Trường hợp cần thiết, có thể thuê thẩm định theo cơ chế hiện hành
(Baonghean) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định, chính sách bảo hiểm tàu cá đánh bắt xa bờ đã thực hiện được vai trò là giải pháp bảo đảm an toàn tài chính cho ngư dân vươn khơi xa. Bên lề lễ trao tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trị giá gần 3 tỷ đồng ngày hôm qua tại tỉnh Quảng Ngãi, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) Nguyễn Quang Huyền về vấn đề này.
P.V: Thưa ông Nguyễn Quang Huyền, cho tới nay, qua thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá, ông đánh giá như thế nào về việc nhà nước ráo riết vận động ngư dân sử dụng phương tiện bảo hiểm theo Nghị định 67?
Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Huyền: Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển hoạt động khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, hỗ trợ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương của Thủ tướng Chính phủ, sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, sự tích cực, khẩn trương của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả nhất định, được ngư dân tích cực hưởng ứng tham gia.
![]() |
Chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi của ngư dân Cửa Lò. Ảnh: A.V |
Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 30/6/2015 đã có 4.346 tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ với tổng số tiền bảo hiểm là 10.279,9 tỷ đồng; có 42.110 thuyền viên tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng số tiền bảo hiểm: 2.947,7 tỷ đồng. Cho tới nay, đã xảy ra nhiều vụ tổn thất tàu cá với số tiền ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó vụ bồi thường tàu cá QNG đến hôm nay là vụ có số tiền bồi thường lớn nhất. Các DNBH đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định thiệt hại, xác định phạm vi bảo hiểm, để xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật một cách nhanh chóng nhất. Chính điều này đã giúp ngư dân, chính quyền địa phương, các ban, ngành tham gia hiểu rõ hơn về tính bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an toàn tài chính của giải pháp bảo hiểm.
P.V: Về việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm, ông có thể cho biết còn những dự kiến gì có thể sẽ được bổ sung để giúp bà con ngư dân tiếp cận với bảo hiểm tàu cá tốt hơn?
Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Huyền: Để thực hiện Nghị định 67, trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đã chấp thuận 4 DNBH tham gia triển khai chính sách bảo hiểm bao gồm Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chấp thuận đăng ký các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm khai thác hải sản để các DNBH thực hiện thống nhất. Ngoài ra, việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền; thành lập các đoàn công tác làm việc trực tiếp tại địa phương để nắm tình hình thực tiễn ở cơ sở, giải thích chính sách, chế độ và tham gia góp ý với địa phương về những nội dung cần triển khai.
Chúng tôi đã chỉ đạo, giám sát các DNBH trong việc tổ chức triển khai nghiệp vụ, thiết lập mạng lưới đại lý, ban hành quy trình khai thác, giám định, bồi thường, theo dõi hợp đồng bảo hiểm; chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng thực hiện công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm bảo đảm nghĩa vụ cam kết khi phát sinh sự kiện bảo hiểm. Đến nay các DNBH đã ký hợp đồng và có doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính cho thấy, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, các DNBH tổ chức triển khai thực hiện. Công tác triển khai đã được chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Các bộ, ngành đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin cũng như chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Công tác triển khai chính sách (đặc biệt là chính sách bảo hiểm) đã có được kết quả nhất định, được ngư dân hưởng ứng và tham gia.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đánh giá là cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về kinh phí thường xuyên (phí bảo hiểm, hỗ trợ đào tạo, phí vận chuyển đối với tàu dịch vụ) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, bố trí ngân sách, tuy nhiên, một số địa phương chưa lập dự toán gửi về Bộ Tài chính. Mặt khác, tiến độ giải ngân còn chậm. Về cấp bù lãi suất hiện nay chưa thực hiện do các tổ chức tín dụng chưa có báo cáo, mặt khác theo đánh giá của Bộ Tài chính doanh số cho vay còn thấp nên các đối tượng chưa thực sự được hưởng chính sách này. Về bảo hiểm, tuy đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, tỷ lệ được bảo hiểm còn thấp (tỷ lệ tàu và ngư lưới cụ đạt 6,4%, thuyền viên đạt 8,2%). Việc hướng dẫn thành lập tổ đội ở các địa phương còn chậm; UBND huyện chưa thẩm định báo cáo UBND tỉnh phê duyệt đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các DNBH còn có khó khăn khi xác định tuổi con tàu; chưa rõ thúng chai (tàu câu mực) thuộc thân tàu hay ngư lưới cụ để có hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp.
P.V: Vậy Bộ Tài chính đã có đề xuất, kiến nghị gì để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tốt tinh thần của Nghị định 67, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Huyền: Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Tài chính với Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhận được một số đề xuất, kiến nghị của địa phương và các bộ, ngành. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về điều kiện được hỗ trợ đối với chủ tàu là thành viên của tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản như ở tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính cần giữ nguyên vì vấn đề này đã quy định trong Nghị định số 67/2014/NĐ-CP với mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, thay đổi lại phương thức sản xuất khai thác nguồn lợi hải sản trên biển. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là các chủ tàu là thành viên của các nghiệp đoàn nghề cá (như đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi). Theo Bộ Tài chính, nếu nghiệp đoàn có tính chất như tổ đội, hợp tác xã thì Bộ Tài chính cũng đồng ý trình Chính phủ xem xét, chấp thuận. Có ý kiến đề nghị bỏ mục xác nhận giá trị tàu tại mẫu văn bản xác nhận đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm do UBND xã xác nhận (như đề xuất của tỉnh Bến Tre). Bộ Tài chính tiếp thu và dự kiến sẽ sửa lại theo hướng giao cho DNBH thẩm định xác định, thỏa thuận với chủ tàu. Trường hợp cần thiết, các DNBH có thể thuê thẩm định theo cơ chế hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn trả lời các đề xuất cho phép các trường hợp mua bảo hiểm trước khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực được hưởng chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP; đề nghị bổ sung thiết bị đầu cuối; đề nghị cho phép các trường hợp đóng tàu trước khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, cân nhắc khả năng hạ lãi suất, lãi suất cho vay vốn lưu động.
Từ tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thành lập các tổ đội, hợp tác xã; hướng dẫn các chủ tàu tham gia các tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản. Hướng dẫn rõ để các địa phương thực hiện thống nhất về việc thúng chai (sử dụng trên các tàu câu mực) thuộc đối tượng là thân tàu hay ngư lưới cụ để tạo điều kiện cho các DNBH và chủ tàu ký kết hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp.
Đối với các địa phương, đối với những địa phương chưa có văn bản báo cáo nhu cầu kinh phí, đề nghị khẩn trương gửi báo cáo về Bộ Tài chính để xử lý theo quy định. Đối với các địa phương đã được tạm ứng kinh phí, đề nghị phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí đã được tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho ngân sách địa phương theo quy định (đồng thời thu hồi số đã tạm ứng). Đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục xác nhận đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cũng như chỉ đạo các cơ quan đăng kiểm và các cơ quan có thẩm quyền cung cấp các giấy tờ, bằng chứng xác định giá trị tàu. Trong đó, việc phối hợp với bộ đội biên phòng và các cơ quan có liên quan hỗ trợ, cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, chủ tàu các tài liệu liên quan đến việc xác định phạm vi hoạt động của tàu, danh sách thuyền viên làm việc trên tàu và các tài liệu liên quan khác tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện công tác giám định, giải quyết bồi thường bảo hiểm được nhanh chóng, thuận lợi.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị căn cứ mặt bằng lãi suất thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức lãi suất cho vay làm căn cứ cấp bù cho các ngân hàng thương mại và mức lãi suất cho vay vốn lưu động đối với các chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Sông Hồng