Xuân của lính 'đếm gió, đong mưa, đo nước'
(Baonghean.vn) - Bất chấp nắng hay mưa, ngày hay đêm, biển lặng dịu êm hay sóng càn bão tố, họ phải “trằn mình” tận nơi đo mực nước, hứng gió để phân tích số liệu phục vụ cho công việc dự báo thời tiết mỗi ngày. Tất cả sự bình yên của chủ quyền biển đảo và sự an bình của những con tàu.
Chuyện lần đầu tiên kể
Để hiểu rõ hơn về những quan trắc khí tượng làm nhiệm vụ ngoài nhà giàn DK1/7, tôi xin gặp Trung tá Lê Xuân Nam- nguyên Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/7 Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân để nghe anh kể công việc thường ngày của những quan trắc khí tượng thủy văn nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhà giàn DK1/7 vững vàng giữa ngàn khơi Tổ quốc. Ảnh: Mai Thắng |
Theo Trung tá Nam, nếu trắc thủ Radar được gọi là người “siêu âm tàu biển” tức là tàu đi đến đâu, ở vị trí nào đều nắm được, thì chiến sĩ quan trắc khí tượng gọi là “bác sĩ bắt mạch thời tiết”.
“Công việc của họ làm việc suốt ngày đêm khá nhọc nhằn và gian khổ, nhưng không kém phần vinh quang tự hào. Để có số liệu chính xác về dự báo thời tiết gửi về đất liền, các quan trắc viên phải thay phiên nhau trực canh liên tục ngày, đêm, bất kể nắng hay mưa, mùa biển lặng hay bão tố. Tất cả vì sự bình yên của các công trình trên tuyến đầu của Tổ quốc”, Trung tá Nam chia sẻ.
Khi bão tố ập đến, nhà giàn vẫn vững vàng trước bạt ngàn sóng gió. Ảnh: Văn Bảy |
Một thời “ăn sóng nói gió”, “sống với biển vui buồn với biển” ngoài Nhà giàn DK1/7, Trung tá Nam luôn coi “đếm gió, đong mưa, đo nước” của các chiến sĩ trắc thủ khí tượng là nhiệm vụ “chuyên biệt đặc thù”. Để có bản tin dự báo thời tiết chính xác vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được phát đi trên toàn quốc trong mỗi ngày, anh đã cũng với tổ quan trắc khí tượng ngày đêm “đếm gió, đong mưa, đo nước” từ thực địa nhà giàn.
Một ngày đêm có 24 giờ, thì các quan trắc phải “đo” 24 lần mực nước, “đếm” 24 lần gió. Số liệu tổng hợp được được mã hóa bằng mật mã cơ yếu gửi về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là cơ sở đầu tiên để cho ra những bản tin dự báo thời tiết chính xác mỗi ngày.
Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác rất cao. Trong bất luận điều kiện thời tiết nào, mưa hay nắng, đêm hay ngày, gió bão hay sấm chớp, cứ đến giờ là các trắc thủ đến tận nơi để đo, đếm. Đây cũng được coi là nhiệm vụ chiến đấu số 1 của chúng tôi
Chế độ “đo mực nước biển, đếm gió trời” là cả một công việc tỉ mỉ, cẩn trọng. Trong hệ thống 15 nhà giàn DK1 hiện nay, DK1/7 là nhà giàn duy nhất được lắp đặt hệ thống khí tượng thủy văn do các trắc thủ khí tượng đảm trách.
Các chân đế nhà giàn đều được đánh dấu “mực nước, độ sâu”. Thủy triều dâng đến đâu, ứng với “nấc thang số liệu” đến đó. “Nấc thang số liệu” cũng chính là “số đo” của mực nước biển. Dựa vào số đo này, các cơ quan chuyên môn sẽ phân tích tổng hợp và dự báo được biển trong những ngày tới có động hay không.
Ban ngày việc đo mực nước dễ dàng hơn. Chỉ cần nhìn vào trụ cột chân đế nhà giàn, nước dâng đến đâu là đo đến đó. Nhưng đêm tối, các trắc thủ phải cầm “đèn pin” đi xuống sàn cập tàu, “rọi” vào các chân đế để đo. Sóng yên biển lặng việc đo mực nước dễ dàng, song đêm tối sóng to gió lớn, việc đo mực nước biển rất khó khăn nguy hiểm. Dẫu ánh sáng của “đèn pin chuyên biệt” rọi xa, nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ấy là chưa kể đến hiểm nguy rình rập trượt chân rớt xuống biển trong đêm tối nếu không cẩn trọng.
Lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng giữa biển trời. Ảnh: Nhà giàn DK1 cung cấp |
“Mặc dù rất có nhiều kinh nghiệm đo nước biển trong đêm tối, nhưng mỗi lần gặp sóng to gió lớn, chúng tôi đều mặc áo phao xuống sàn cập tàu và có phương án cứu hộ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc “đếm gió” trời nhàn hơn nhưng cũng thực hiện giờ một lần. Trên sân thượng nhà giàn lắp hệ thống quạt gió. Số vòng quay của quạt gió thu được từ tốc độ gió thổi trong mỗi giây, chính là số liệu cần thiết báo hiệu trong những ngày tới vùng biển đảo có bão tố, hay gió lớn không? Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, cứ đến ca trực là vào vị trí chiến đấu”, Trắc thủ khí tượng, chiến sĩ Hà Quốc Khánh từ Nhà giàn DK1/7 chia sẻ.
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?
Xuân Quý Mão đã tràn về trên khắp nẻo đường làng quê góc phố. Ở nơi xa nhất của biển đảo Tổ quốc, những quan trắc khí tượng ngoài Nhà giàn DK1/7 cũng đón một mùa Xuân yên bình trong niềm vui chung của nhân dân cả nước.
Lần thứ 9 đón Tết giữa ngàn khơi, mặc dù rất nhớ đất liền, thương bố mẹ ở quê nhà cả năm vất vả, nhưng nhân viên khí tượng Trần Thành Công vẫn yên tâm tư tưởng và luôn xác định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ về niềm trăn trở khi đón Xuân xa nhà giữa biển trời Tổ quốc, Công trải lòng: “Ngày Tết ai chẳng nhớ đất liền, gia đình người thân. Nhưng vì nhiệm vụ của đơn vị giao phó phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu ai cũng đón Tết ở đất liền, ai là người giữa biển, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai. Để có bản tin dự báo thời tiết chính xác, vì sự bình yên của những con tàu, những công trình ngoài biển đảo, thì dù gian khổ, thầm lặng cống hiến, hy sinh tuổi trẻ, cũng là kiêu hãnh. Đã là lính nhà giàn thì sự lựa chọn là bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, đó là nhiệm vụ thiêng liêng”.
“Có nhiều lúc gió bão đến rất gần, xung quanh xảy ra sấm chớp, sóng to cấp 9, 10, gió giật cấp 12, chúng tôi cầm đèn pin đội mưa trèo lên sân thượng nhà giàn ghi lại những dữ liệu mà các máy đo vừa ghi nhận để kịp thời xử lý số liệu. Đo mực nước giữa đêm tối trong mùa bão tố sóng lớn cũng vô cùng gian khổ.
DK1/7 là nhà giàn duy nhất đặt trạm Khí tượng Hải văn tiêu chuẩn phát báo quốc tế (trạm cấp I, phát báo 4 obs/ngày). Biên chế quân số thường xuyên thiếu hụt nên anh em thay ca nhau trực ở nhà giàn 8 tháng mới vào đất liền một lần. Cũng có người đón 2 Tết ở biển mới về nghỉ phép 1 tháng rồi lại ra nhà giàn trực lại. Nhiệm vụ khó khăn, gian nhọc nhằn khổ lắm, nhưng cứ nghĩ đến sự bình yên của các công trình biển, nhọc nhằn lại tan biến, niềm vui lại nhân lên, đong đầy”, anh Công trải lòng.
Chào cờ năm mới ở nhà giàn DK1. Ảnh: Mai Thắng |
Từ năm 2009, hệ thống nhà giàn DK1 đã được nâng cấp sửa chữa từ một thân lên hai thân hiện đại. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng đã được cải thiện rất nhiều. Trong bữa cơm giữa biển trời nắng gió, không chỉ có món cá kho mặn mòi vị biển, mà còn có rau muống luộc, rau cải nấu canh. Nước ngọt cũng có phần “xông xênh” hơn trước. Mạng điện thoại Viettel là “nhịp cầu Ô Thước” nối liền khoảng cách giữa biển và bờ. Ngày thường nỗi nhớ đất liền đã canh cánh trong lòng, khi Xuân về, Tết đến, dẫu yên tâm tư tưởng nhưng nỗi nhớ gia đình người thân ở đất liền càng thêm da diết./.