Y học thể thao ở Nghệ An: Thiếu chuyên nghiệp

03/11/2016 10:22

(Baonghean) - Một lãnh đạo Trung tâm đào tạo và huấn luyện TDTT Nghệ An khẳng định: Với tình trạng y học thể thao hiện tại, chúng ta khó để có các vận động viên tài năng, đạt thành tích cao.

“Cứu rỗi” sự nghiệp vận động viên

33 tuổi, bác sỹ Trần Ngọc Mạnh đã có 7 năm công tác tại Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An. Công việc hàng ngày của anh là theo sát đội để kiểm tra chế độ ăn, cho đến cùng các cầu thủ ra sân để chuẩn bị các điều kiện tập luyện, thực hiện việc kiểm tra vận động và cung cấp kế hoạch vận động; sẵn sàng cấp cứu, xoa bóp cho vận động viên khi xảy ra va chạm, chấn thương.

Thi đấu, tập luyện cường độ cao, chấn thương thường xuyên xảy ra.Ảnh: Đức Chuyên
Thi đấu, tập luyện cường độ cao, chấn thương thường xuyên xảy ra. Ảnh: Đức Chuyên

Theo bác sỹ Trần Ngọc Mạnh: Chấn thương của vận động viên bóng đá khá đa dạng, song chủ yếu thường gặp vẫn là lật cổ chân (bong gân), chuột rút, căng cơ, rách cơ, đau xương, khớp. Nặng hơn là đứt dây chằng, gãy xương mác, đĩa đệm, chêm, sụn và thậm chí là chấn thương sọ não... Với các trường hợp nhẹ, bác sỹ thể thao có thể thực hiện sơ cứu, điều trị tại chỗ; trường hợp nặng thì phải đi điều trị ở bệnh viện đa khoa, chuyên ngành.

Ở Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An, việc các cầu thủ gặp phải chấn thương nhẹ vẫn thường xảy ra do điều kiện sân bãi tập luyện, thi đấu kém. Với những chấn thương nặng, khó, sau khi kiểm tra, sẽ bố trí các cầu thủ đi điều trị ở Bệnh viện Thể thao (Hà Nội) hoặc ra nước ngoài điều trị. Như các cầu thủ Mạnh Hùng, Thế Nhật đều từng phải ra Bệnh viện Thể thao điều trị đứt dây chằng hay HLV Đức Thắng từng phải sang Singapore phẫu thuật...

Bác sỹ Trần Ngọc Mạnh chia sẻ thêm: "Có những chấn thương nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng thực tế rất nặng và ngược lại. Không ít lần bác sỹ ở các bệnh viện thông thường không thể nhìn ra, buộc phải nhờ cậy đến bác sỹ chuyên ngành thể thao ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia".

Với những chấn thương phức tạp, người bình thường hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện thông thường, song với vận động viên đỉnh cao thì phải đến bác sỹ chuyên ngành thể thao có chuyên môn cao để điều trị. Đã có nhiều vận động viên tài năng của Việt Nam sau khi mổ ở bệnh viện thông thường có thể đi lại, chạy bình thường song không thi đấu trở lại, hoặc thi đấu ở đẳng cấp cao được. Tiền đạo Trần Minh Chiến - “sát thủ” thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam sau nhiều ca phẫu thuật chấn thương trong nước nhưng vẫn không thể nào thi đấu trở lại và phải chấm dứt sự nghiệp ở tuổi 22.

Cũng theo bác sỹ Trần Ngọc Mạnh: Ở Việt Nam, y học thể thao hãy còn mới mẻ, đang có những bước phát triển nhanh. Nếu như cách đây vài năm (năm 2010) Quả bóng vàng Lê Công Vinh từng phải bán siêu xe để lấy tiền đi Bồ Đào Nha tiến hành ca mổ rách dây chằng đầu gối, nhằm cứu vãn sự nghiệp vào năm 2010, thì đến nay các ca chấn thương như vậy có thể điều trị tốt ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình phục hồi còn phải dựa vào ý chí, nghị lực của các vận động viên, cũng như sự tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sỹ.

Khoảng trống mênh mông

Trên thế giới, mặc dù từ lâu các đội thể thao đã sử dụng các bác sỹ chuyên khoa, nhưng phải tới cuối thế kỷ XX, y học thể thao mới trở thành một lĩnh vực riêng biệt trong chăm sóc sức khỏe. Ở nhiều nước phát triển như Úc, Hà Lan, Na Uy hay Ý, bác sỹ thể thao đã trở thành một chuyên ngành chính trong đào tạo y khoa; nhiều nước khác đã thành lập các viện nghiên cứu nhằm phát triển tố chất con người, tuyển chọn và nâng cao thành tích vận động viên.

Ở Việt Nam, y học thể thao mới bắt đầu phát triển được vài năm trở lại đây khi mà Bệnh viện Thể thao ra đời (năm 2006) hay Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh (Từ Sơn) phối hợp cùng các trường đại học y đưa y học thể thao vào chương trình đào tạo chính thức.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các bác sỹ thể thao chỉ chuyên về lĩnh vực điều trị trong khi đó đây chỉ là một phần rất nhỏ trong y học thể thao; các huấn luyện viên thể thao mới chỉ được trang bị các kiến thức về tâm sinh lý, dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của các vận động viên khá sơ sài.

Bác sỹ Trần Ngọc Mạnh chăm sóc cho cầu thủ bị chấn thương. Ảnh: Đức Chuyên
Bác sỹ Trần Ngọc Mạnh chăm sóc cho cầu thủ bị chấn thương. Ảnh: Đức Chuyên

Riêng với Nghệ An, y học thể thao còn là một khoảng trống mênh mông. Bác sỹ Trần Ngọc Mạnh thừa nhận: “Không chỉ riêng ở Nghệ An mà gần như cả Việt Nam chưa có bác sỹ thể thao đúng nghĩa. Tất cả đều chỉ mới tham gia các khóa học ngắn hạn ở trong nước hoặc nước ngoài. Muốn được đào tạo chính quy cần phải theo học ở nước ngoài...”.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo huấn luyện Thể dục thể thao Nghệ An cho biết: “Ở 19 bộ môn huấn luyện, đào tạo của trung tâm, thường có vận động viên bị chấn thương xảy ra trong quá trình tập luyện và thi đấu. Song trung tâm hiện mới chỉ có 2 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sỹ quân y sắp nghỉ hưu. Với điều kiện thiếu máy móc trang bị, hiện cán bộ y tế chỉ có thể sơ cứu, điều trị các chấn thương đơn giản tại chỗ”.

Y học thể thao không đơn thuần là điều trị chấn thương mà còn là việc nghiên cứu tiềm năng, chế độ dinh dưỡng bổ trợ, sử dụng thực phẩm - thuốc tăng cường sức bền, sức mạnh... Ông Nguyễn Hoàng Trung khẳng định: “Riêng vấn đề dinh dưỡng, chế độ tập luyện mới đang làm theo kinh nghiệm chủ quan, thiếu khoa học. Với tình trạng y học thể thao hiện tại, chúng ta khó để có các vận động viên tài năng, đạt thành tích cao. Nhiều tài năng bị chấn thương không được phát hiện điều trị sớm dẫn đến tàn lụi. Nhiều vận động viên không được nghiên cứu tố chất vận động, hệ cơ xương khớp nên không được bố trí chế độ tập luyện, dinh dưỡng để phát triển”.

Thanh Sơn


TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Y học thể thao ở Nghệ An: Thiếu chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO