11 luật, bộ luật nào sẽ có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2021?

Thảo Nhi 01/01/2021 09:16

(Baonghean.vn) - Kể từ ngày hôm nay, 1/1/2021, nhiều luật, bộ luật liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu, quyền lợi của người lao động, hay các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh...sẽ chính thức có hiệu lực.

Những vấn đề này được quy định cụ thể ra sao trong các văn bản pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2021?

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cách tính ra sao?

Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) được đánh giá là có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động (NLĐ). NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không cần lý do trong một số trường hợp như bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập, bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc, lao động nữ mang thai mà môi trường làm việc có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi, không được bố trí theo đúng công việc…

Đồng thời, từ 1/1/2021, HĐLĐ sẽ được giao kết theo một trong các loại: HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn. Như vậy, sẽ không còn HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Quy định này nhằm tránh trường hợp người sử dụng lao động trốn tránh các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm cho NLĐ.

Đại diện Công đoàn viên chức Nghệ An trao sữa động viên công nhân Công ty gạch gói và xây lắp Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Thu Hương

Bộ luật này quy định tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu nêu trên.

8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Luật Đầu tư năm 2020 có nhiều quy định mới. 8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã và mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên;

Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

So với quy định cũ, Luật Đầu tư 2020 đã giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 243 giảm còn 227). Và bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Luật này cũng quy định thêm hình thức ưu đãi đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Luật cũng có nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội…

Đại biểu QH chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung 20 trong tổng số 102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội (QH) hiện hành.

Đáng chú ý, về tiêu chuẩn của đại biểu QH, để bảo đảm tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu QH, Luật đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu QH. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, đại biểu QH bắt buộc chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam.

Luật cũng quy định tăng tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu QH. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu QH hoạt động chuyên trách từ QH khóa XV, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.

Việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, Luật cũng chấm dứt việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh; quy định thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh (hoàn thành trước ngày 1/7/2021), là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại

Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định 7 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án, gồm: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng;

Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, luật này cũng quy định hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc, trừ một số trường hợp.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đánh giá có nhiều nội dung, quy định mới nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, như quy định về điều kiện đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021...

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp, gồm: Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác...

Thanh niên Nghệ An nhận Bằng khen của Thủ tướng tại Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam. Ảnh: tư liệu

Tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và cống hiến

Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 41 điều. Theo đó, thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi, được Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Đồng thời, được áp dụng đối với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

Đáng chú ý, Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”; để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với 6 luật, bộ luật nêu trên, kể từ ngày 1/1/2021, 11 luật, bộ luật chính thức có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo (tổng hợp)
Copy Link

Mới nhất

x
11 luật, bộ luật nào sẽ có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2021?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO