Xu hướng tắt sóng 2G và 3G để thúc đẩy phát triển 4G và 5G trên thế giới

Phan Văn Hòa 20/10/2022 17:14

(Baonghean.vn) - Theo số liệu công bố của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 6 năm 2022, trên toàn thế giới đã có 135 nhà khai thác di động tại 68 quốc gia/vùng lãnh thổ đã hoàn thành hoặc đã lên kế hoạch hoặc đang tiến hành tắt sóng 2G và 3G.

135 nhà khai thác di động trên toàn thế giới đã và đang thực hiện tắt sóng 2G và 3G

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự với điện thoại thông minh cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ dữ liệu di động đã làm cho công nghệ 2G và 3G mất dần vị trí quan trọng của nó. Do đó, nhiều nhà khai thác di động và các cơ quan quản lý viễn thông các nước đã và đang lên kế hoạch tắt sóng các mạng di động 2G và 3G nhằm giảm chi phí vận hành mạng cũng như tái sử dụng phổ tần số 2G và 3G cho các mạng 4G và 5G.

Theo báo cáo phát hành vào tháng 7/2022 của GSA về tình hình tắt sóng 2G và 3G của các nhà khai thác di động trên thế giới cho thấy, tính đến cuối tháng 6 năm 2022, GSA đã xác định được 135 nhà khai thác đã hoàn thành, hoặc đã lên kế hoạch hoặc đang tiến hành tắt sóng 2G và 3G tại 68 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó:

Ảnh minh họa.

75 nhà khai thác di động tại 42 quốc gia/vùng lãnh thổ đã hoàn thành hoặc đã lên kế hoạch tắt sóng 2G; trong số đó, có 23 nhà khai thác di động tại 14 quốc gia/vùng lãnh thổ đã hoàn thành việc tắt sóng 2G và 52 nhà khai thác di động tại 32 quốc gia/vùng lãnh thổ đã lên kế hoạch tắt sóng 2G.

75 nhà khai thác di động tại 40 quốc gia/vùng lãnh thổ đã hoàn thành, hoặc đã lên kế hoạch hoặc đang trong quá trình tắt sóng 3G; trong số đó, có 26 nhà khai thác di động tại 15 quốc gia/vùng lãnh thổ đã hoàn thành việc tắt sóng 3G; 44 nhà khai thác di động tại 30 quốc gia đã lên kế hoạch tắt sóng 3G và 5 nhà khai thác di động tại 5 quốc gia/vùng lãnh thổ đang tiến hành tắt sóng 3G.

Châu Âu là khu vực có nhiều nhà khai thác di động đã và đang tắt sóng 2G và 3G nhất trên thế giới

Xét theo từng khu vực thì châu Âu là khu vực có số mạng 2G và 3G đã tắt sóng hoặc đang lên kế hoạch hoặc đang tiến hành tắt sóng nhiều nhất với 96 mạng (chiếm 63%), trong đó mạng 3G đang được nhiều quốc gia châu Âu ưu tiên tắt sóng trước các mạng 2G.

Chẳng hạn, tại Hà Lan, nhà mạng Vodafone và KPN đã lần lượt tắt sóng 3G vào tháng 2/2020 và tháng 4/2022; tại Ý, nhà mạng Vodafone đã tắt sóng 3G vào tháng 2/2021; tại Na Uy cả 3 nhà mạng Telia, Network Norway và Telenor đều đã tắt sóng 3G vào năm 2021; tại Rumani, nhà mạng Telekom đã tắt sóng 3G vào tháng 7/2022; tại Slovenia, nhà mạng Telekom đã tắt trong vào tháng 9/2022; tại Đức, nhà mạng Deutsche Telekom và Vodafone đã tắt sóng 3G vào tháng 6/2021, trong khi nhà mạng Telefónica / O2 sẽ tắt sóng 3G vào cuối năm 2022; một số nhà mạng như TDC của Đan Mạch, Vodafone và Wind của Hy Lạp đều đã có kế hoạch vào cuối tháng 12/2022. Các nhà mạng còn lại chủ yếu đều lên kế hoạch tắt sóng 3G trong giai đoạn 2023 - 2025.

Đối với mạng 2G thì các nhà mạng ở khu vực châu Âu chủ yếu đưa ra lộ trình tắt sóng trong giai đoạn 2025-2030, chỉ một số rất ít nhà mạng đã và đang tiến hành tắt sóng 2G như Swisscom của Thụy Sỹ (12/2020), Hutchinson 3G của Ai-len (12/2021), nhà mạng Sunrise của Thụy Sỹ (12/2022).

Tiếp theo sau châu Âu là khu vực châu Á, nơi quá trình tắt sóng 2G và 3G cũng đang diễn ra khá sôi nổi, với 31 mạng, chiếm 21% các nhà mạng đã, đang và có kế hoạch tắt sóng 2G và 3G trên thế giới. Trái ngược với khu vực châu Âu thì các quốc gia ở khu vực châu Á có xu hướng tắt sóng 2G trước các mạng 3G. Trong đó Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc tắt sóng 2G khi cả 3 nhà mạng lớn của nước này bao gồm NTT DoCoMo, KDD và SoftBank đều đã tắt sóng 2G vào năm 2011 và 2012.

Một số quốc gia/vùng lãnh thổ điển hình khác trong khu vực đã thực hiện tắt sóng 2G như Đài Loan, khi cả 3 nhà mạng lớn của nước này bao gồm Chunghwa Telecom, Taiwan Mobile và Far EasTone đều đã ngừng các dịch vụ trên mạng 2G vào năm 2017 ngoại trừ các cuộc gọi khẩn cấp. Đài Loan đã ngừng dịch vụ 2G khi họ còn có 90.000 thuê bao, tương đương với 0,3% tổng số thuê bao di động của cả nước.

Thái Lan cũng đã tắt sóng 2G vào năm 2019 khi số thuê bao 2G của 3 nhà mạng AIS, DTAC và TOT còn 1,3 triệu, tương đương với 1,4% tổng số thuê bao di động của nước này.

Singapore cũng là một trong những quốc gia tắt sóng 2G sớm trong khu vực khi cả 3 nhà mạng M1, Singtel và StarHub đều ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng 2G vào năm 2017. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, LG Uplus là nhà mạng cuối cùng tắt sóng 2G vào tháng 6/2021, trước đó các nhà mạng KT Telecom và SK Telecom đã lần lượt tắt sóng 2G vào năm 2012 và 2020.

Một số vùng lãnh thổ khác như Ma Cao và Hồng Kông cũng đã ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng 2G trên phạm vi toàn lãnh thổ vào các năm 2015 và 2022. Tuy nhiên, bên cạnh các quốc gia đã hoàn thành tắt sóng 2G thì nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực để thực hiện nhưng cũng đang vấp phải nhiều khó khăn. Chẳng hạn như Trung Quốc, một trong những quốc gia có số thuê bao di động 5G đang phát triển nhanh nhất trên thế giới nhưng cũng đang phải vật lộn để thực hiện tắt sóng 2G do số thuê bao di động 2G và thiết bị Internet vạn vật (IoT) sử dụng mạng 2G còn khá lớn.

Ba nhà khai thác di động lớn của Trung Quốc bao gồm China Unicom, China Mobile và China Telecom đang có cách tiếp cận về việc tắt sóng 2G và 3G hơi khác nhau. Bên cạnh những nỗ lực của China Unicom trong việc tắt sóng 2G thì China Mobile đang cố gắng loại bỏ mạng TD-SCDMA và giữ lại mạng 2G của mình, trong khi China Telecom đang đặt mục tiêu tắt sóng cả 2G và 3G vào khoảng năm 2025.

Hiện tại, lộ trình tắt sóng 3G ở khu vực châu Á cũng đang được một số quốc gia xem xét. Chẳng hạn như Indonesia đang đặt mục tiêu sớm ngừng hoạt động mạng 3G để tập trung nguồn lực vào phát triển vùng phủ sóng 4G và 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia đã kêu gọi các nhà khai thác tắt sóng 3G trước. Việc tắt sóng 3G được ưu tiên hơn so với việc tắt sóng 2G vì 3G sẽ được thay thế bằng 4G và 5G hiệu quả hơn, trong khi 2G chủ yếu được sử dụng cho liên lạc thoại.

Trong năm 2022, nhà mạng Telkomsel của Indonesia đã bắt đầu ngừng hoạt động mạng 3G ở phía Đông thủ đô Jakarta, sau khi mở rộng mạng 4G ở khu vực này, cũng như các khu vực khác của Jakarta. Để hỗ trợ việc tắt sóng này và cho phép khách hàng chuyển đổi ngay lập tức sang dịch vụ 4G, nhà mạng đã hợp tác với các nhà cung cấp để tung ra các sản phẩm 4G với giá cả phải chăng.

Tương tự, vào tháng 6 vừa qua, nhà mạng Airtel Lanka của Indonesia cũng đã bắt đầu quá trình ngừng hoạt động mạng 3G để giải phóng phổ tần cho việc sử dụng 4G. Nhà mạng Airtel Lanka sẽ có 15 tháng để thực hiện quá trình chuyển đổi này và chuyển đổi khách hàng từ 3G sang 4G theo quy định của chính quyền địa phương.

Tại Malaysia, kế hoạch tắt sóng các mạng 3G cũng đang được các nhà mạng tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay theo kế hoạch của Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia. Do một số khu vực của Malaysia đang phải đối mặt với tình trạng mạng 4G phủ sóng kém hoặc thậm chí chưa được phủ sóng nên các nhà khai thác di động của nước này đang đẩy nhanh việc phủ sóng mạng 4G để đáp ứng thời gian ​​tắt 3G theo dự kiến.

Tại Ấn Độ, các nhà mạng di động của nước này đã tiến hành tắt sóng 3G trước 2G, theo đó các nhà mạng Airtel và IDEA India đã tắt sóng 3G vào năm 2020, còn nhà mạng Vodafone dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Theo số liệu của GSA, khu vực Bắc Mỹ chỉ có 8 mạng, chiếm 5% số các nhà mạng đã và đang có kế hoạch tắt sóng 2G và 3G trên thế giới mà điển hình là Hoa Kỳ và Canada. Theo đó, tại Hoa Kỳ các nhà mạng lớn như AT&T, Verizon và Sprint đều đã tắt sóng 2G, trong khi nhà mạng T-Mobile dự kiến sẽ tắt sóng 2G vào tháng 12/2022. Mạng 3G cũng đã được các nhà mạng Hoa Kỳ thực hiện tắt sóng như T-Mobile (10/2021), AT&T (2/2022), Sprint (5/2022). Tương tự tại Canada, các nhà mạng lớn của nước này cũng đã tắt sóng 2G như Bell Mobility, Telus Mobility và Rogers Wireless.

Các khu vực còn lại của thế giới như Trung Đông và Châu Phi, chỉ có 8 mạng, chiếm 5% các nhà mạng đã và đang có kế hoạch tắt sóng 2G và 3G trên thế giới, trong khi Châu Đại Dương chỉ có 7 mạng và châu Mỹ - Latin và Caribe chỉ có 2 mạng.

Các quốc gia trên thế giới đang có cách tiếp cận khác nhau trong việc tắt sóng 2G và 3G

Trên thế giới, các quốc gia đang có những cách tiếp cận khác nhau về việc tắt sóng 2G và 3G, trong khi đa số các quốc gia ở khu vực châu Âu đang có xu hướng tắt sóng 3G trước 2G thì ngược lại ở khu vực châu Á, các quốc gia ở đây lại có xu hướng tắt sóng 2G trước 3G. Trong khi đó ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, nơi mà mức sống của người dân còn thấp, giá các thiết bị 4G còn khá đắt đỏ so với mức sống của người dân ở đây thì mạng 2G vẫn tiếp tục được duy trì để phục vụ cho các kết nối cơ bản như thoại và nhắn tin.

Việc tắt sóng 2G và 3G sẽ cho phép các nhà khai thác di động giảm bớt gánh nặng chi phí vận hành công nghệ cũ, tối ưu hóa việc quản lý mạng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho việc áp dụng 4G và 5G ngày càng tăng đồng thời có cơ hội chuyển dịch các dịch vụ viễn thông truyền thống lên nền tảng dữ liệu. Mặt khác, phổ tần số được sử dụng cho 2G và 3G sẽ được tái sử dụng cho các mạng 4G và 5G nhằm nâng cao dung lượng và vùng phủ sóng tổng thể của mạng 4G và 5G, tạo ra cho người dùng những trải nghiệm nâng cao và mở ra một thế hệ kết nối di động mới.

Theo nhận định của GSA, tốc độ tắt sóng mạng 2G và 3G đang có xu hướng sẽ tăng lên trong những năm tới, với nhiều nhà khai thác di động trên toàn cầu có kế hoạch tắt sóng các mạng này. Số lượng thiết bị 4G và 5G cũng như việc áp dụng các công nghệ mới hơn ngày càng tăng lên, khiến tốc độ chấp nhận và sử dụng mạng 2G và 3G chậm lại, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu của các nhà khai thác và quốc gia trong việc giải phóng phổ tần số đang sử dụng cho mạng 2G và 3G để tái sử dụng cho các mạng 4G và 5G.

Và bài học cho việc tắt sóng 2G ở Việt Nam

Việc chọn thời điểm tắt sóng 2G là rất quan trọng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Nếu tắt sóng 2G quá sớm, khi số lượng thuê bao còn quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng nhưng nếu tắt sóng quá muộn thì bên cạnh tạo nên gánh nặng chi phí vận hành mạng, kìm hãm sự phát triển các công nghệ di động mới như 4G và 5G của các doanh nghiệp viễn thông nó còn gây lãng phí nguồn tài nguyên phổ tần số của quốc gia.

Theo đó, phía cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra lộ trình cụ thể cho việc tắt sóng 2G, cũng như xây dựng chính sách quy hoạch băng tần sau khi tắt sóng 2G đồng thời bố trí nguồn tài chính để hỗ trợ khách hàng khi chuyển đổi thiết bị. Về phía doanh nghiệp viễn thông cần có chính sách khuyến khích khách hàng đang sử dụng mạng 2G chuyển đổi sang sử dụng mạng 4G hoặc 5G bằng cách tặng điện thoại thông minh miễn phí và/hoặc cung cấp các gói cước dữ liệu giá rẻ cho các thuê bao 2G khi họ chuyển đổi và tăng cường mở rộng vùng phủ sóng các công nghệ mới để đảm bảo khách hàng ở các vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với sóng di động 4G hoặc 5G.

Số mạng 2G và 3G đã tắt sóng hoặc đã lên kế hoạch hoặc đang tiến hành tắt sóng theo từng khu vực. Ảnh: GSA

Việc tắt sóng 2G sẽ tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng nước, không có một số liệu thống nhất về số thuê bao 2G còn lại bao nhiêu phần trăm để thực hiện việc tắt sóng là phù hợp, chẳng hạn Đài Loan thực hiện tắt sóng 2G khi số thuê bao 2G chiếm 0,3% tổng số thuê bao di động của cả nước (khoảng 90.000 thuê bao), trong khi Thái Lan thực hiện tắt sóng 2G khi số thuê bao 2G chiếm 1,4% tổng số thuê bao di động của cả nước (khoảng 1,3 triệu thuê bao).

Ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu đến tháng 12/2022 chỉ còn khoảng 5% người dân dùng điện thoại 2G, tức còn khoảng 6 triệu thuê bao 2G trên tổng số thuê bao di động của cả nước. Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị khối Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Viễn thông cho biết, dự kiến lịch trình tắt sóng sẽ từ 01/01/2023 tại một số khu vực phù hợp, đến tháng 9/2024 sẽ chính thức tắt sóng toàn quốc.

Thời điểm chính thức tắt sóng toàn quốc vào tháng 9/2024 được xem là thời điểm phù hợp khi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép sử dụng tần số của các nhà mạng di động hết hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không gia hạn giấy phép cho công nghệ 2G/3G. Do đó, việc chuyển đổi sang công nghệ và thiết bị mới, dừng công nghệ cũ sẽ được triển khai quyết liệt trong giai đoạn tới.

Mới nhất
x
Xu hướng tắt sóng 2G và 3G để thúc đẩy phát triển 4G và 5G trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO