình ông Đậu Dụ và con cháu đều bị xem là thành phần địa chủ cường hào. Ông Đậu Dụ bị oan sai nhưng con cháu không biết tìm thông tin ở đâu để chứng minh. Lúc nhận được kết quả của cán bộ Bảo tàng rằng đã tìm được hồ sơ của cha mình, ông Dần không sao cầm được nước mắt. Từ hồ sơ lưu trữ của Bảo tàng, ông Dần mới biết rõ hoạt động của cha mình. Những năm 1928-1929, ông Đậu Dụ tích cực hoạt động cách mạng ở xã Diễn Phong. Ông bị mật thám Pháp ráo riết theo dõi, phải đổi tên thành Đậu Giá để tiếp tục hoạt động. Ông được tổ chức Đảng phân công hoạt động ở nhiều nơi, từ huyện Diễn Châu cho đến Đô Lương, trong đó có cả việc phải tranh chức làm Bang Tá tổng Lý Trai huyện Diễn Châu để che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động. Chỉ khi tìm được hồ sơ tại Bảo tàng, ông Đậu Dụ mới được minh oan và được công nhận là người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945. Và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện xúc động khác liên quan đến những cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa khác đã và đang được Bảo tàng lưu giữ hồ sơ, tư liệu…
P.V: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là sưu tầm tài liệu hiện vật. Với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, công tác này có những khó khăn, thuận lợi gì khi các sự kiện, nhân chứng đã diễn ra gần 1 thế kỷ. Bà hãy chia sẻ một vài hiện vật ý nghĩa mà các cán bộ, nhân viên bảo tàng đã sưu tầm được trong thời gian vừa qua?
Bà Lê Thu Hiền: Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của bảo tàng. Không có hiện vật bảo tàng sẽ không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Do đó, sưu tầm hiện vật là công tác nghiệp vụ cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của bảo tàng. Sưu tầm hiện vật vừa là khâu tiền đề, vừa là khâu xuyên suốt cho toàn bộ hoạt động của bảo tàng, gắn liền với các hoạt động nghiệp vụ khác tạo thành một thể thống nhất đối với hoạt động bảo tàng.
Đối với hoạt động sưu tầm của đơn vị, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Đảng ủy, UBND các địa phương khi cắt cử cán bộ đưa đoàn sưu tầm đến từng gia đình của các đồng chí đảng viên – liệt sĩ 1930-1931. Thân nhân gia đình các đồng chí cũng rất hợp tác cung cấp thông tin cho đoàn sưu tầm. Tuy nhiên hiện nay, công tác sưu tầm đang phải đối diện với những khó khăn nhất định. Thứ nhất, những nhân chứng lịch sử tham gia trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã không còn, chỉ còn lại thế hệ con cháu nên nhiều khi sự hiểu biết về các mẩu chuyện, sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động của các cụ không có nhiều. Thứ hai là sự mất mát, hư hỏng hiện vật do tác động của các yếu tố khách quan như thiên tai, lũ lụt, thời gian… Thứ ba là quá trình đô thị hóa, phong tục tập quán địa phương, sự thâm nhập của các nhà sưu tập tư nhân… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của hiện vật.
Mặc dù vậy, cán bộ sưu tầm bảo tàng với trách nhiệm và nhiệt huyết cũng đã rất cố gắng dành nhiều thời gian để điền dã, đến tận nhà của từng thân nhân các đồng chí đảng viên – liệt sĩ 1930-1931 để có thể sưu tầm những mẩu chuyện kể, những tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh về lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị giáo dục.
Trong những chuyến sưu tầm điền dã, chúng tôi đã tiếp cận được rất nhiều hiện vật, các mẩu chuyện ý nghĩa. Trong chuyến sưu tầm vào tháng 6/2020, chúng tôi đã tiếp cận với ông Nguyễn Xuân Chiên, cháu nội đồng chí Nguyễn Xuân Hiên ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành và sưu tầm được hiện vật là chiếc valy mây. Những năm 1930, ông Nguyễn Xuân Hiên tham gia phong trào đấu tranh tại Yên Thành bị địch bắt, đày vào giam ở Nhà lao Buôn Ma Thuột. Trong lao tù, dù bị tra tấn, đánh đập, xiềng xích nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết, tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không khuất phục trước kẻ thù. Để cải thiện đời sống trong tù, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên đã sử dụng đôi tay khéo léo của mình tạo ra được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt. Valy mây là một trong những vật dụng được đồng chí làm trong thời gian bị giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột và đã gắn bó suốt cuộc đời đồng chí.
Trước đó, năm 2018, một dịp tình cờ chúng tôi nhận được thông tin về hiện vật của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng. Sau đó, bảo tàng đã cử đoàn cán bộ sưu tầm về thôn Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, quê ngoại của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Tại đây, đoàn đã gặp gia đình cụ Đào Cương là hàng xóm của gia đình bà Đậu Thị Thư (mẹ đồng chí Minh Khai). Sau nhiều chuyến đi lại, thuyết phục, đoàn đã sưu tầm thành công chiếc gương gỗ của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sử dụng trong thời gian ở quê ngoại xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ. Đây là một hiện vật quý chúng tôi dự kiến sẽ đưa ra trưng bày trong đợt chỉnh lý nhà trưng bày sắp tới.
P.V: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là 1 trong 3 bảo tàng ra đời đầu tiên trên cả nước và vinh dự được Bác Hồ ký lời đề tựa. Việc đưa bảo tàng đi vào hoạt động có ý nghĩa gì trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của Xô viết Nghệ Tĩnh và công tác tuyên truyền được triển khai như thế nào để nơi đây thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng?
Bà Lê Thu Hiền: Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ và phát huy những giá trị của Xô viết Nghệ Tĩnh cũng như để ghi nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, tháng 1/1960, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định thành lập Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trên chính mảnh đất đã diễn ra sự kiện này. Đây là 1 trong 3 bảo tàng ra đời sớm nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Sau 3 năm xây dựng, ngày 12/9/1963, Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan và mấy tháng sau, đúng vào dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lời đề tựa cho Bảo tàng. Điều đó đã nói lên tầm vóc và ý nghĩa của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đối với sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự ra đời của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong bối cảnh lúc bấy giờ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những giá trị của di sản Xô viết Nghệ Tĩnh, giúp công chúng hiểu thêm về một giai đoạn cách mạng hào hùng của cha ông những ngày đầu có Đảng.
Trong những năm gần đây, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục để nơi đây là địa chỉ đỏ, lan tỏa sâu rộng hơn nữa truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài việc nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, phục vụ khách tham quan, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động như đi trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa, nói chuyện chuyên đề ở các địa phương, trường học trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm cho đối tượng học sinh phổ thông tại bảo tàng. Các hoạt động này được đánh giá là rất phù hợp với chương trình giáo dục của ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Văn hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như trang website đang có 6,6 triệu lượt truy cập, trang fanpage có trên 3 nghìn người theo dõi; tuyên truyền trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương…
P.V: Xin cảm ơn bà đã tham gia trò chuyện!