Xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn lực kinh tế

07/04/2016 23:31

Nợ xấu không chỉ làm ứ đọng một lượng vốn khổng lồ của các ngân hàng thương mại (NHTM) mà còn làm đông kết khối tài sản đảm bảo có giá trị lớn tương đương với vốn đó. Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý một cách triệt để, chừng đó nguồn lực tài chính của nền kinh tế còn bị “ách tắc”. Vì thế, việc xử lý triệt để nợ xấu là biện pháp quan trọng nhất để khơi thông nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietinbank Chi  nhánh Nghệ An.  Ảnh: Hoàng Vĩnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Xã hội hóa xử lý nợ xấu

Liên quan đến xử lý nợ xấu, nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính vẫn tiếp tục khuyến nghị rằng, nợ xấu cần được giải quyết triệt để thông qua chứng khoán hóa bằng trái phiếu Chính phủ để được mua bán một cách rộng rãi trên thị trường. Việc giải quyết nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ không những khả thi mà còn đáp ứng những yêu cầu của việc “xã hội hóa xử nợ xấu” bởi lẽ tất cả các cá nhân và các tổ chức đơn vị kinh tế, xã hội đều có thể mua trái phiếu và tự nguyện tham gia và hưởng lợi từ phương thức và kết quả xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, giải pháp phát triển thị trường ngoại hối để thu hút tài sản phi tài chính trong dân cư, đồng thời hạn chế đầu cơ ngoại tệ, tình trạng đô-la hóa và vàng-hóa cũng rất quan trọng. Đầu cơ ngoại tệ và vàng được nhận diện và xác định là những “địa chỉ” giam hãm nguồn lực tài chính lớn nhất và lãng phí nhất ở nước ta. Việc đầu cơ ngoại tệ và vàng xuất phát từ sự mất lòng tin vào Đồng Việt Nam, sự khan hiếm và chênh lệch giá cả, sự sùng bái ngoại tệ và vàng.

Tuy nhiên, cả ba căn nguyên này có chung nguồn gốc là những hạn chế của hệ thống tài chính, cụ thể là sự kém phát triển của thị trường ngoại hối ở Việt Nam. Do vậy, để nhanh chóng củng cố và phát triển thị trường ngoại hối đồng thời hạn chế tín dụng ngoại tệ để loại bỏ tình trạng đô-la hóa, vàng hóa ở Việt Nam, trước hết cần phải hoàn thiện cơ chế giá cả, từng bước áp dụng chế độ lãi suất và tỷ giá linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Theo các chuyên gia, lãi suất và tỷ giá luôn luôn là một nhân tố rất quan trọng nhất tác động đến hoạt động của toàn bộ hệ thống tài chính. Lãi suất và tỷ giá nếu được xác định trên cơ sở thị trường sẽ luôn phản ánh đúng nhu cầu cũng như chi phí sử dụng vốn, do vậy, có thể phân bổ, sử dụng vốn có hiệu quả nhất. Trong khi chưa thể thả nổi hoàn toàn lãi suất và tỷ giá, chúng ta cũng nên mạnh dạn hơn trong việc xóa bỏ kiểm soát trần lãi suất và neo tỷ giá, từng bước nới dần sự kiểm soát trực tiếp đối với lãi suất và coi đây như một giải pháp để tháo dỡ những khó khăn cản trở sự phát triển của hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính nói chung ở nước ta – một chuyên gia phân tích.

Song song với giải phóng về lãi suất cần thực hiện giải phóng đối với tỷ giá, cho phép các định chế tài chính được thỏa thuận một cách công khai và minh bạch đối với khách hàng giá mua bán ngoại tệ cả hai chiều, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ chính đáng của người dân. Khi không còn “tỷ giá rẻ” trong ngân hàng, khi lãi suất VND là dương và thực sự hấp dẫn, sẽ không còn nhu cầu ngoại tệ ảo, động cơ nắm giữ ngoại tệ dự phòng và kỳ vọng tăng giá sẽ giảm, góp phần giảm áp lực và chi phí can thiệp vào “giá cả” và thị trường của nhà nước – chuyên gia này phân tích thêm.

Thêm vào đó, việc hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhận tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ như hiện nay, khuyến khích dân cư và các DN bán ngoại tệ cho các NHTM cũng cần được duy trì và đẩy mạnh. Nhận tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nhằm mục đích thu hút ngoại tệ trong dân cư và tăng khả năng cung ngoại tệ cho các NHTM ở một góc nhìn khác sẽ vô hình chung lại khuyến khích đầu cơ ngoại tệ và đô-la hóa.

Nếu công chúng thỏa mãn được yêu cầu về khả năng sinh lời qua lãi suất, trong khi tỷ giá và sức mua của VND luôn được giữ ổn định thì việc loại bỏ tiết kiệm bằng ngoại tệ rõ ràng là trùng hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan chức năng của nhà nước như NHNN, Bộ Tài chính, v.v…

Có thể có một số người lo ngại việc chấm dứt nhận tiền gửi bằng ngoại tệ sẽ làm thất thoát nguồn ngoại tệ, giảm khả năng cung ngoại tệ của các NHTM, tuy nhiên, khi lãi suất và tỷ giá ở Việt Nam được xác định và duy trì một cách thỏa đáng, đảm bảo những nguyên lý về ngang bằng về sức mua và lãi suất, nếu như lợi tức kỳ vọng của các đồng tiền ở Việt Nam cao hơn thì luồng vốn sẽ đi vào và ngoại tệ sẽ được bán cho các NHTM nhiều hơn – các chuyên gia khẳng định.

Hạn chế tình trạng nắm giữ ngoại tệ

Các chuyên gia cũng khuyến cáo: việc hạn chế tình trạng nắm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp tư nhân thông qua việc tái thiết lập chế độ kết hối ngoại tệ và khuyến khích bán ngoại tệ cho các NHTM cần được hết sức lưu ý. Khác với công chúng, việc nắm giữ ngoại tệ của các DN tư nhân nhằm dự phòng cho nhu cầu sử dụng để nhập khẩu phục vụ hoạt động kinh doanh.

Rõ ràng, việc hạn chế cho vay bằng ngoại tệ tiến tới xóa bỏ tín dụng ngoại tệ; sàng lọc khách hàng để giảm đối tượng vay vốn bằng ngoại tệ dựa trên cơ sở khả năng tái tạo nguồn vốn bằng ngoại tệ và bán cho các NHTM… hoàn toàn phù hợp với nội dung quy định về đối tượng cho vay vốn bằng ngoại tệ của NHNN Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng phù hợp với thực tế ở Việt Nam là “xuất khẩu dựa trên nhập khẩu” – một chuyên gia cho biết.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty XNK mỹ nghệ Hoàng Sơn Nguyễn Văn Bằng (Hà Nội) cho biết, điều quan trọng là sau khi chọn lọc được khách hàng, các NHTM cần xác định hạn mức tín dụng bằng ngoại tệ cho từng khách hàng cụ thể, thậm chí theo các nhu cầu khác nhau của quá trình sản xuất kinh doanh và nhập khẩu.

Làm được như vậy, các ngân hàng có thể tiết kiệm được nguồn vốn ngoại tệ và loại bỏ được những hành vi kinh doanh trái đạo đức khi mà chúng ta chưa thể xóa bỏ tình trạng hai tỷ giá hai lãi suất hiện nay. Trên cơ sở xác định hạn mức tín dụng ngoại tệ, các NHTM có thể chủ động xây dựng các phương án huy động trong từng thời kỳ để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng đồng thời hạn chế trạng thái ngoại hối âm, thừa vốn và phải điều chuyển vốn gửi ra nước ngoài.

Cuối cùng, một giải pháp hữu hiệu được các chuyên gia thừa nhận là phải xóa bỏ những cơ sở tạo ra chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và giá vàng trên thị trường quốc tế. Đây là điều đã được các nhà quản lý và khoa học đề cập nhiều lần nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng trên thị trường quốc tế, thậm chí có những thời điểm đến hàng triệu VND/Ounce.

Chênh lệch giá là động cơ nhập khẩu vàng và dự trữ vàng trong nước. Nếu muốn hạn chế điều này, cần hoàn thiện quy định quản lý xuất, nhập khẩu vàng sao cho không tạo ra sự chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng hạn chế và xóa bỏ tín dụng ngoại tệ và vàng ở Việt Nam là một sự đánh đổi, chấp nhận những khó khăn thách thức trước mắt để củng cố lòng tin, sức mua và chủ quyền của đồng tiền Việt Nam vốn là một trong những điều kiện cơ bản để ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, sự phát triển lành mạnh và hiệu quả của thị trường tiền tệ (bao gồm thị trường nội tệ và ngoại tệ liên ngân hàng) là điều kiện tiền đề cho sự ổn định và phát triển hoạt động hệ thống tài chính. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc giải quyết bằng được những vấn đề về “giải phóng” tỷ giá và lãi suất hay bãi bỏ các quy định gây ra tình trạng hai tỷ giá, hai lãi suất được kết hợp với cho sự cho phép các NHTM thỏa thuận mua bán vốn, thỏa mãn nhu cầu thanh khoản chính là những giải pháp cơ bản để củng cố và thúc đẩy sự phát triển thị trường ngoại hối ở Việt Nam. Theo đó, việc xử lý triệt để nợ xấu, khơi thông nguồn vốn luôn là những biện pháp quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Sông Hồng

Mới nhất
x
Xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn lực kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO