26 chủ rừng ở Nghệ An nhận hơn 115 tỷ đồng từ nguồn tín chỉ carbon
Đến tháng 1/2025, đã có 26 chủ rừng là cộng đồng, tổ chức trên địa bàn Nghệ An được nhận hơn 115 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính.
Trong lộ trình thực hiện chi trả nguồn hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) cho Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đã có 26 chủ rừng là các cộng đồng, tập thể được nhận hơn 115 tỷ đồng.
.jpg)
Cụ thể, theo Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 332 cộng đồng dân cư là chủ rừng và 457 cộng đồng có thỏa thuận tham gia quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức được hưởng lợi từ nguồn ERPA.
Đến tháng 1/2025, số tiền ERPA chi trả cho 26 chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh là 115,8 tỷ đồng trong tổng kế hoạch hơn 133,8 tỷ đồng, đạt 87% tổng kinh phí của nhóm đối tượng chủ rừng là tổ chức; chiếm 67% tổng kinh phí đã chi trả cho các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn toàn tỉnh.
Ví như các cộng đồng là chủ rừng thuộc phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Pù Mát, theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, đến tháng 2/2025, tổng kinh phí được hỗ trợ từ nguồn ERPA năm 2024 là hơn 24 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 13 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí từ ERPA mà Nghệ An có được từ hoạt động bảo vệ rừng, giảm phát thải khí nhà kính đã góp thêm nguồn tài chính cho các chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng dân cư; ổn định thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trong vùng thụ hưởng để họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề rừng.
Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, UBND tỉnh và các bên liên quan, việc triển khai thực hiện ERPA có tác động rất tích cực tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nguồn kinh phí này sẽ là nguồn lực góp phần hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng. Bởi nguồn kinh phí hỗ trợ các cộng đồng chủ yếu thuộc vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, hỗ trợ xây dựng các công trình thiết yếu cho cộng đồng. Do đó, hiệu quả của chính sách mang lại là rất rõ rệt.
Đồng thời, nguồn hỗ trợ cũng giúp nâng cao vai trò và sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các chủ rừng là tổ chức trong công tác bảo vệ rừng.
.jpg)
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) là thỏa thuận chuyển nhượng cácbon được ký vào ngày 20/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), đơn vị nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF). Theo Thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO, và bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO (nếu có) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho FCPF trong giai đoạn 2018 - 2025 với tổng số tiền 51,5 triệu USD. Ngược lại, Ngân hàng IBRD sẽ chuyển cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 107/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận ERPA. Ngày 22/4/2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh.
.jpg)
Đây là chính sách quan trọng quy định cách thức các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng được hưởng lợi từ dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ rừng.