13.000 ha lúa xuân thiệt hại do rét đậm rét hại
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, ruộng lúa nào mới gieo cấy nếu không bật rễ trắng có thể bừa đi, gieo bổ sung bằng giống ngắn ngày...
Theo thống kê mới nhất của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đợt rét đậm rét hại vừa qua, diện tích lúa ở miền Bắc thiệt hại khoảng 13.000 ha, trong đó tỉnh Thái Bình là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với diện tích hơn 10.000 ha.
Đến nay, tỉnh Thái Bình đã gieo cấy được 63.000 ha, đạt hơn 80% kế hoạch gieo cấy vụ xuân 2014. Tuy nhiên, do rét đậm rét hại khoảng 9.000 ha lúa của tỉnh phải cấy “dồn dặm” và gần 2.000 ha lúa phải gieo và cấy lại.
Diện tích lúa thiệt hại nhiều nhất chủ yếu trên trà lúa BT7, BC15… cấy bằng mạ non và mạ dược vào những ngày đầu tháng 2, đúng đợt rét đậm, rét hại.
Ông Đoàn Lăng Dậu, nông dân xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: “Qua đợt rét vừa qua, lúa nhổ lên thấy hiện tượng đen rễ và héo hết lá là lúa chết đến 80%. Hy vọng qua đợt rét này khoảng 20% diện tích lúa sống được, không thì phải nhổ đi cấy hết lại toàn bộ”.
Còn tại tỉnh Nghệ An, mặc dù diện tích thiệt hại do rét đậm rét hại không nhiều do chủ yếu là trà xuân muộn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là cán bộ ngành nông nghiệp ở cơ sở cùng nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, thống kê diện tích thiệt hại để kịp thời hỗ trợ nông dân…
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cho hay: “Chỉ có một số diện tích cục bộ ở địa phương thiệt hại do đợt rét vừa qua, ngành Nông nghiệp cũng đã tham mưu Tỉnh và đề nghị địa phương chủ động sử dụng lượng mạ dự phòng để gieo lại những diện tích thiệt hại, đảm bảo kế hoạch gieo cấy vụ xuân”.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả kiểm tra thiệt hại ở các địa phương miền Bắc cho thấy, khoảng 13.000 ha lúa xuân thiệt hại trong đợt rét vừa qua. Cục đã có liên tiếp 2 công văn đề nghị các địa phương chủ động phòng chống rét đậm rét hại; khuyến cáo nông dân khi thời tiết rét đậm rét hại dưới 15 độ C không nên gieo cấy.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các địa phương hiện nay là vận động bà con nông dân sử dụng lượng giống dự phòng tiếp tục gieo bổ sung, kiên quyết không để ruộng bị hoang hóa. Chúng tôi cũng khuyến cáo địa phương, cần tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong trường hợp những “chân ruộng” cao hay những khu vực khó khăn về nguồn nước có thể chuyển sang các cây trồng chịu hạn và có giá trị kinh tế cao như: lạc, ngô, đậu và những loại rau màu khác”, ông Trần Xuân Định khuyến cáo.
Ảnh hưởng của thời tiết là điều bất khả kháng, tuy nhiên trên thực tế lịch thời vụ gieo cấy vẫn còn, nông dân không nên quá lo lắng. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, ruộng lúa nào mới gieo cấy nếu không bật rễ trắng có thể bừa đi và gieo bổ sung bằng các giống ngắn ngày, sử dụng ngâm ủ mạ dự phòng, áp dụng rộng rãi phương thức gieo thẳng vẫn đảm bảo được lịch thời vụ và gieo cấy hết những diện tích theo kế hoạch./.
Theo VOV