Xuân về ở Nhà máy đường Sông Con
(Baonghean) - Trên mảnh đất gian khó của huyện Tân Kỳ, Nhà máy đường Sông Con gắn bó hàng chục năm nay với người nông dân. Hiếm có cây trồng nào thủy chung với người dân và mảnh đất này như cây mía; đó cũng là nguồn nguyên liệu đảm bảo cho Nhà máy đường hoạt động bền vững, hiệu quả.
Niềm vui người trồng mía
Cữ cuối năm về thị trấn Tân Kỳ, đứng trên cầu Rỏi, ven bờ sông Con, cảm nhận rõ hương mật mía quyện thơm bay lên từ nhà máy đường. Hàng trăm xe chở mía nối đuôi nhau vào nhà máy.
Trên các cánh đồng, bà con nhộn nhịp thu hoạch mía. Đâu đâu cũng bắt gặp nụ cười phấn khởi của bà con nông dân, bởi sau một năm chờ đợi, giờ đây họ gặt hái thành quả “ngọt ngào”. Đội ngũ lái xe tải chở mía cũng không kém vui, vì gần 5 tháng liên tục, bình quân mỗi tài xế có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng nhờ vận tải mía cho nông dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm mô hình trồng mía năng suất cao ở xã Tân Xuân (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng |
Nông dân Lê Quyết Thắng ở xóm 5B, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) phấn khởi cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, gia đình trồng mía cho nhà máy, được hướng dẫn từ cán bộ nông vụ nhà máy, chúng tôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên mía đạt 80 tấn/ ha trở lên, có diện tích đạt tới 120 tấn/ha.
Năm 2017, gia đình thu hoạch hơn 90 tấn mía, với giá mía 880 nghìn đồng/tấn, trừ chi phí sản xuất còn lãi trên 50 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đang tập trung trồng mới 1,5 ha mía vụ xuân 2018. Toàn bộ vốn đầu tư đều được nhà máy bỏ ra trước”.
Nghĩa Đồng là một trong những địa phương tiên phong đưa mía ra đồng trồng thâm canh. Bà con chú trọng làm đất bằng cơ giới, bón phân đầy đủ nên cả 270 ha mía, năng suất bình quân 80 tấn/ha, trong đó mô hình trồng mía tập trung thâm canh ứng dụng cơ giới hóa với diện tích 50 ha, năng suất vượt trội đạt từ 100 đến 120 tấn/ha.
Ông Võ Duy Hiển – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng khẳng định: “Từ khi đưa mía ra đồng, thu nhập của người nông dân cao gấp nhiều lần so với lúa. Mỗi năm từ cây mía mang về nguồn thu cho địa phương từ 14 đến 15 tỷ đồng, chiếm 20% trong tổng thu nhập sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, bà con chuẩn bị giống và phân bón, huy động máy móc tập trung trồng mới 30 ha mía vụ xuân 2018 bằng giống và công nghệ mới”.
Niềm vui của người trồng mía ở xã Nghĩa Đồng cũng là niềm vui chung của hàng nghìn hộ nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Tại xã Tân Phú, việc trồng mía nguyên liệu được người dân chú trọng. Hiện trên địa bàn xã có 220 ha mía được bà con chuyển đổi trồng trên đất ngô, lúa, cao su... với năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, đặc biệt nhiều diện tích mía cây to, chắc, độ đường đạt chất lượng 10 CCS.
Chị Ngô Thị Yến, ở xóm Tân Lý (xã Tân Phú) vui mừng cho hay: “Niên vụ 2016 - 2017, gia đình không phải làm đất, rạch hàng trồng mía, bón phân như trước, những công đoạn này đã có máy móc của Công ty CP Mía đường Sông Con lo. Nhà có 1ha mía đạt năng suất 90 tấn/ha. So với trồng mía thủ công, mía trồng theo công nghệ mới này chi phí giảm 40 - 50%, năng suất cao hơn 35%, lợi nhuận đạt 45 triệu đồng/ha”.
Năm 2018, Công ty CP Mía đường Sông Con có những chính sách mới, tạo thuận lợi cho người trồng mía với đảm bảo có lãi cao. Ngoài các chính sách đầu tư trồng mía rất hấp dẫn, công ty còn đầu tư 4 máy cày công suất lớn (ở các xã Giai Xuân, Tân Hợp, Nghĩa Phúc) để cày đất cho nông dân. Ngoài ra còn 55 chủ máy cày đăng ký làm dịch vụ chăm sóc mía cho nhà máy. Sau khi thu hoạch, nhà máy còn có 20 giàn máy (gắn sau các máy cày) để chăm sóc mía gốc.
Các giàn này sẽ tự động bỏ phân, bỏ vôi cho mía gốc và chi phí đó công ty miễn phí cho người trồng mía. Đối với diện tích trồng mới, nhà máy miễn phí làm đất một lần cày sâu 3 chảo cho nông dân. Với những chính sách khuyến khích đó, vụ xuân năm nay, Công ty CP Mía đường Sông Con đã trồng mới được 500 ha mía.
Mía về nhà máy. Ảnh: Quang An |
Tăng tích tụ ruộng đất sản xuất lớn
Công ty CP Mía đường Sông Con hiện có gần 7.000 ha mía nguyên liệu, trong đó hơn 3.000 ha mía chất lượng cao, đạt năng suất gần 80 tấn/ ha. Xác định thâm canh, nâng năng suất mía là giải pháp cạnh tranh hàng đầu trong bối cảnh khó khăn, hai năm gần đây, Công ty tập trung đầu tư cơ giới hóa để trồng và chăm sóc mía. Bên cạnh đó, đơn vị đang triển khai giải pháp thuê đất của nông dân để tích tụ diện tích lớn nhằm đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất.
Theo đó, Công ty đứng ra thuê toàn bộ diện tích đất trên vùng đủ điều kiện để áp dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ trong đầu tư sản xuất mía. Tiền thuê đất sẽ trả trực tiếp cho bên sử dụng đất. Một hình thức nữa là góp đất sản xuất với nông dân. Các hộ góp nhiều thửa đất nhỏ trên cùng một cánh đồng thành thửa đất lớn để cùng nhau sản xuất mía, đây là mô hình liên kết có hiệu quả cao trong sản xuất.
Ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng phòng Nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: Triển khai chủ trương này, vụ xuân 2018, công ty đã thuê được 100 ha đất khó sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả, từ đó giao lại cho 3 chủ sản xuất để đầu tư thâm canh trồng mía theo đúng quy trình. Công ty rất hoan nghênh các hình thức liên doanh, liên kết của nông dân đối với nhà máy để sản xuất hiệu quả hơn, hai bên cùng có lợi. Điều kiện đảm bảo trong quá trình góp đất liên kết sản xuất đó là nông dân vẫn được giữ nguyên diện tích đất của mình. Trước khi vào vụ sản xuất mía, nông dân được hưởng trước một khoản lợi nhuận cố định, tương đương với giá thuê đất tại thời điểm...
Một mùa xuân mới lại về trên vùng mía đường Tân Kỳ. Nơi đó, sau mùa thu hoạch, những lứa mía non đã mơn mởn đâm chồi. Còn nhiều khó khăn phía trước nhưng bà con nông dân và Nhà máy đường Sông Con cùng mong chờ vào niên vụ mới với sự đồng hành sẻ chia từ cả hai phía.