Ngành Giáo dục trả lời cử tri TP. Vinh về giải pháp giảm áp lực tuyển sinh lớp 10
Tăng trường lớp để giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 10 là mong muốn của nhiều cử tri trên địa bàn thành phố Vinh. Vì thế, người dân kiến nghị cần mở rộng hoặc mở thêm phân hiệu các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Những năm gần đây, khi số lượng học sinh thi vào các trường công lập trên địa bàn tăng nhanh, việc trúng tuyển vào các trường công lập sẽ khó khăn hơn, vì chỉ tiêu của các trường chỉ đáp ứng được khoảng 70% học sinh trên địa bàn. Dự kiến từ năm học tới, lứa học sinh sinh năm 2011, 2012, 2013, số lượng học sinh thi vào lớp 9 của thành phố (chưa tính sáp nhập Cửa Lò và một số xã của Nghi Lộc) sẽ từ 8.000 – 9.000 học sinh/năm, tăng hơn từ 2.000 – 3.000 học sinh so với kỳ thi năm 2024.
Trả lời cử tri thành phố về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong các năm học gần đây, để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh thành phố Vinh, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển các trường THPT ở thành phố Vinh và vùng phụ cận theo hướng sẽ tăng lớp, tăng sĩ số.
Riêng năm học 2024 - 2025, đã tăng thêm cho các Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Lê Viết Thuật mỗi trường 3 lớp, cho tuyển sinh 3 lớp 10 Trường Phổ thông thực hành Đại học Vinh.
Nhờ đó, đã tăng thêm 12 lớp 10 công lập. Bên cạnh đó, xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT công lập lân cận Vinh, tại các địa bàn: Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Với các biện pháp đó, đã góp phần giảm áp lực vào lớp 10 công lập cho học sinh thành phố Vinh.
Theo số liệu thống kê của thành phố, sau 3 năm nữa học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn tỉnh sẽ lên đến đỉnh với 72.618 em, trong đó thành phố Vinh có hơn 9.000 em. Quy mô 70.000 học sinh lớp 9 duy trì trong nhiều năm.
Để phù hợp với quy mô dân số và xu hướng phát triển, thành phố cũng đã có những giải pháp mở rộng quy mô trường lớp trên địa bàn thành phố Vinh. Theo đó, sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của Nghi Lộc, thành phố Vinh sẽ có 6 trường THPT công lập, tăng số trường công lập trên quy mô dân số.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tại xã Nghi Ân; chỉ đạo các trường THPT tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học trong điều kiện có thể để tăng quy mô tiếp nhận học sinh.
Theo kế hoạch của ngành, khi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chuyển về địa điểm mới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng thành phố Vinh triển khai phương án đưa Trường THCS Đặng Thai Mai tiếp nhận cơ sở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và phát triển THCS Đặng Thai Mai thành trường liên cấp THCS và THPT.
Sở cũng đưa ra giải pháp tăng dần quy mô số lớp tại hai trường THPT chuyên Phan Bội Châu và chuyên Đại học Vinh, nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh của thành phố Vinh.
Đồng thời, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường ngoài công lập có chất lượng giáo dục tốt như Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Trường Phổ thông Herrmann Gmeiner, Phổ thông Việt Anh có thể tăng quy mô số lớp, số học sinh.
Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng thêm trường học trên địa bàn để thực hiện xã hội hóa giáo dục, tạo thêm nhiều cơ hội học tập cho học sinh.