Một "địa chỉ đỏ"

26/04/2012 16:55

(Baonghean) - Khu di tích nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu vốn là vùng đất cổ ở thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành (Yên Thành). Nơi cách đây khoảng hơn 1.000 năm (17 đời), vị triệu tổ họ Phan Mạc, con Mạc Mậu Giang tên là Phan Huyền Linh từ ngoài Bắc vào lánh nạn, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp, mở trường dạy học.

Đây còn là nơi hai cụ thân sinh của Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Dư và Trần Thị Liễu dựng ngôi nhà nhỏ, sinh thành và dưỡng dục 4 người con, trong đó có Phan Đăng Lưu - người con trai cả cất tiếng khóc chào đời vào ngày 28 tháng 3 năm Nhân Dần, tức ngày 5/5/1902. Nơi đây, Phan Đăng Lưu sống những ngày niên thiếu, học chữ Hán với cha và những thầy đồ trong làng, sau đó vào Vinh học tiểu học, vào Huế học Trường Quốc học. Cũng từ nơi này, Phan Đăng Lưu tạm biệt cha mẹ lên đường ra Tuyên Quang học Trường Cao đẳng Canh nông thực hành và trở thành người kỹ sư canh nông đầu tiên của Yên Thành.



Ngôi nhà của gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu được xây từ những năm đầu thế kỷ XX.

Những năm 1927, 1928, sau khi về Nghệ An tham gia Đảng Tân Việt, Phan Đăng Lưu về quê tụ họp những thanh niên yêu nước nhen nhóm thành lập cơ sở Tân Việt ở Tràng Thành, chuyển các tài liệu cách mạng về các cơ sở Tân Việt và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Yên Thành, Diễn Châu, là người gieo những hạt giống cách mạng đầu tiên ở vùng đất này.

Cũng từ nơi này, những năm 1936-1938, sau khi ra tù, Phan Đăng Lưu với tư cách là Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, rồi Uỷ viên Trung ương phụ trách phong trào đấu tranh công khai hợp pháp của Đảng ở Trung Kỳ đã về quê, tham gia khôi phục lại các cơ sở đảng ở Yên Thành, tổ chức các hoạt động đòi dân sinh, dân chủ. Tại đây, những người thân trong gia đình Phan Đăng Lưu nhận được 2 bức thư của ông viết từ khám tử hình, "cha xem sự ra đi của cha như một giấc ngủ dài". Để rồi từ đó, những đóng góp của ông trong việc xây dựng đường lối cách mạng của Đảng, trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cách mạng, nhất là thế hệ trẻ thời bấy giờ như Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Hồng Chương... trong việc nêu cao khí tiết của người trí thức cách mạng tiêu biểu của Đảng, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và nhân văn. Mảnh đất này là nơi chôn rau cắt rốn của một trong những vị lãnh tụ tiền bối của Đảng. Ngôi nhà lưu niệm này được các cụ thân sinh Phan Đăng Lưu xây dựng từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước.

Những năm 1954-1955, gia đình Phan Đăng Lưu bị quy sai, ngôi nhà này bị tịch thu chia cho các hộ nông dân. Sau năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã chuộc lại ngôi nhà, chuộc lại khu vườn và từng bước trùng tu, phục chế lại ngôi nhà gần như nguyên trạng. Năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Từ đó, con cháu trong dòng họ, Đảng bộ và nhân dân Hoa Thành cũng như Đảng bộ và nhân dân Yên Thành xem đây là một địa chỉ đỏ, nơi gìn giữ những kỷ vật, kỷ niệm về Phan Đăng Lưu - "người cộng sản lỗi lạc" (chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người con ưu tú của quê hương Yên Thành anh hùng.

Nơi đây, nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như Phan Văn Khải (nguyên Thủ tướng), Phan Diễn (nguyên Thường trực Ban Bí thư) và hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế và nhất là thế hệ trẻ đến thăm. Ngôi nhà này trở thành kỷ vật vô giá, thành niềm tự hào, nơi giáo dục truyền thống về một con người, một nhân cách đã làm rạng danh cho quê hương.


Đức Chuyên

Mới nhất
x
Một "địa chỉ đỏ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO