Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thích ứng trạng thái bình thường mới ở Nghệ An

Bài: Nguyễn Hải - KT: Lâm Tùng 23/07/2021 10:06

(Baonghean.vn) -Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, ngành và địa phương là bên cạnh các giải pháp phòng ngừa và dập dịch thì phải có các kế hoạch, kịch bản thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An (NAPC) đã có những giải pháp mới.

Ứng dụng số hóa

Từ cuối năm 2020, trên chỉ đạo, giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, Trung tâm NAPC đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số, theo đó các dữ liệu, tình hình về thu hút đầu tư, thương mại và du lịch được chuyển sang số hóa để lưu giữ và giới thiệu theo quy trình thông minh.

Trước đây, mỗi lần có sự kiện giới thiệu thu hút đầu tư tại tỉnh hoặc đi các địa phương, bộ phận hậu cần phải mang rất nhiều tài liệu bằng cattalogue bản in giấy để giới thiệu với khách hàng vừa cồng kềnh lại khá tốn kém thì nay khi chuyển sang số thì đi bất cứ đâu, chỉ cần có hạ tầng internet và một vài thiết bị thì có thế giới thiệu trình bày dễ dàng các bản slide, video clip kèm theo đó là thông tin cụ thể để các nhà đầu tư đối chiếu tham khảo.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm NAPC

Công dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công. Ảnh: N.H
Công dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công. Ảnh: N.H

Từ thành công trong việc chuyển đổi, ứng dụng phần mềm vào xúc tiến thu hút đầu tư, Trung tâm tiếp tục rà soát để ứng dụng vào lĩnh vực xúc tiến thương mại và du lịch, theo đó Trang thông tin điện tử của Trung tâm sẽ được xây dựng, liên kết với các website của doanh nghiệp, tour du lịch có thể khai thác, tìm kiếm khách hàng, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong điều kiện dịch còn diễn biến rất phức tạp.

Từ khi đi vào hoạt động, để xây dựng cơ sở dự liệu về thu hút đầu tư, thương mại, và du lịch, cùng với số hóa thông tin giới thiệu thông tin kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư, thương mại và du lịch chung toàn tỉnh, thông qua làm việc với các huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn và Quế Phong, Trung tâm còn cập nhật, giới thiệu thông tin về tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện này để thu hút đầu tư.
Ông Bùi Duy Đông - Giám đốc Trung tâm NAPC cho biết: Gần đây, học hỏi kinh nghiệm giới thiệu thu hút đầu tư của các tỉnh bạn đi trước, do điều kiện dịch Covid-19, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều không thể lại như trước và tỉnh cũng không tổ chức được các sự kiện mời gọi, thu hút đầu tư nên Trung tâm đang thử nghiệm giới thiệu, mời gọi vào du lịch và đầu tư bằng các hình ảnh, tư liệu quay từ flycam kèm chạy thông tin để giới thiệu, phát trên các nền tảng mạng xã hội…
Kinh nghiệm từ thu hút đầu tư dự án JuTeng (Đài Loan) vào KCN Hoàng Mai I cho thấy, ngoài các thông tin do tỉnh và nhà đầu tư hạ tầng cung cấp, đây là dự án đầu tư lớn và có ý nghĩa chiến lược nên nhà đầu tư rất muốn khảo sát thựa địa để xây dựng phương án đầu tư chính xác nhất trình các cổ đông và Hội đồng quản trị thông qua. Tuy nhiên, do điều kiện dịch và cách ly y tế dài ngày nên Công ty chỉ cử các chuyên gia phối hợp với tỉnh và nhà đầu tư KCN khảo sát thực địa, mốc giới cũng như hiện trạng mặt bằng để quay hình ảnh gửi về.

Mặc dù công tác thu hút đầu tư khó khăn nhưng nhờ làm tốt khâu kết nối, giới thiệu trực tuyến nên Nghệ An nói riêng và các tỉnh nói chung vẫn giữ tiến độ tích cực trong thu hút đầu tư; ở chiều ngược lại, dù không ít khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tin tưởng, quyết định đầu tư tại Việt Nam thời gian qua.

Ông Bùi Duy Đông - Giám đốc Trung tâm NAPC

Nhà đầu tư khảo sát khu công nghiệp  WHA I Nghệ An. Ảnh: Trân Châu
Nhà đầu tư khảo sát khu công nghiệp WHA I Nghệ An. Ảnh: Trân Châu

Hỗ trợ nhà đầu tư tại chỗ

Một trong những kinh nghiệm thu hút đầu tư là cùng với việc kiên trì theo đuổi các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng thì phải giữ mối quan hệ, tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ. Đây là các nhà đầu tư đã và đang triển khai đầu tư trên địa bàn bởi nếu các nhà đầu tư và dự án đang hoạt động trên địa bàn khẳng định hoạt động hiệu quả là minh chứng hùng hồn cho môi trường đầu tư của tỉnh. Không những thế, họ có thể là nhà đầu tư lớn thông qua việc xem xét mở rộng dự án, nâng công suất đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Duy Đông - Giám đốc Trung tâm NAPC cho biết thêm: Điểm mạnh khi hỗ trợ cho nhà đầu tư tại chỗ là vừa đỡ đi lại, họ thông thuộc môi trường, điều kiện làm việc, cơ chế chính sách Nghệ An nên thủ tục điều chỉnh, mở rộng quy mô đầu tư hay nâng công suất khá thuận lợi và hiệu quả cao.

Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn đầu tư tại Công ty may Minh Anh, từ dự án đầu tiên là Nhà máy Minh Anh Kim Liên, Công ty tiếp tục đặt cơ sở tại KCN Bắc Vinh sau đó lên Đô Lương và mới đây là Tân Kỳ. Tương tự, Công ty Goertek tại WHA mới đầu tư dự án 100 triệu USD nhưng triển khai đầu tư thêm 100 triệu USD, Khu du lịch Bãi Lữ tăng vốn 1.730 tỷ đồng. Công ty Hoàng Thịnh Đạt sau khi thành công với KCN Hoàng Mai 1 tiếp tục đầu tư vào KCN Hoàng Mai 2 và khảo sát đầu tư dự án mới khác…

chú thích
Sơ đồ quy hoạch khu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh: Trân Châu

Thực tế từ năm 2020, mặc dù gặp khó khăn dịch Covid-19, nhưng quy mô thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam vẫn tích cực.

Năm 2020, tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng mức đăng ký mới và điểu chỉnh tăng thêm là 14.289,2 tỷ đồng, trong đó 24 dự án mới với số vốn 5.413 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn 16 dự án với vốn đầu tư tăng thêm là 8.876,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh cấp mới cho 51 dự án và điều chỉnh 61 lượt dự án với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12.063 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2020. Thực tế trên cho thấy khó khăn do đại dịch thì việc điều chỉnh dự án, tăng quy mô các dự án tại chỗ khá khả quan.

Không chỉ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà ngay từ đầu năm 2020, nhận thấy môi trường cạnh tranh thu hút đầu tư có sự thay đổi lớn, tại các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng khẳng định sẽ thay đổi phương pháp thu hút đầu tư là thay vì tiếp xúc, giới thiệu theo sự kiện và trên diện rộng thì chuyển sang thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thông qua các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

KCN VSIP Hưng Nguyên thi công các hạng mục để mở rộng dự án. Ảnh: Trân Châu
KCN VSIP Hưng Nguyên thi công các hạng mục để mở rộng dự án. Ảnh: Nguyễn Hải

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện Trung tâm đang xây dựng phần mềm thông minh kết nối với các doanh nghiệp, trước mắt sẽ chọn 5-10 doanh nghiệp tiêu biểu cho từng lĩnh vực để làm thử. Nếu thành công, các doanh nghiệp này sẽ là cầu nối, giúp Trung tâm cài đặt, lan tỏa ra các cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 13 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng mới chỉ có 1.800 doanh nghiệp tham gia các hội và hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nên tham vọng của Trung tâm là không chỉ xây dựng phần mềm kết nối 1.800 doanh nghiệp trên mà phải cài đặt cho 13.000 doanh nghiệp để hình thành “hiệp hội doanh nghiệp số” để ngay cả khi tỉnh không tổ chức các sự kiện, họp đối thoại thì vẫn truyền tải được các thông tin mới nhất của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp.

Mới nhất

x
Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thích ứng trạng thái bình thường mới ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO