25 gạch đầu dòng để tích lũy tiền trong năm mới
Mua chiếc xe đạp đi làm hay bắt đầu kiếm một công việc tay trái, có nhiều cách bạn có thể làm để gia tăng thu nhập bản thân trong năm nay.
Những ngày đầu năm mới là khoảng thời gian tốt nhất để làm mới lại bảng chi tiêu ngân sách cá nhân. Cân nhắc 25 điều dưới đây, bạn có thể cải thiện tình hình tài chính của mình trong 12 tháng tới:
1. Quyết định mục tiêu tài chính
Mục tiêu dài hạn của bạn là gì? Một căn hộ 3 phòng ngủ hay chuyến du lịch châu Âu dài ngày? Sau khi chọn được mục tiêu, bạn đặt ra số tiền cần để biến mục tiêu thành hiện thực và bắt đầu lao động vì số tiền đó.
2. Thiết kế chương trình chi tiêu
Nhiều người tiêu hai phần ba số tiền họ kiếm được vào 3 thứ thiết yếu nhất là thực phẩm, nhà cửa và di chuyển. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thứ khác cần đến tiền như tiết kiệm, đồ gia dụng, đời sống giải trí... Hãy thiết kế một bảng chi tiêu ngân sách năm bằng cách phân bố tỷ lệ chi tiêu cho từng mục.
3. Kháng cự sự cám dỗ của thú vui mua sắm
Nhiệm vụ của những người bán hàng là tung ra những lời mỹ miều để "dụ dỗ" chúng ta chi tiền. Tuy nhiên nếu tỉnh táo, bạn có thể kháng cự lại những cám dỗ này. Các loại khuyến mãi, giảm giá, cơ hội trúng thưởng... là vài chiêu mà các nhà bán lẻ dùng để lôi kéo người mua. Hãy suy nghĩ trước xem đó có phải món đồ thực sự thiết yếu và nói "không" nếu bạn không mua cũng không sao.
4. Theo dõi chi tiêu
Ghi lại chi tiết từng khoản chi một hàng ngày và theo dõi lại mỗi hai tuần để biết khoản nào lãng phí như đi ăn nhà hàng, đi taxi. Bạn có thể ghi ra một cuốn sổ hoặc tiện hơn ghi lên một công cụ online để có thể theo dõi từ bất kỳ đâu bằng thiết bị di động cầm tay.
5. Không ngại mặc cả
Giá niêm yết nhiều khi vẫn dành ra một phần đề phòng khách hàng thương lượng. Hãy tận dụng chúng và không ngại mặc cả ở bất cứ đâu.
6. Tìm hiểu về sản phẩm trên mạng trước khi ra cửa hàng
Xem các sản phẩm trên mạng trước khi ra cửa hàng là cách nhanh nhất bạn tìm được nơi bán giá rẻ nhất mà không phải đi ra ngoài. Hoặc khi tìm trên mạng, bạn có thể tìm được chỗ vừa bán hàng giá rẻ vừa giao hàng đến tận nhà miễn phí.
7. Kiếm tiền từ hơn một nguồn
Chỉ một nguồn trả lương khiến bạn gặp nhiều nguy cơ nếu bị mất việc hoặc lương giảm. Nếu có thêm một công việc tay trái, bạn sẽ có thêm thu nhập trong năm nay. Nơi tìm việc có thể là thế giới mạng với hàng trăm cách đa dạng để kiếm tiền, hoặc một công việc vào buổi tối.
8. Kinh doanh riêng
Nhiều người đã quyết định bỏ đi làm thuê để mở công việc kinh doanh riêng của mình, nhằm giành quyền quyết định tài chính của bản thân. Những công việc kinh doanh dù nhỏ nhất cũng đáng cân nhắc như mở một website, blog riêng và kiếm tiền nhờ quảng cáo, hoặc làm một mảnh vườn nhỏ trồng rau hoặc hoa đem bán.
9. Thương thảo tăng lương
Nếu vẫn đang làm trong công ty, bạn vẫn may mắn hơn nhiều người đang thất nghiệp. Nếu đã lâu chưa được tăng lương, đây là cơ hội để bạn thương lượng với sếp để gia tăng nguồn thu nhập.
10. Trả ngay các khoản nợ lãi cao trước.
Lãi thẻ tín dụng là một trong những loại nợ có lãi cao nhất. Nếu đang có những khoản chưa trả bạn cần trả ngay.
11. Cố gắng trả sớm tất cả các khoản nợ
Ngoài nợ lãi cao, bạn còn khoản nợ nào khác như nợ tiền học Đại học, nợ mua nhà hoặc mua xe? Nếu có, bạn cần làm việc nhiều hơn bình thường để nhanh chóng trả nợ.
12. Cắt giảm tối đa phí đầu tư
Khi bạn mang tiền đi đầu tư thông qua các công ty, tổ chức thương bị thu phí. Hãy giảm tối đa khoản phí đó bằng cách lựa chọn công ty có phí thấp hoặc chon các loại hình đầu tư tốn ít phí.
13. Bắt đầu từ sớm, đầu tư thường xuyên
Sức mạnh của sự cộng dồn là bạn càng tiết kiệm từ sớm thì càng có nhiều tiền để đầu tư và để dành khi về già. Đừng đợi dến khi đến giữa giai đoạn sự nghiệp rồi mới bắt đầu tiết kiệm.
14. Đừng theo dõi thị trường mỗi ngày
Thị trường luôn có lúc tăng lúc giảm. Nếu bạn đầu tư về dài hạn, không nhất thiết mất quá nhiều thời gian theo dõi bảng giá mỗi ngày để chuốc lấy sự căng thẳng. Thay vào đó, bạn cần kiểm tra danh mục đầu tư mỗi quý một lần và có sự điều chỉnh nếu cần thiết.
15. Tính toán kế hoạch tài chính khi về hưu
Trong bảng tài chính cá nhân của bạn cần xác định được mình sẽ có bao nhiêu tiền khi về hưu. Nếu muốn về hưu một cách thoải mái không cần viện đến con cháu, bạn sẽ cần tiết kiệm nhiều hơn.
16. Tiết kiệm cho về hưu từng bước nhỏ
Để dành 10% thu nhập cho lúc về hưu là quá nhiều. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm từ khi còn trẻ, chỉ cần 2 đến 3% thu nhập mỗi tháng để vào danh mục về hưu là đủ. Sau đó bạn sẽ gia tăng số tiền này lên bằng cách tăng dần tỷ lệ tiết kiệm hoặc mang đầu tư dài hạn.
17. Sống với người thân
Nếu bạn chưa lập gia đình, sống chung với bố mẹ hay anh chị em sẽ tiết kiệm được nhiều khoản.
18. Học cách nói "Không"
Trước khi nhận lời giúp một ai đó, bạn phải cân nhắc tình hình tài chính cá nhân của mình. Nếu cho mượn hoặc cho vay tiền làm ảnh hưởng đến đời sống gia đình, có thể đẩy bản thân vào cảnh nợ nần thì cần từ chối. Bạn có thể chọn cách giúp đỡ khác không liên quan đến tiền bạc.
19. Sống đơn giản
Cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi đã giúp nhiều người có thói quen sống đơn giản hơn, như học cách tự làm nhiều thứ thay vì thuê thợ, nấu ăn ở nhà thường xuyên thay vì ra nhà hàng, đạp xe thay vì tốn tiền cho các loại phương tiện khác. Thậm chí nam giới có thể tự cắt tóc ở nhà thay vì ra tiệm. Những thay đổi nhỏ trong cuộc sống có thể giúp bạn cắt giảm tương đối chi phí sinh hoạt hàng tháng.
20. Tìm những sở thích đơn giản
Sở thích đi mua sắm cần được thay bằng những sở thích khác như thăm thú bảo tàng, tham gia các hội nhóm hay đạp xe đi picnic.
21. Lên kế hoạch bữa ăn cho cả tuần
Thực phẩm chiếm một phần khá lớn trong chi tiêu hàng tháng. Nhất là nếu thường xuyên đến nhà hàng, số tiền sẽ tăng lên rất nhiều. Để tránh những bữa đột xuất bên ngoài và tiết kiệm ngân sách ăn uống, hãy lên kế hoạch bữa ăn cho cả tuần và đi mua một lúc. Con gà nướng bữa tối có thể để dành một phần để làm bữa sáng cho ngày hôm sau.
22. Cân nhắc thời điểm sinh con
Theo một thống kê tại Mỹ, việc nuôi con từ lúc sinh ra đến 18 tuổi tiêu tốn một phần tư của một triệu USD, chưa bao gồm chi phí học đại học. Nếu bạn chưa tích trữ đủ tiền để nuôi con, hãy lên kế hoạch và chờ một vài năm nữa.
23. Dùng ít sản phẩm hơn
Có những thứ không cần thiết nhưng bạn vẫn đang dùng như các sản phẩm tẩy rửa nhà tắm đắt đỏ, nước dưỡng thể, nước hoa. Hay cân nhắc xem sản phẩm nào không thể thiếu và cái nào không có cũng không sao.
24. Tắt thiết bị khi không sử dụng
Các loại thiết bị như tivi, đầu đĩa nếu không xem hoặc nghe, bạn nên tắt ngay. Bạn đang ở trong phòng nào thì chỉ nên bật đèn phòng đó. Chú ý tắt khi không sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm một phần trong hóa đơn tiền điện hàng tháng.
25. Làm từ thiện
Cho đi là nhận lại. Bạn có thể làm từ thiện với đồ không còn dùng nữa nhưng vẫn còn tốt như quần áo cũ, đồ chơi, đĩa nhạc hoặc so thể hiến máu, quyên tiền. Mang đồ cũ cho những người đang cần chúng cũng là cách giúp bạn dọn dẹp bớt đồ đạc trong ngồi nhà của mình.
Theo VNE