10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015
(Baonghean) - Cùng Báo Nghệ An điểm lại những sự kiện quốc tế là tâm điểm chú ý của giới truyền thông và dư luận thế giới trong năm qua.
1- Động đất tại Nepal
Nepal hứng chịu thảm kịch thiên nhiên tồi tệ nhất trong 80 năm qua. Ảnh: Internet. |
Ngày 25/4, trận động đất 7,9 độ Richter đã xảy ra tại Nepal. Có khoảng 9.000 người thiệt mạng và 23.000 người khác bị thương sau thảm kịch thiên nhiên tồi tệ nhất tại quốc gia này trong 80 năm qua. 6 tháng sau, ngày 26/10, một trận động đất 7,5 độ Richter cũng đã làm rung chuyển một khu vực rộng từ Afghanistan đến Pakistan, thậm chí sang cả Ấn Độ, khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương.
2 - Khủng hoảng di cư tại châu Âu
Hơn 1 triệu người di cư vượt biển tới châu Âu trong năm 2015. Ảnh: Internet. |
Cuộc khủng hoảng chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai là cách so sánh thường dùng để nói về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hiện nay. Trong bối cảnh tình hình xung đột và bất ổn ở cả Trung Đông và Bắc Phi tiếp diễn liên miên, hàng trăm nghìn người tị nạn vẫn cố tìm đường đến “miền đất hứa” châu Âu, khiến “lục địa già” phải loay hoay chống đỡ, tìm cách giải quyết hệ lụy và chặn đứng dòng người ồ ạt đổ về ngày một đông. Ước tính năm 2015 có tới hơn 1 triệu người mạo hiểm mạng sống vượt Địa Trung Hải để tới EU, cao điểm trong các tháng mùa hè - thời gian lý tưởng để di cư.
3 - Đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1
Iran và P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ quốc tế. Ảnh: Internet. |
Ngày 14/7, tại thủ đô Vienna của Áo, Iran và nhóm 6 cường quốc P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức) đã hoàn tất thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran, theo đó Tehrean sẽ không phát triển các chương trình hạt nhân để đổi lấy việc tháo gỡ các lệnh trừng phạt áp đặt trong 30 năm qua đối với quốc gia này. Thỏa thuận được đánh giá là sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ quốc tế và nhận được sự đồng tình cao của dư luận nhiều nước trên thế giới.
4 - Phát hiện nước ở dạng lỏng trên sao Hỏa
Các nhà khoa học tin rằng nước đã tạo ra hình thái địa chất này trên Sao Hỏa. Ảnh: Internet. |
Trong cuộc họp báo ngày 28/9, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố phát hiện quan trọng của ngành khoa học vũ trụ - nước trên sao Hỏa không những tồn tại ở dạng băng mà còn dưới dạng lỏng. Lượng nước này đến từ đâu và trên sao Hỏa còn bao nhiêu nước hiện vẫn là “điều bí ẩn lớn” đối với giới khoa học. Tuy nhiên, phát hiện trên thêm củng cố giả thuyết có tiềm năng duy trì sự sống – bao gồm cả sự sống của con người trên một hành tinh ngoài Trái Đất.
5 - Đạt thỏa thuận về TPP
TPP dự báo sẽ là sân chơi lớn mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các nền kinh tế. Ảnh: Internet. |
Ngày 5/10, Bộ trưởng thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã cùng nhau đi đến thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. TPP bao gồm 12 thành viên: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản, chiếm 40% GDP thế giới và 30% giao dịch hàng hóa toàn cầu, dự báo sẽ là sân chơi lớn mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
6 - Khủng bố tại Paris
Một nạn nhân của loạt vụ tấn công khủng bố Paris được lực lượng cảnh sát giúp đỡ. Ảnh: Internet. |
Ngày 13/11 là ngày đẫm máu nhất lịch sử Pháp từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. 132 người thiệt mạng, hơn 350 người bị thương trong loạt vụ tấn công khủng bố liên hoàn do các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra. Sau các vụ việc, Tổng thống Pháp tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chưa bao giờ bóng ma IS lại ám ảnh đến vậy và từ khóa chủ nghĩa khủng bố lại khiến nhiều quốc gia và khu vực nóng lên.
7 - Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga
Quan hệ Nga-Thổ xấu đi nhanh chóng sau vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ của Moskva. Ảnh: Internet. |
Ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga. Ankara cho rằng máy bay của Moskva đã xâm phạm không phận của mình trong 17 giây, còn Tổng thống Nga Putin lại lên tiếng chỉ trích hành động “đâm sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố” của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc đã đẩy quan hệ Nga - Thổ xấu đi nhanh chóng, với loạt biện pháp trừng phạt của Moskva áp đặt lên Ankara, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và đối ngoại cho cả 2 bên.
8 - Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ quốc tế
Khi đồng nhân dân tệ chính thức góp mặt vào SDR, Trung Quốc sẽ đạt bước đột phá lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Ảnh: Internet. |
Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Theo đó, từ ngày 1/10/2016, giỏ tiền tệ quốc tế sẽ bao gồm 5 đồng tiền dự trữ chính thức: USD, euro, bảng Anh, yen Nhật và nhân dân tệ. Theo giới chuyên gia tài chính, khi đồng nhân dân tệ chính thức góp mặt vào SDR, Trung Quốc sẽ đạt bước đột phá lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
9 - COP21 đạt thỏa thuận “cứu” Trái Đất
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh thành công của COP21. Ảnh: Internet. |
Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) chính thức khai mạc tại Paris. Sau nhiều ngày đàm phán marathon căng thẳng, hôm 12/12, COP21 đã đạt thỏa thuận lịch sử giữa 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, chính thức có hiệu lực từ năm 2020 và bao gồm các điểm chính: duy trì mức nóng lên toàn cầu đến năm 2100 không quá 2 độ C, tiếp tục mọi nỗ lực để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C; từ năm 2020 các nước phát triển phải hỗ trợ tài chính với mức sàn 100 tỷ USD để thực thi thỏa thuận, mức này được điều chỉnh vào năm 2025; cơ chế rà soát 5 năm 1 lần từ năm 2023 nhằm thông báo để các nước “cập nhật và đẩy mạnh” các cam kết;…
10 - Hình thành Cộng đồng chung ASEAN
Ngày cuối cùng của năm 2015 đánh dấu mốc son hình thành Cộng đồng chung ASEAN. Ảnh: Internet. |
Ngày 31/12, Cộng đồng chung ASEAN chính thức được thành lập với sự tham gia của 10 nước thành viên khu vực Đông Nam Á: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, ngôi nhà chung ASEAN hứa hẹn sẽ trở thành nền kinh tế đầy tiềm năng phát triển.
Thu Giang
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|