10 năm - một chặng đường phát triển
- Trong sự lớn mạnh của Trường Đại học Vinh hôm nay, khoa Kinh tế cũng từng bước trưởng thành và phát triển. Sau 10 năm chung tay góp sức, vượt qua khó khăn, tập thể cán bộ, sinh viên luôn nêu cao tinh thần phấn đấu để hoàn thành mục tiêu xây dựng Khoa trở thành khoa đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế cho địa phương và khu vực.
(Baonghean) - Trong sự lớn mạnh của Trường Đại học Vinh hôm nay, khoa Kinh tế cũng từng bước trưởng thành và phát triển. Sau 10 năm chung tay góp sức, vượt qua khó khăn, tập thể cán bộ, sinh viên luôn nêu cao tinh thần phấn đấu để hoàn thành mục tiêu xây dựng Khoa trở thành khoa đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế cho địa phương và khu vực.
Nhớ lại những kỷ niệm của buổi đầu thành lập khoa, PGS, TS Nguyễn Đăng Bằng - nguyên Trưởng khoa Kinh tế, cho biết: Ngày 24/2/2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập khoa Kinh tế, trực thuộc Trường ĐHV. Sự ra đời của khoa Kinh tế như một mốc son đánh dấu sự chuyển hướng đa ngành của trường ĐHV. Tại thời điểm đó, khoa chỉ có 8 cán bộ giảng dạy, 2 cán bộ hành chính. Khóa tuyển sinh đầu tiên (2003-2007) chỉ có 44 sinh viên ngành Quản trị kinh doanh - những đứa con đầu lòng của khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5/2007, tổng số cán bộ đã tăng lên 25 người, tổng số sinh viên tính đến năm học 2007-2008 đã là 5.200 sinh viên (cả chính quy và vừa học vừa làm). Ngành đào tạo gồm Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng.
Không dừng lại ở đó, sau khi tạm thời ổn định, công tác phát triển đội ngũ được lãnh đạo Khoa đặt lên hàng đầu, xem đây là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Khoa. Từ đó, Khoa đã tạo mọi điều kiện cần thiết để giúp cán bộ viên chức không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, đến nay trong số 54 cán bộ, đã có 1 phó giáo sư, 4 tiến sỹ, 12 nghiên cứu sinh, 30 thạc sỹ, 10 cán bộ đang theo học cao học.
Tập thể cán bộ giáo viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh
10 năm trôi qua, khoa Kinh tế ngày một trưởng thành và lớn mạnh. Số lượng sinh viên tăng lên hàng năm và hiện là Khoa có số lượng sinh viên đông nhất, năm học 2011- 2012 là 7.290 sinh viên. Về ngành nghề đào tạo, năm học 2011-2013, Khoa mở thêm ngành Kinh tế (chuyên ngành Kinh tế đầu tư), nâng tổng số ngành đào tạo lên 4 ngành. Cùng với toàn trường, khoa Kinh tế đã chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Khoa đã xây dựng 4 bộ chương trình cho 4 ngành thuộc hệ chính quy; 9 bộ chương trình 3 ngành đào tạo cho hệ vừa học vừa làm cho 3 đối tượng khác nhau là THPT, THCN và cao đẳng liên thông. Chương trình đào tạo của khoa luôn gắn đào tạo với sử dụng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội. Ngay sau mỗi khóa sinh viên ra trường, Hội đồng khoa học và đào tạo khoa đều có sự điều chỉnh nội dung kiến thức và khung sao cho phù hợp. Năm 2012, Khoa đã xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo từ xa cho ngành Kế toán và tuyển sinh hệ đào tạo từ xa. Cho đến nay, có 10 bộ giáo trình đã xuất bản thành sách. Một số tài liệu chuyên khảo, tham khảo đang chuẩn bị xuất bản để phục vụ sinh viên.
Hàng năm, khoa Kinh tế đều tổ chức các hội thảo khoa học cho cán bộ, sinh viên. Cùng với đó, đã tổ chức thành công 4 diễn đàn doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý với cán bộ và sinh viên. Các diễn đàn vừa mang tính đào tạo, học thuật, vừa rèn luyện kỹ năng cho cán bộ, sinh viên. Thông qua các diễn đàn đã góp phần tạo cơ hội để giới thiệu sinh viên với doanh nghiệp và doanh nghiệp với sinh viên. Nhờ đó, nhiều sinh viên của khoa được các doanh nghiệp biết đến. Chính vì vậy, không ít sinh viên sau khi ra trường đã trở thành cán bộ, nhân viên của các công ty, doanh nghiệp ở trong tỉnh, ở khu vực và cả nước.
Xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng hoạt động nghiên cứu là tiêu chí đặc trưng quan trọng, khoa đã gửi cán bộ đi học tập và nghiên cứu ở một số trường đại học của các nước: Anh, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Ấn Độ, Úc, New Zealand... Đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác với một số cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai một số chương trình, dự án nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên bước đường xây dựng và phát triển chung của nhà trường, các tổ chức Công đoàn, Liên chi đoàn khoa Kinh tế luôn phối kết hợp chặt chẽ để triển khai tốt các hoạt động sinh hoạt chính trị, hoạt động xã hội, hoạt động tập thể... Sinh viên của khoa trở thành lực lượng chủ chốt trong phong trào Đoàn và Hội sinh viên của trường. Các hoạt động VHVN, TDTT của trường sinh viên khoa Kinh tế đều đạt thành tích cao.
Có thể nói, mười năm là chặng đường chưa dài, những kết quả nêu trên mới chỉ là những con số khiêm tốn. Nhưng, sự phát triển về số lượng, sự trưởng thành không ngừng về chất lượng của đội ngũ giảng viên, về chương trình đào tạo, về hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của khoa trong 10 năm qua là bằng chứng rõ nhất khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của việc thành lập khoa Kinh tế tại Trường Đại học Vinh. Trên cơ sở đó, chúng ta có quyền tin rằng, 10 năm qua sẽ là tiền đề, là cơ sở vững chắc để khoa Kinh tế ngày một vững bước đi lên, mở rộng các hình thức đào tạo đa dạng, các lĩnh vực phù hợp nhu cầu và sự phát triển của xã hội.
Tiến sỹ Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Vinh cho biết: Kể từ đợt tuyển sinh năm 2013, ngoài tuyển sinh 4 mã ngành đại học chính quy, 3 mã ngành đào tạo vừa học vừa làm, 1 mã ngành từ xa, khoa Kinh tế chính thức đào tạo trình độ thạc sỹ kinh tế. Dự kiến trong năm 2014 khoa tiếp tục mở thêm các mã ngành đào tạo thạc sỹ Quản lý kinh tế, Kinh tế phát triển, Kế toán. Từ nay đến 2015, khoa sẽ mở thêm chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Kiểm toán, Tài chính doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh quốc tế. Từ năm 2015, Khoa sẽ có 10 chuyên ngành đào tạo bậc đại học (gồm: Quản trị kinh doanh, Quản trị kinh doanh quốc tế, Kế toán, Kiểm toán, Ngân hàng thương mại, Tài chính doanh nghiệp, Kinh tế đầu tư, Kinh tế đối ngoại, Quản lý kinh tế, Kinh tế phát triển); 4 chuyên ngành đào tạo sau đại học (Kinh tế chính trị, Quản lý kinh tế, Kinh tế phát triển, Kế toán). Mỗi khóa sẽ có khoảng 1000 sinh viên hệ chính quy và 800 sinh viên hệ không chính quy, 200 học viên cao học.
Bài, ảnh: Đặng Nguyễn