Giáo dục


Xung quanh bỏ thi tuyển vào lớp 6: Đừng để áp lực ‘chồng’ áp lực

Mỹ Hà 11/01/2025 20:51

Thay vì thi tuyển hoặc xét tuyển, từ năm học này, việc tuyển sinh vào lớp 6 chỉ còn lại một phương thức duy nhất là xét tuyển. Điều này có thể tác động lớn đến nhiều học sinh và nhiều nhà trường, nhất là những trường lâu nay vẫn được xem là trường chuyên ở các địa phương.

Lo lắng khi phương án thay đổi

Tại Nghệ An, lâu nay việc tuyển sinh vào lớp 6 đại đa số đều thực hiện theo phương thức xét tuyển với học sinh phổ cập trên địa bàn các phường, xã.

Tuy nhiên, tại các địa phương, mỗi huyện, thành, thị đều có 1 trường được xem là trường chuyên như Trường THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh), Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn), Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương), Trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu), Trường THCS Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương), Trường THCS Trà Lân (Con Cuông)....

Các trường này, nhiều năm nay do số lượng hồ sơ đăng ký vào trường thường nhiều hơn chỉ tiêu được giao nên đều tổ chức thi tuyển đầu vào với các bài thi kiểm tra đánh giá năng lực.

bna_phu-huynh(1).jpg
Phụ huynh thành phố Vinh đăng ký cho con dự thi vào Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Là phụ huynh có con đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, trước thông tin không tổ chức thi tuyển vào lớp 5, anh Trần Văn Hà (phương Hưng Dũng – thành phố Vinh) cho biết: Gia đình tôi đặt mục tiêu cho cháu thi vào Trường THCS Đặng Thai Mai, vì đây là trường có chất lượng đứng đầu thành phố Vinh.

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, gia đình đã đầu tư nhiều năm nay nên rất muốn trường tổ chức thi để các cháu được cạnh tranh công bằng.

Kỳ thi tuyển lớp
Phụ huynh thành phố Vinh chờ con ngoài điểm thi khảo sát cuối cấp dành cho học sinh lớp 5. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để thành phố thực hiện tuyển sinh đầu cấp. Ảnh: Mỹ Hà

Trong khi đó, nếu bỏ thi tuyển, thay thế bằng phương thức xét tuyển lại dẫn đến những "hệ lụy" khác, khiến nhiều phụ huynh, học sinh bị động trong quá trình chuẩn bị.

Phụ huynh Nguyễn Thị Hồng - phường Vinh Tân cho biết: Nếu chỉ xét tuyển bằng kết quả học tập, sẽ có hàng nghìn hồ sơ có điểm học bạ loại giỏi. Như vậy, nếu học sinh nào có các tiêu chí phụ sẽ lợi thế như tham gia các sân chơi, các cuộc thi do ngành Giáo dục tổ chức.

Trao quyền tự chủ cho các địa phương

Liên quan đến việc thực hiện xét tuyển đầu cấp vào lớp 6 theo hướng dẫn mới, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, việc bỏ thi sẽ giúp học sinh bớt áp lực.

uploaded-myhabna-2023_09_09-_bna-hoc-sinh-truong-thcs-dang-thai-mai-6913.jpg
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh). Ảnh: NTCC

Tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, cô giáo Trần Thị Quỳnh Hoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nói rằng, khi Bộ đã đưa ra một sự thay đổi nghĩa là đã có sự xem xét và có sự nghiên cứu từ thực tế.

Trên quan điểm cá nhân, theo cô giáo Quỳnh Hoa, việc tổ chức kỳ thi vào lớp 6 sẽ tạo nên áp lực cho học trò. Ngược lại, nếu tạo ra các kỳ thi sẽ là cơ sở để chọn những học sinh có năng lực thực sự.

Giờ học của học sinh Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành). Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành). Ảnh: Mỹ Hà

Cá nhân tôi mong muốn, để đạt hai mục tiêu trên thì bộ cần sớm đưa ra các phương án thay thế để vừa giảm áp lực cho học sinh, nhưng cũng để việc tuyển đầu vào có chất lượng.

Cô giáo Trần Thị Quỳnh Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 1

Trên vai trò quản lý, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho rằng, phương án không tổ chức thi tuyển là “chưa phù hợp với thực tiễn”: Trước đây, chúng tôi có thể thực hiện phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển tùy thuộc vào đặc thù riêng từng trường.

Trong khi đó, nếu thực hiện xét tuyển, dù với tiêu chí nào vô hình chung sẽ tạo nên áp lực cho học sinh và dẫn đến một cuộc chạy đua về học bạ, về các chứng chỉ khác... bởi nếu chỉ xét 1 tiêu chí là rất khó và cần phải có nhiều tiêu chí khác nhau.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo hình thức xét tuyển, việc đảm bảo công bằng là điều cần cân nhắc

Qua nhiều năm tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 với nhiều hình thức như thi tuyển, kiểm tra năng lực và xét tuyển, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương) cho biết: Trường chúng tôi đã có 3 năm thực hiện xét tuyển đầu vào và so với các năm thi tuyển, chất lượng khá tương đương. Tuy nhiên, để xét tuyển một cách khách quan, chính xác thì mình phải đưa ra thang điểm phù hợp.

Ở huyện chúng tôi, ngoài căn cứ vào điểm học bạ, điểm thi cuối học kỳ II của học sinh lớp 5, chúng tôi còn căn cứ vào các tiêu chí phụ từ các sân chơi của tuổi học trò. Nhưng việc cho điểm sẽ tùy thuộc vào từng cuộc thi khác nhau.

Những cuộc thi nào, do huyện, do sở tổ chức, đảm bảo về chất lượng, điểm số sẽ cao. Những cuộc thi nào mang tính chất đại trà, không có nhiều căn cứ để đánh giá độ tin cậy, mức điểm sẽ cho thấp hơn để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương)

Từ những khó khăn này, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cũng cho rằng, trong giáo dục cần có giáo dục chất lượng đại trà, đào tạo kiến thức đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến chất lượng mũi nhọn, đào tạo nhân tài theo thiên hướng của từng học sinh, trong đó có cả những học sinh thiên về bộ môn văn hóa, phân hóa theo từng đối tượng. Vì thế, để tuyển sinh đầu vào có chất lượng và đảm bảo“Bộ phải trao quyền tự chủ cho các địa phương để phù hợp với thực tiễn”.

Học sinh thành phố Vinh tham gia Ngày hội Stem. Ảnh - Mỹ Hà
Học sinh thành phố Vinh tham gia Ngày hội Stem. Ảnh: Mỹ Hà

Về những thay đổi của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6, trả lời một số cơ quan báo chí trong ngày hôm nay, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2014, Bộ quy định tuyển sinh THCS theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh thuận lợi, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh đến trường. Tuy nhiên, đến năm 2018, trước thực tế một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký vào học, việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được, Bộ cho phép các trường này có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Nhưng, thực tế có một số trường đã tuyển sinh như một kỳ thi.

Với Thông tư 30 mới ban hành, ông Thành cho rằng: Thông tư 30 quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển. Vì thế, các Sở Giáo dục và Đào tạo phải xây dựng bộ tiêu chí, áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường có đông thí sinh đăng ký và đạt yêu cầu chung hơn chỉ tiêu. Ngoài các tiêu chí trong hồ sơ xét tuyển, các trường có thể đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm hoạt động của học sinh, hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực.

Mới nhất

x
Xung quanh bỏ thi tuyển vào lớp 6: Đừng để áp lực ‘chồng’ áp lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO