18 người ở Nghệ An tử vong do tai nạn lao động trong hơn 2 năm qua

Mai Hoa - Thành Duy 11/12/2018 09:54

(Baonghean.vn) - Qua đợt giám sát của HĐND tỉnh phát hiện rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn lơ là.

Hậu quả nhãn tiền là nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra, 18 người lao động thiệt mạng trong hơn 2 năm qua… Nếu công tác này không được chấn chỉnh nghiêm khắc, e rằng những sự việc đau lòng sẽ không dừng lại.

Xem thường an toàn lao động

Trưa 4/4/2016, khi đang giữa giờ ăn trưa, khu vực sấy bột của dây chuyển sản xuất tinh bột sắn của Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh thương mại Sơn Long, đóng tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng. Hậu quả 5 người bị thương và 1 người tử vong. Sau sự việc bàng hoàng ấy, nguyên nhân được chỉ ra là do ban điều hành sản xuất không bố trí nhịp nhàng giữa các bộ phận.

Nơi tiếp nhận nguyên liệu bông đầu vào cũng như nguồn bông phế thải tai Công ty dệt may Hoàng Thị Loan đều phát sinh bụi bông. Ảnh: Mai Hoa

Sự việc đau lòng ở Công ty Sơn Long đã xảy ra đã hơn 2 năm, những cá nhân có lỗi để xảy ra sự cố cũng đã bị xử lý đích đáng nhưng nỗi đau mất mát của gia đình các nạn nhân hẳn vẫn chẳng thể nguôi ngoai. Đó là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động.

Nhưng có vẻ như bài học nhãn tiền đó được nhiều doanh nghiệp xem là câu chuyện đơn lẻ, chứ không phải của mình. Đơn cử tại Công ty TNHH Xuân Ngọc ở cụm công nghiệp Đông Vĩnh (TP. Vinh), chuyên sản xuất, kinh doanh gỗ ván ép, nhưng vệ sinh công nghiệp không được quan tâm, không gian làm việc hết sức nhếch nhác, nguy cơ cháy nổ cao.

Việc bố trí nồi hơi trong xưởng sản xuất chưa hợp lý, nguy cơ mất an toàn lớn. Người lao động không được trang bị và sử dụng đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ theo quy định; đặc biệt đối với những lao động làm ở những vị trí như máy cắt, đòi hỏi đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn lại không được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Còn tại Công ty cổ phần Giấy Sông Lam, đóng tại huyện Hưng Nguyên, chủ quản doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác đảm bảo ATLĐ. Công nhân đứng máy ở các công đoạn trong dây chuyền sản xuất chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, chống ồn ở một số khâu sản xuất có tiếng ồn cao.

Nguy hiểm hơn, hệ thống điện trong nhà máy ở một số khu vực đang để lộ thiên trên nền xưởng sản xuất. Môi trường, điều kiện làm việc này không khó để lý giải cho con số 6 vụ tai nạn lao động xảy ra ở nhà máy tính từ năm 2016 đến 30/6/2018.

Đá trượt, ẩn chứa nguy cơ mất an toàn lao động ở mỏ đá của Công ty đá Hoàng Mai. Ảnh: Mai Hoa

Thậm chí, tại mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần đá Hoàng Mai, dù hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ mất ATLĐ cao, nhưng đơn vị vẫn chưa xây dựng phương án xử lý sự cố ứng cứu khẩn cấp theo quy định. Quy trình khai thác lạc hậu dẫn đến có nhiều đá treo.

Phân khu khai thác chưa quy cũ, chưa có hệ thống mương dẫn thoát nước mưa chảy tràn để tránh trượt lở bờ mỏ, đá lăn do xói lở; chưa lắp đặt đầy đủ các biển báo cũng như quy định về ATLĐ. Một nghịch lý nữa là, mỏ đá của công ty này được quy hoạch sát hệ thống đường sắt Bắc - Nam gây nguy cơ mất an toàn rất cao trong quá trình nổ mìn để khai thác.

Công tác thanh tra, kiểm tra chưa toàn diện

Cũng trong giai đoạn trên, Sở LĐ - TB&XH chủ trì, phối hợp liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 44 cuộc, tại 369 doanh nghiệp; qua đó xử phạt, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 91 doanh nghiệp với số tiền gần 1 tỷ đồng. Nhà chức trách cũng ghi nhận, 66 vụ tai nạn lao động làm 81 người bị nạn, trong đó có 18 người chết/15 vụ, 44 người bị thương nặng.

Từ đầu năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Quỳ Hợp xảy ra 8 vụ tai nạn lao động làm 13 người bị chết, 5 người bị thương. Lý giải về những con số hết sức nhức nhối và đau lòng này, lãnh đạo huyện cho rằng, cán bộ phòng LĐ - TB&XH huyện kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, không có chuyên môn sâu, trong khi số lượng doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn và thường xuyên biến động nên khó khăn trong công tác triển khai, giám sát.

Mặt khác, người sử dụng lao động lại chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nhất là các doanh nghiệp nhỏ; còn buông lỏng trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra rà soát các nguy cơ tiềm ẩn mất ATLĐ để chủ động phòng ngừa và khắc phục; ý thức chấp hành các quy định an toàn của người lao động chưa cao.

Đoàn giám sát tìm hiểu về điều kiện làm việc của người lao động tại Công ty cổ phần Nhựa bao bì Vinh. Ảnh: Thành Duy

Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Đặng Cao Thắng thừa nhận, việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vừa qua, HĐND tỉnh đã thực hiện chương trình giám sát hết sức công phu đối với các vấn đề về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách cho người lao động. Trong đó, HĐND tỉnh chỉ rõ: Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành về ATVSLĐ chưa có hiệu quả; thông tin, tuyên truyền nội dung còn mang tính chung chung, nêu vấn đề mà chưa có nhiều thông tin mang tính hướng dẫn, định hướng, phân loại cụ thể đến từng đối tượng lĩnh vực này.

Công tác thanh tra, kiểm tra chưa toàn diện; các cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp không được phân bổ tương ứng với tỷ lệ các doanh nghiệp phân theo hình thức sở hữu, đặc biệt số cơ sở sử dụng dưới 10 lao động còn ít; thêm vào đó, công tác đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm, dẫn đến việc thực hiện các kết luận thanh tra từ các doanh nghiệp chưa nghiêm túc; công tác quản lý Nhà nước ở cấp huyện đối với ATVSLĐ còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch, hồ sơ ATVSLĐ, phương án ứng cứu khẩn cấp… theo quy định và không thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo lực lượng lao động, báo cáo về công tác ATVSLĐ theo quy định với cơ quan quản lý Nhà nước, mỗi năm có đến 100 doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo.

Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc huấn luyện, đào tạo, thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động.

Đoàn giám sát tại khuôn viên Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam. Ảnh: Mai Hoa
Một cuộc giám sát của HĐND tỉnh về lĩnh vực an toàn lao động. Ảnh: Mai Hoa

Một số doanh nghiệp chưa tổ chức bộ phận y tế hoặc hợp đồng với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, như: Công ty TNHH Matrix Vinh; Công ty TNHH Xuân Ngọc; Trại lợn giống ngoại Thái Dương, Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty Bao bì Sabeco…

Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, thực hiện các biện pháp giảm thiểu các yếu tố có hại, nguy hiểm đến người lao động và hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động để đưa ra những cảnh báo và khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao sức khỏe cho người lao động. Công tác phòng, chống cháy nổ ở một số doanh nghiệp chưa đảm bảo.

Thực tế, qua đợt giám sát, HĐND tỉnh phát hiện nhiều doanh nghiệp, người lao động chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp đảm bảo ATLĐ, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, các đoàn giám sát HĐND tỉnh đã yêu cầu Sở LĐ - TB&XH và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATLĐ; gắn với đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý đủ sức răn đe để bảo vệ quyền lợi, an toàn cho người lao động.

18 người ở Nghệ An tử vong do tai nạn lao động trong hơn 2 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO