10 chiêu tiết kiệm tiền cho tân sinh viên
(Baonghean.vn) - Cân bằng giữa học tập, sinh hoạt, giao lưu bạn bè với một chi phí eo hẹp luôn là một bài toán khó với những sinh viên sống xa gia đình.
Với nhiều bạn trẻ, đi học đại học xa nhà đồng nghĩa với việc có một cuộc sống riêng. Do đó, họ phải học cách cân bằng giữa học tập, sinh hoạt, giao lưu bạn bè trong một khoản ngân sách eo hẹp. Dưới đây là những cách giúp sinh viên sống tiết kiệm hơn.
1. Mượn, xin giáo trình
Đặc thù của học đại học đó là có những môn chỉ học 1 kỳ và sau đó không cần dùng lại nữa. Vì thế, hãy tận dụng nguồn sách của thư viện. Hầu hết thư viện trường nào cũng cho mượn giáo trình cùng rất nhiều tài liệu tham khảo. Làm được điều này là mỗi kì học bạn có thể bỏ ra được khoản tiền không nhỏ, đặc biệt vào thời kì đầu năm học.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi xin các anh chị khóa trên tài liệu. Hầu hết các "tiền bối" đều có sách, tài liệu giữ lại, bạn tận dụng "nguồn" này vừa không tốn tiền mua, vừa học hỏi được cách học từ người đi trước.
2. Lên danh sách mua sắm
Trước khi mua sắm, bạn nên tạo một danh sách những gì mình cần mua. Hãy tự tạo cho mình quy tắc: không mua bất cứ thứ gì ngoài danh sách nêu trên. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí của bạn ở mức tối thiểu.
3. Chỉ mua những thứ thật sự cần thiết
Tuyệt đối không mua những thứ bạn không cần hoặc không sử dụng nhiều. Nếu bạn đắn đo trước một món đồ, hãy bỏ nó xuống, suy nghĩ thật kĩ xem mình có thật sự cần nó hay không. Nếu giày của bạn còn mới thì đừng đến cửa hàng giày, đừng mua chiếc váy bạn chỉ có thể mặc một lần,… tiền trong túi bạn sẽ lần lượt ra đi nếu bạn tiêu vào những thứ không đáng.
4. Đừng quá say mê đồ giảm giá
Đôi khi bạn chỉ mua món đồ đó vì nó đang được khuyến mại hay không. Dù đồ có rẻ hay không, bạn không nên chi tiêu vào món đồ đó nếu bạn biết mình sẽ không bao giờ sử dụng nó.
5. Đừng ngại mặc cả
Nếu bạn cảm thấy ngại khi mặc cả thì bạn đã mất một khoản tiền khá lớn. Hãy mặc cả để tiết kiệm thêm cho mình nhiều tiền hơn.
6. Tự nấu ăn
Tự nấu ăn sẽ giúp bạn giảm một nửa chi phí cho việc ăn uống. Bạn có thể mua một cuốn sách nấu ăn, tập chế biến nhiều món cho hợp khẩu vị. Tự nấu ăn không chỉ rẻ hơn mà còn giúp bạn khỏe mạnh hơn.
7. Học cách sửa chữa đồ đạc
Khi những đồ dùng trong nhà như máy tính, vòi nước, bóng điện,… bị hỏng, bạn đừng vội gọi thợ hay vứt đi và mua mới mà hãy thử xem mình có thể sửa chữa được không.
Hầu hết công việc sửa chữa không khó như bạn tưởng, bạn chỉ cần tìm tòi một chút là đã có thể tiết kiệm được một khoản tiền.
8. Đừng chạy theo công nghệ
Nếu bạn đã có một chiếc smartphone, laptop, máy ảnh,…hãy tận dụng nó và đừng thay thế nếu chúng chưa hỏng. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ có đủ khả năng đuổi theo công nghệ.
9. Kiên trì
Hãy kiên trì với kế hoạch tiết kiệm của bạn. Đừng tiết kiệm trong một thời gian dài sau đó phung phí khoản tiền tiết kiệm được. Kiếm củi ba năm thiêu đốt một giờ không phải là sự lựa chọn thông minh.
10. Tìm việc làm thêm
Tận dụng thời gian rảnh rỗi làm thêm một công việc nào đó vừa giúp bạn kiếm thêm một khoản thu nhập vừa giảm bớt thời gian tiêu tiền.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|