Xuân ấm nơi đại ngàn Pù Mát

Khánh Ly- Hoài Thu 01/01/2023 08:04

(Baonghean.vn) - Trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát có hai bản người Đan Lai sinh sống. Nơi thiên nhiên hoang sơ, người dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng thường đón Tết sớm. Ấy là những mùa Xuân giản dị, ấm tình quân - dân.

Cuộc sống đổi thay

Cuối tháng 12 âm lịch, cùng với cái rét tê buốt luồn trong mưa phùn gió bấc, đồng bào người Đan Lai ở bản Búng và Cò Phạt- hai bản xa nhất của xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông) đã thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị lá dong, nếp thơm, dăm cân thịt cùng những bó củi khô để gói, nấu bánh chưng đón năm mới 2023.

Người dân và học sinh bản Cò Phạt, xã Môn Sơn gói bánh chưng đón Tết dương lịch với cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Khe Khặng. Ảnh: KL

Tại Trạm kiểm soát Biên phòng Khe Khặng đóng tại trung tâm bản Cò Phạt, một chiều mùa đông, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt La Văn Linh cùng các cháu học sinh, một số dân bản tập trung quây quần trên chiếc sân nhỏ. Chiếc chiếu cói dệt hoa văn xanh đỏ đã ngả màu để đầy lá dong xanh biếc bà con vừa hái từ rừng về, kế bên là thúng gạo nếp đã ngâm no nước, dăm bó lạt tre và nồi thịt lợn ướp hành khô, tiêu thơm lừng.

Mọi người đang chuẩn bị nấu một vài cặp bánh chưng đón Tết Dương lịch. Không khí chộn rộn với những lời cười nói vui vẻ về một năm mới cận kề, cán bộ bản cùng người dân và các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng lại có dịp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một năm sắp qua.

Cuộc sống của người dân bản Cò Phạt xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã có nhiều đổi thay. Ảnh: KL

“Một năm nhiều sự kiện của bản ta, khi mà Chi bộ bản Cò Phạt đã kết nạp được thêm 3 đảng viên mới. Nhiều hộ dân được giúp đỡ để phát triển kinh tế, các cháu học sinh được đến trường đầy đủ, vui tươi” – Bí thư La Văn Linh vui vẻ cho biết.

Ông La Văn Linh đã đảm nhận vai trò bí thư, rồi trưởng bản Cò Phạt đã gần chục năm, đã chứng kiến bao sự đổi thay của đồng bào mình. Nơi đại ngàn Pù Mát, bà con tộc người Đan Lai từ những ngày đối diện với cảnh thiếu ăn thiếu mặc, cuộc sống tạm bợ nơi thâm sơn cùng cốc, nay nhiều gia đình đã có nhà mái lợp ngói lợp tôn vững chãi, nhiều tuyến đường đã được đổ bê tông đi lại thuận tiện.

“Để có sự thay đổi trên, BĐBP cùng chính quyền địa phương đã rất nỗ lực hướng dẫn người dân từ những việc nhỏ nhất như ăn ở, sinh hoạt hàng ngày cho đến phát triển kinh tế…”, ông Linh cho biết.

Mùa xuân ấm tình quân dân ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: KL

Bởi vậy, mỗi năm khi mùa xuân mới lại về, bà con càng thêm gắn bó, tin tưởng vào chính quyền, tin yêu lực lượng quân đội vì đã giúp dân làm nhiều việc thiết thực.

Vừa tham gia gói bánh chưng cùng các chiến sỹ bộ đội biên phòng, vừa kể về phong tục tết của đồng bào Đan Lai, ông La Văn Tâm nhà ở ngay cạnh Trạm kiểm soát biên phòng Khe Khặng cho biết, “Ngày tết đồng bào ta thường gói bánh chưng, bánh sừng trâu, vào rừng tìm măng, bắt ở cá suối để dâng cúng tổ tiên đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới. Mọi người, mọi nhà tổ chức ca hát, chúc nhau chén rượu ấm lòng, chúc nhau một năm mới thuận hoà, mùa màng tươi tốt, đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống”.

Đường vào bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: KL

Ở sâu hơn Cò Phạt, đường vào bản Búng phải đi qua 2 cây cầu sắt, 3 cây cầu gỗ vắt qua suối. Những ngày xuân cận kề, dù đường sá xa xôi và khó khăn do đường sạt lở, trơn trượt, nhưng bà con bản Búng vẫn cố gắng chuẩn bị đón cái tết tươm tất.

Ấn tượng đầu tiên khi vào bản là những ngôi nhà đến hàng rào che chắn, bảo vệ ruộng nương, vườn tược đều làm bằng tre mét.

Người dân cho hay: Tre mét là thứ cây có nhiều tác dụng và gắn bó với người Đan Lai từ lúc sinh ra cho đến lúc về Trời. Vật liệu tre mét lấy từ rừng về sẽ được ngâm ở sông, suối để chống mối mọt. Thời gian ngâm ít nhất 1 tháng, sau khi ngâm đủ thời gian thì mới đưa vào làm nhà, dựng bờ rào.

Nhà của người dân bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chủ yếu làm bằng tre mét. Ảnh: KL

Theo chân cán bộ đồn tổ chốt bản Búng, chúng tôi ghé thăm nhà Bí thư chi bộ La Văn Trang khi anh đang chẻ nứa để làm giàn trồng mướp. Dừng tay vui vẻ tiếp chuyện, anh Trang cho hay: Bản có 115 hộ, 486 khẩu, đời sống còn khó khăn nhiều lắm nhưng những năm gần đây nhờ sự giúp đỡ của cấp uỷ chính quyền và BĐBP đóng chân trên địa bàn, cuộc sống của người dân đã có sự đổi thay tích cực.

Ngoài 19 ha ruộng, bà con còn trồng rau, chăn nuôi trâu bò, một số hộ làm dịch vụ. Trước đây Tết chỉ mong ăn no, giờ ngày tết gia đình nào dù ít, dù nhiều cũng chuẩn bị những món ngon hơn ngày thường, chung nhau đụng lợn để cúng tổ tiên, tiếp đãi khách đến chơi nhà.

Bí thư chi bộ La Văn Trang trò chuyện với cán bộ tổ chốt biên phòng bản Búng. Ảnh: KL

Chi bộ, ban quản lý bản cũng phát động người dân vệ sinh môi trường trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ để chuẩn bị đón Tết. “Đặc biệt Tết năm nay vui hơn vì nhờ sự hỗ trợ của đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời tại chi bộ mà, bản kết nạp thêm được 3 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của chi bộ bản Búng lên 12 đồng chí. Người Đan Lai ở Khe Khặng nay đổi mới rồi”- Bí thư chi bộ La Văn Trang phấn khởi nói.

Bám bản, bám dân

Đồn Biên phòng Môn Sơn có 1 trạm kiểm soát đóng tại bản Cò Phạt và 1 tổ chốt đóng tại bản Búng- 2 bản của đồng bào Đan Lai nơi vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cán bộ trạm và tổ chốt còn bám bản, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về sinh đẻ có kế hoạch, tác hại và hành vi vi phạm pháp luật của hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn; xây dựng các mô hình kinh tế xoá đói giảm nghèo.

Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Khe Khặng hướng dẫn người dân bản Cò Phạt chăm sóc rau xanh. Ảnh: KL

Thiếu tá Phan Văn Thanh- Trạm trưởng trạm biên phòng Khe Khặng đóng tại bản Cò Phạt cho biết: Để dân tin, dân nghe, trước hết cán bộ trạm phải xây dựng mô hình mẫu trước để bà con nhìn thấy rồi làm theo. Đơn giản như việc trồng rau xanh, mùa nào thức ấy, vườn rau trong Trạm lúc nào cũng mướt màu xanh của nhiều loại rau trái. Từ đó, trạm hỗ trợ giống, hướng dẫn người dân trồng rau, mở rộng diện tích lúa, giúp dân bản làm đường, làm nhà, chuồng trại chăn nuôi…

Thực hiện Chỉ thị 681 được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 882-NQ/ĐU của Đảng ủy BĐBP tỉnh “về phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới”, những người lính quân hàm xanh đóng ở Cò Phạt và bản Búng đã chủ động tiếp cận hộ, trực tiếp cầm tay chỉ việc, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu” giúp các hộ nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào chính sách của Nhà nước khắc phục khó khăn, vươn lên.

Đảng viên Đồn biên phòng Môn Sơn trò chuyện với các hộ được phân công giúp đỡ. Ảnh: KL

Điển hình như hộ anh La Văn Tâm ở bản Cò Phạt được anh em cán bộ biên phòng ở Trạm hướng dẫn, hỗ trợ giống chăn nuôi, trồng trọt, các phòng trừ dịch bệnh đã vươn lên thành hộ khá trong bản với mô hình chăn nuôi trồng lúa nước, trồng rau, nuôi lợn,50-60 con gà vịt, 8 con trâu bò

“Trước đây vất vả lắm, giờ có BĐBP giúp đỡ nên đời sống khá hơn, cái tết cũng ấm no, vui vẻ hơn, đến ngày 29-30 Tết Âm lịch thì mổ lợn, nấu bánh, bắt cá dưới suối, hái rau trong vườn, gà vịt tự nuôi được nên cũng không thiếu thứ gì”, ông Tâm chia sẻ.

Một số hộ trong bản đã sắm máy cày, máy xay xát, mở hàng hoá dịch vụ… còn có cả xưởng mộc để phục vụ các nhu cầu đồ dùng thiết yếu của bà con. Những áp Tết, Trưởng bản Cò Phạt La Văn Tám, SN 1988 vẫn miệt mài bên xưởng gỗ của mình để hoàn tất nốt sản phẩm bà con đặt hàng.

Anh Tám cho biết: Vốn có năng khiếu về nghề mộc, được các anh biên phòng động viên, từ năm 2016 anh đã mày mò nhận làm đồ mộc cho người dân trong bản, dần dần phát triển thành xưởng mộc nhỏ vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa phục vụ nhu cầu của bà con. “Trước đây bà con muốn mua cái bàn, cái ghế cũng phải vận chuyển từ trung tâm xã Môn Sơn vào rất vất vả vì đường giao thông đi lại khó khăn, nên tôi nhận làm cho bà con. Vừa làm mộc vừa làm ruộng vừa chăn nuôi 5 con trâu bò, mình là trưởng bản phải đi đầu trong phát triển kinh tế bà con mới nghe, mới tin”. Anh Tám cho hay.

Ngoài chăn nuôi, trồng trọt, người Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt đã phát triển thêm nhiều ngành nghề phụ. Ảnh: KL

Qua cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi vị trưởng bản trẻ còn cho biết: Đối với người dân Đan Lai, BĐBP thân thiết như người thân trong gia đình. Ngày Tết các anh vẫn thay phiên nhau ở lại ăn Tết, đi chúc tết bà con rất vui vẻ và đầm ấm. BĐBP không chỉ giúp dân xoá bỏ các phong tục, nếp sinh hoạt lạc hậu, tích cực phát triển kinh tế; quan tâm đến sự học của con trẻ; hỗ trợ chi bộ, ban quản lý bản nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động trong bản mà còn quan tâm chăm lo đến sức khoẻ của nhân dân. “ Ở đây đường xá xa xôi, cách trở nên bà con ốm đau, bệnh tật đều nhờ quân y biên phòng ở Trạm hết”- anh La Văn Tám nhấn mạnh

Điều này được minh chứng khi chúng tôi đang trò chuyện với những người lính quân hàm xanh ở Trạm Kiểm soát Cò phạt thì thấy ông La Văn Minh- người dân trong bản hớt hải chạy và thông báo vợ ông bị ốm nhờ quân y biên phòng đến nhà thăm khám. Nghe vậy, y sỹ quân hàm xanh Hoàng Kim Thắng vội vàng đứng dậy mang dụng cụ y tế đi ngay. Sau khi thăm khám và kê thuốc vợ ông La Văn Minh đã ổn định sức khoẻ, ông Minh sang tận trạm để cảm ơn “ Tết nhất đến nơi, nếu không có quân y biên phòng thì chúng tôi không biết làm thế nào”

Quân y Trạm kiểm soát biên phòng Khe Khặng khám sức khoẻ cho vợ ông La Văn Minh ở bản Cò Phạt. Ảnh: Hoài Thu

Rời Khe Khặng, chúng tôi bắt gặp một tốp học sinh mang theo những bó củi nhỏ, vừa đi vừa nói chuyện tíu tít. “ các cháu đi đâu đấy”?- “ Chúng cháu tặng củi cho các chú biên phòng để cùng nấu bánh chưng Tết đấy”, nghe chúng tôi hỏi, một em nhanh nhảu đáp lời.

Các em nhỏ ở bản Cò Phạt mang củi tặng các chú bộ đội nấu bánh chưng. Ảnh: KL

Chợt thấy mùa Xuân ấm áp hơn vì tình cảm quân- dân bình dị nơi đại ngàn Pù Mát, dẫu còn nhiều khó khăn mà đong đầy yêu thương, chia sẻ…

Mới nhất
x
Xuân ấm nơi đại ngàn Pù Mát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO